Ông Paul Guevarra từ Libya trở về Philippines vào tháng 3 năm nay. Ông làm việc tại đó 5 năm qua, kiếm được gần 100.000 đô la mỗi năm trong chức vụ lập kế hoạch bảo trì cao cấp tại một công ty dầu đa quốc gia.
Công nhân 27 tuổi này nói làm việc tại một quốc gia hòa bình là chuyện dễ dàng. Tuy nhiên mọi việc trở thành đáng sợ vào tháng Hai khi những vụ xung đột đẫm máu xảy ra trên đường phố Libya.
Dù ông Guevarra thích thú được trở về với gia đình tại một tỉnh cách Manila 2 giờ đồng hồ lái xe ở vùng đông bắc, người cha của hai đứa con này cảm thấy căng thẳng vì không có lợi tức nào cả. Trước đây trong năm, khi ông gần cạn tiền tiết kiệm, ông biết được là ông đủ điều kiện để vay được một khoản vay đặc biệt 47.000 đô la của chính phủ. Chương trình này tồn tại đã 4 năm nhưng hiện nay chính phủ tăng thêm tiền vay với lãi suất thấp. Ông Guevarra, một nhạc sĩ lâu năm dùng số tiền này để mở một phòng thu nhạc.
Chính quyền Aquino đang nỗ lực làm cho chuyện lao động tại quê nhà hấp dẫn hơn—nhưng không là một công việc dễ dàng. Cuộc kiểm tra dân số trên toàn quốc vào năm 2009 cho thấy lợi tức trung bình của mỗi gia đình hàng tháng dưới 400 đô la. Những ai làm việc ở nước ngoài có thu nhập nhiều hơn, và năm ngoái đã gởi về nước khoảng 20 tỉ đô la, khoảng 10% tổng sản lượng nội địa của Philippines.
Ông Gievarra bắt đầu có khách tại phòng thu nhạc vào cuối tháng 9. Cho đến nay, dự án ước mơ của ông tiến hành êm thắm, nhưng ông nói lợi tức thu được từ phòng thu thanh không đủ trả tiền thuê và những nhu cầu trong gia đình.
Do đó ông Guevarra đang có chương trình dự phòng. Ông nói công ty cũ yêu cầu ông trở lại Libya sau khi công ty thấy an ninh đã ổn định. Ông nói ông dự trù trở lại Libya, để lại người em và vợ trông nom công việc doanh thương mới tại Philippines.
Dù chính phủ có những sáng kiến, câu chuyện của ông Guevarra là điển hình tại Philippines, nơi Bộ Lao động nói 80% tất cả công nhân quay về đã chọn giải pháp đi ra nước ngoài trở lại.
Hàng ngày 3.000 công dân Philippines rời xứ sở đi làm việc tại nước khác. Những người này bị thu hút ra nước ngoài do lương cao, và lương bổng của họ giúp phát triển kinh tế Philippines. Hiện nay, sau nhiều năm khuyến khích công nhân làm việc ở nước ngoài, chính phủ Philippines đang tiến hành những nỗ lực mang công nhân trở về nước.