Một nhóm các nhà nghiên cứu nói họ đã phát hiện ra một hình thái các dấu hiệu trước các trận động đất cực lớn mà trước đây đã không ai nhận ra. Điều này được rút ra khi nhóm quan sát trận động đất 9 độ Richter gây tàn phá nặng nề ở đông bắc Nhật Bản năm 2011.
Một bài đăng hôm thứ Sáu trên tạp chí Science cho rằng điều này “có tiềm năng giúp hoàn chỉnh các dự báo động đất lệ thuộc vào thời gian”.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Trợ lý Giáo sư Naoki Uchida tại Trung tâm Nghiên cứu Dự báo Động đất và Núi lửa thuộc trường Đại học Tohoku, nói với đài VOA: “Mặc dù còn lâu mới có thể dự báo động đất ở mức có ích cho xã hội, song tôi tin đây là một bước đáng kể tiến đến điều đó”.
Nhưng một số nhà khoa học nổi tiếng nói với VOA họ thấy có vấn đề về mặt phương pháp và không coi đây là một đột phá lớn.
Ông Uchida cùng hai đồng sự Nhật và hai nhà khoa học của Đại học California ở Berkeley đã phác thảo các dữ kiện mà họ nói cho thấy những chuyển động địa chất nhẹ đã bắt đầu tăng tốc một vài ngày trước trận động đất cực lớn vào ngày 11/3/2011, châm ngòi cho trận sóng thần tai hại, làm khoảng 18.000 người thiệt mạng, và gây ra hiện tượng tan chảy tại 3 lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản.
Vụ động đất ngoài khơi này là vụ lớn nhất từ trước đến nay mà đảo quốc dễ bị tác động này gánh chịu.
Ông Uchida và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu của hơn 6.000 thời điểm có địa chấn trong khoảng thời gian 28 năm để phát hiện sự dao động về tần suất các chuyển động địa chất ở đông bắc Nhật Bản.
Ông Uchida nói với VOA rằng “Các kết quả gợi ý rằng có nhiều khả năng xảy ra động đất hơn khi các chuyển động chậm xảy ra. Dựa vào cách tính đến những mối quan hệ như vậy, có thể cải thiện xác suất dự báo động đất”.
Tuy nhiên các nhà khoa học khác tỏ ra nghi ngờ về việc phát hiện những chuyển động địa chất chậm này có thể dẫn đến việc dự báo đáng tin cậy về động đất.
Giáo sư môn thống kê Philip Stark tại trường Đại học California ở Berkeley, người không tham gia cuộc nghiên cứu, nói chừng nào các nhà khoa học chưa đưa ra những dự báo có thể kiểm tra được, chừng đó phát hiện của nhóm nghiên cứu chỉ là “một giai thoại hay, chứ không phải là một khám phá cơ bản”.
Phát biểu với VOA, ông Stark cũng chỉ trích việc thiếu “chú ý về dữ liệu” trong bài báo trên tạp chí Science. Theo ông, “mô hình chuyển động đều đặn rõ ràng không ăn nhập với dữ liệu, nhưng nó đã được coi như là điều hiển nhiên đúng”.
Giáo sư địa vật lý Robert Geller tại trường Đại học Tokyo nói: “Bất chấp những nghiên cứu đã 100 năm, chưa ai tìm ra cách phân biệt được các chấn động trước động đất với các trận động đất nhỏ thất thường. Vì vậy, trừ khi ta phát đi cảnh báo sau mọi trận động đất nhỏ, còn không thì không có cách nào sử dụng những chấn động xảy ra trước để dự báo các trận động đất lớn một cách đáng tin cậy”.
Ông Geller nói với VOA rằng nếu đưa ra hàng trăm hay hàng ngàn cảnh báo sai để đúng một lần, đó là điều công chúng sẽ không chấp nhận.