Philippines sẽ tìm kiếm sự đồng thuận ở Đông Nam Á về cách thức giao tiếp với Bắc Triều Tiên, sau khi Mỹ gia tăng áp lực cô lập Bình Nhưỡng liên quan tới các cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo, Ngoại trưởng Philippines cho biết.
Mỹ dự kiến sẽ hối thúc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước Châu Á khác có hành động nghiêm khắc hơn đối với Bắc Triều Tiên, chẳng hạn như "quyết liệt" giảm các giao dịch với quốc gia vốn đã bị cô lập này.
Là Chủ tịch của ASEAN, Philippines trong vài ngày tới sẽ tổ chức các cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao đến từ 27 quốc gia bao gồm Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ, mà trong đó những vụ thử nghiệm phi đạn của Bình Nhưỡng dự kiến sẽ chiếm vị trí trung tâm.
"Đây là một tổ chức dựa trên sự đồng thuận, vì thế điều tôi có thể làm là tham vấn các thành viên khác trong cuộc họp mặt sau bữa tối đêm nay," Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano nói với các phóng viên.
"Tôi dự đoán sẽ có hai phía quan điểm. Vì vậy, đó là một quyết định rất khó khăn."
Bắc Triều Tiên quyết tâm phát triển một loại phi đạn đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công Mỹ, và các quan chức ở Washington nói rằng vụ thử nghiệm gần đây nhất hôm thứ Bảy tuần trước cho thấy nó có thể vươn tới gần như cả nước. Trung Quốc đã kêu gọi bình tĩnh và kiềm chế từ tất cả các bên liên quan trong vụ đối đầu.
Không rõ ASEAN có thể đưa ra một lập trường cứng rắn hơn về Bắc Triều Tiên như lập trường mà Mỹ ủng hộ hay không, hay là vẫn giữ lập trường kêu gọi bình tĩnh và tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Một số chuyên gia tin rằng ASEAN có thể tìm cách đóng vai trò trung gian điều giải, vì họ là khối các nước Châu Á không dính líu trong vụ đối đầu.
Ông Cayetano cho biết Philippines đang băn khoăn làm thế nào mà họ có thể đáp ứng yêu cầu của Mỹ bằng việc hạ cấp quan hệ với Bắc Triều Tiên.
Bắc Triều Tiên có đại sứ quán và một số doanh nghiệp ở vài nước Đông Nam Á, một số trong số đó có giao thương với Bình Nhưỡng. Bắc Triều Tiên không có sự hiện diện ngoại giao ở Philippines.