Một nhà ngoại giao hàng đầu của Philippines cảnh báo Mỹ chớ nên lên lớp chính phủ Manila về nhân quyền. Đáp lại, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc kêu gọi tất cả các nước, đặc biệt là các nước đồng minh, hãy bảo vệ các nhân quyền phổ quát.
Phát biểu tại Washington ngày 15/9, Ngoại trưởng Perfecto Yasay kêu gọi Mỹ-Philippines nên tôn trọng lẫn nhau, nói rằng Philippines không phải là ‘những cậu em da nâu của Mỹ.’
Tuy nhiên, ông Yasay đảm bảo với các cử tọa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế rằng Manila cam kết một mối quan hệ tích cực với Hoa Kỳ.
Bài diễn thuyết của Ngoại trưởng Philipipnes được đưa ra sau một chuỗi những phát biểu gây tranh cãi của Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte.
Ông Duterte yêu cầu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chớ có chất vấn ông về các vụ giết người mà không thông qua tòa xét xử, bằng không, ông cảnh cáo: ‘Thằng con hoang, tôi sẽ chửi vào mặt.’
Sau những lời lẽ này, ông Obama đã triệu tập các cố vấn của mình để lượng xem cuộc họp theo lịch trình với ông Duterte tại thượng đỉnh ASEAN tuần trước ở Vientiane (Lào) liệu có mang lại kết quả tốt đẹp hay không. Và Tòa Bạch Ốc đã hủy bỏ cuộc họp, mặc dù lãnh đạo Mỹ-Philippines đã trao đổi ‘vui vẻ’ trong một cuộc gặp ngắn tại gala tiệc tối ở thượng đỉnh ASEAN.
Ông Obama sau đó nói rằng phát biểu của ông Duterte không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa 2 quốc gia đồng minh.
Ngoại trưởng Philippines kêu gọi: “Tôi yêu cầu những người bạn Mỹ, các nhà lãnh đạo Mỹ, hãy hiểu nguyện vọng của chúng tôi. Chúng tôi không thể mãi mãi là những cậu em da nâu bé bỏng của Mỹ... Chúng tôi phải phát triển, chúng tôi phải vươn lên và trở thành người anh cả của dân tộc chúng tôi.”
Ngoại trưởng Yasay cũng thúc giục Washington chớ lên lớp về nhân quyền như là một điều kiện để Philippines nhận được sự giúp đỡ của Mỹ.
“Anh không thể sang Philippines và nói rằng ‘Này tớ sẽ cho cậu vài thứ, sẽ giúp cậu phát triển, nhưng cậu phải tuân thủ danh sách các điều kiện, chúng tớ sẽ giảng dạy cậu về nhân quyền,” ông Yasay nói.
Tại Tòa Bạch Ốc, phát ngôn viên Josh Earnest khẳng định: “Tổng thống đã chỉ rõ rằng nhân quyền tác động đến mối quan hệ với Philippines."
Mỹ đã làm việc chặt chẽ với Manila trong công tác chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và bạo động có liên hệ tới nạn buôn bán ma túy, ông Earnest cho biết.
“Tuy nhiên, quan trọng là trong lúc thực hiện các hoạt động và nỗ lực ấy, nhân quyền phổ quát được bảo vệ, và tham gia vào các hoạt động thực thi pháp luật phù hợp với cam kết về nhân quyền là hết sức quan trọng,” ông nói thêm. “Và chúng tôi dĩ nhiên khuyến khích các nước trên thế giới, đặc biệt là các đồng minh của chúng tôi, thực hiện chính điều đó.”
Ông Duterte đã gây bức xúc cho Hoa Kỳ vì chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu, giết chết hơn 3.000 người bị tình nghi sử dụng ma túy và buôn bán ma túy kể từ khi lên nhậm chức Tổng thống hồi tháng 6.
Ngoại trưởng Philippines cũng xác nhận rằng Manila không muốn tham gia các cuộc tập trận chung với Mỹ trong vùng biển Đông có tranh chấp như từng làm trước đây.
Một phát ngôn nhân của Ngũ giác đài cho hay đã có ba cuộc tuần tra như thế. Lần đầu hồi tháng 3, lần thứ nhì hoàn thành vào đầu tháng 4. Cuộc tuần tra chung cuối cùng diễn ra hồi tháng 7.