Trong khi chỉ còn hơn một tháng nữa là diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng ở Myanmar, ngày càng có nhiều người quan ngại về việc sử dụng tôn giáo để kích động sự sợ hãi và gạt những phe thiểu số ra ngoài lề.
Hôm chủ nhật, hàng ngàn tăng sĩ và ủng hộ viên của nhóm Phật giáo dân tộc chủ nghĩa Myanmar đã tổ chức một cuộc tập họp tại Yangon ăn mừng “chiến thắng” trong việc thông qua 4 bộ luật về chủng tộc và tôn giáo gây nhiều tranh cãi.
Ủy ban Bảo vệ Quốc tịch và Tôn giáo, còn nổi tiếng hơn với danh hiệu viết tắt là Ma Ba Tha, đã tổ chức các sự kiện tại gần như tất cả 14 bang và các khu vực của Myanmar trong mấy tuần vừa qua để ăn mừng việc quốc hội thông qua các dự luật, với sự ủng hộ của đảng cầm quyền được quân đội hậu thuẫn.
Các bộ luật, bao gồm việc phụ nữ theo Phật giáo phải đăng ký với chính quyền địa phương nếu họ muốn kết hôn với một người không theo Phật giáo, và hình phạt dành cho những người sống với một người bạn tình độc thân, đã được Tổng thống Thein Sein ký thành luật trong năm nay.
Trong cái nóng thiêu đốt tại một sân vận động thể thao trong nhà ở miền đông Yangon, hàng ngàn nhà sư và người thường mặc áo thun mang dấu hiệu Ma Ba Tha đã vỗ tay và reo hò trong khi các nhà sư nổi tiếng nói về tầm quan trọng của các bộ luật trong việc bảo vệ lai lịch Phật giáo.
Phần lớn mối đe dọa được cho là xuất phát từ cộng đồng Hồi giáo, với các nhân vật cấp cao của Ma Ba Tha thường xuyên chỉ trích các nhóm Hồi giáo.
Hồi tháng 8, tổ chức Human Rights Watch nói các luật lệ sẽ “đào sâu sự kỳ thị dựa vào tôn giáo, và cũng vi phạm các quyền được quốc tế bảo vệ đối với sự riêng tư và tín ngưỡng.”
Được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu một phụ nữ Phật giáo kết hôn một người không theo đạo Phật muốn trở lại đạo nhưng bị chồng bà ngăn cản, ông Ashin Dhammapiya, một người phát ngôn của Ma Ba Tha nói, “Nay chúng tôi có bộ luật này, chúng tôi đã giải quyết được vấn đề.”
Sự kiện, thu hút sự chú ý đáng kể của giới truyền thông, diễn ra chỉ trên 1 tháng trước cuộc bầu cử quan trọng trong nước, và đã có những mối quan ngại rằng Ma Ba Tha đang tìm cách sử dụng tôn giáo để gây ảnh hưởng tới chính sự.
Nhóm này vẫn thường xuyên chỉ trích đảng đối lập Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ NLD, đã chống đối việc thông qua các bộ luật về chủng tộc và tôn giáo.
Cả NLD lẫn đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển đều chưa đưa ra ứng viên Hồi giáo nào. Giới hữu trách NLD đã thừa nhận họ khuất phục trước áp lực của tổ chức Phật giáo cứng rắn trong việc loài trừ các ứng viên Hồi giáo.
Tháng trước, Liên minh Ủy ban Bầu cử phục hồi cho 11 ứng viên Hồi giáo trước đó đã bị cho là không hội đủ điều kiện ra ứng cử vì lý do tình trạng công dân. Hang chục người khác, đa số là Hồi giáo, đã không được phục hồi.
Quyết định này được đưa ra tiếp theo áp lực ngày càng tăng của quốc tế sau khi 9 đại sứ quán, kể cả Hoa Kỳ, Nhật Bản và Anh Quốc công bố một thông cáo bày tỏ sự quan ngại về triển vọng “dùng tôn giáo như một công cụ gây chia rẽ và xung đột” trong thời kỳ tranh cử.
“Ở Myanmar này, chúng ta có hai chính đảng lớn. Các đảng này có một chính sách cố ý loại trừ Hồi giáo,” theo ông Khin Maung Cho, người ra tranh cử trong tư cách ứng viên độc lập ở trung tâm Yangon và là một trong 11 ứng viên được phục hồi.
“Có những luật lệ không pha trôn tôn giáo, không lạm dụng tôn giáo trong chính sự, nhưng có một số vấn đề. Như Ma Ba Tha, họ không muốn nhìn thấy người Hồi giáo nào trong Quốc hội.
Ông nói, “Đó là một tổ chức tôn giáo nhưng chỉ nên hạn chế trong phạm vi tôn giáo. Họ không thể xen lẫn với chính trị.”
Trong khi Ma Ba Tha bị chỉ trích về lập trường chống Hồi giáo, nhóm này khẳng định rằng họ đang cố gắng hướng tới một giải pháp ôn hòa trong tình hình căng thẳng tôn giáo trong nước và 4 bộ luật này là một bước tiến theo hướng đó.