Pháp, Đức thúc đẩy việc hạn chế mã hóa các tư liệu trong máy vi tính

  • Lisa Bryant

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere (trái) và Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve trong một cuộc họp báo chung ở Paris, ngày 23 tháng 8 năm 2016.

Pháp và Đức đang kêu gọi Liên hiệp châu Âu chấp thuận những qui định giới hạn việc mã hóa các tin nhắn trên truyền thông xã hội để chống khủng bố. Thông tín viên Lisa Bryant tường trình cho Đài VOA về một cuộc họp tại Paris giữa Bộ trưởng Nội vụ Đức và Pháp.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve nói Pháp và Đức không muốn cấm những tin nhắn được mã hóa nhưng tốt hơn là làm việc với những tổ chức truyền thông xã hội để hạn chế những phần tử cực đoan Hồi giáo sử dụng công cụ này.

Phát biểu bên cạnh người tương nhiệm Đức Thomas de Maiziere, ông Cazeneuve nói là các cơ quan tình báo châu Âu và các thẩm phán phải có thể nhận ra được những tin nhắn mã hóa được các phần tử cực đoan sử dụng qua các công cụ như Telegram và WhatsApp – và sử dụng những tin nhắn này như bằng chứng chống lại các thủ phạm. Hai quốc gia muốn các thành viên của Liên hiệp châu Âu thảo luận về những đạo luật chung tại một hội nghị trong tháng tới.

Nhà chức trách nói các phần tử hiếu chiến Hồi giáo đang gia tăng việc sử dụng các tin nhắn mã hóa để tuyên truyền và làm dễ dàng các hoạt động khủng bố. Cả hai nước Pháp và Đức đều chịu những cuộc tấn công khủng bố trong mùa hè này. Ông Cazeneuve cũng nói các giới chức Pháp trong tháng này đã bắt giữ 7 người vì tình nghi có liên hệ đến khủng bố, trong đó có 3 nghi can với kế hoạch tấn công rõ rệt.

Chính phủ Mỹ cũng đã nỗ lực làm việc với những công ty công nghệ để hạn chế hoạt động của các phần tử cực đoan. Tuy nhiên một số người chống đối cho rằng các chính phủ châu Âu đã có nhiều công cụ theo dõi và vấn đề là ở chỗ khác.

Ông Guillaume Champeau, người sáng lập tạp chí kỹ thuật số Numerama, nói với đài phát thanh châu Âu là thay vào đó nhà cầm quyền nên suy nghĩ lại về những hoạt động theo dõi để chú trọng nhiều hơn vào việc thu thập tin tức tình báo địa phương.