Trong một cuộc họp báo của chính phủ Việt Nam hôm 1/2, trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên của Bộ Công an đầy quyền lực, chỉ ra một phần nguyên nhân làm giá điện tăng cao, một vấn đề thường gây bức xúc trong người dân Việt Nam những năm gần đây.
Khi báo chí hỏi tướng Xô về tiến độ điều tra một số vụ án lớn trong lĩnh vực điện, xăng dầu, được dư luận quan tâm, trong câu trả lời dài của mình, người phát ngôn của Bộ Công an nêu ra vụ án gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân và Công ty Điện lực Bình Thuận, theo tường thuật trên trang web chính thức của Bộ Công an và một số báo như VietnamNet, Thanh Tra.
Ông Xô gọi vụ này là ví dụ điển hình trong nỗ lực của Bộ Công an được ông ví von là “thăm khám điều trị một số bệnh nan y trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực”. Ông nhấn mạnh đến phương châm của bộ là “xử lý một vụ, cảnh tỉnh một vùng, lĩnh vực”.
Trong vụ án nêu trên, theo tướng Xô, chủ đầu tư và nhà thầu đã bắt tay nhau để nâng giá nhiều loại vật tư, thiết bị điện, nâng giá từ vài chục đến vài trăm phần trăm.
Có những vật tư, thiết bị bị nâng giá tới 300%, ông nói, được trang web Bộ Công an và báo chí trích dẫn lại.
Điều này là một trong những nguyên nhân làm tăng giá điện, gây thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng, phát ngôn viên của Bộ Công an nêu rõ và bình luận thêm “Giá điện tăng lên, người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi”, trang web của Bộ Công an, VietnamNet, và Thanh Tra tường thuật lại.
Thông tin của ông Xô được đưa ra trong bối cảnh mới cách đây gần 2 tuần, nữ Thứ trưởng Phan Thị Thắng của Bộ Công Thương kiến nghị cần tiếp tục tăng giá điện trong năm 2024 sau khi đã có 2 lần tăng giá hồi năm ngoái.
Việc tăng giá điện lại được đặt ra sau khi tập đoàn nhà nước EVN nắm hầu hết hệ thống truyền tải bị lỗ gần 38.000 tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023, bên cạnh đó, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 7,5%, lên gần 2.093 đồng/kWh trong năm ngoái.
Bà Thắng được báo chí trích dẫn lời nói rằng cần xem xét điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào của giá điện, đồng thời để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.
Theo quan sát của VOA, sau khi báo chí trong nước đưa tin hồi cuối tháng 1 về đề xuất tăng giá điện của quan chức Bộ Công Thương, nhiều người bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ trên mạng xã hội. Họ nói rằng cần phải thanh tra, kiểm tra xem bộ và EVN vận hành, kinh doanh thế nào mà nhiều năm nay liên tục lỗ nặng nề, bắt người dân vốn đã rất khó khăn phải gánh chịu.
Đó cũng là phản ứng từng xảy ra trong những lần các bộ, ngành đề nghị hoặc thực sự tăng giá điện trong những năm trước đây.