Phản ứng lẫn lộn về chương trình tiêm chủng vắc xin chống Covid của Nga

Tư liệu - Một nhân viên y tế tại một trung tâm y tế khu vực được tiêm chủng vaccine "Sputnik-V"chống virus Covid-19 ở Tver, Nga, ngày 12/10/2020. REUTERS/Tatyana Makeyeva

Trong khi vắc xin chống virus Covid-19 do phương Tây phát triển được chào đón một cách nhiệt tình và hào hứng, vắc xin do Nga chế tạo gặp những phản ứng tương phản nhau, với những bài báo tường trình về các phòng khám vắng bóng người ở Moscow khi nhân viên y tế và các nhà giáo là những đối tượng được chọn để được tiêm ngừa Covid-19 đầu tiên.

Các quan chức Điện Kremlin và các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát ca ngợi vắc xin Sputnik V là một thành tựu lớn khi vắc xin này được phê duyệt vào ngày 11/8/2020. Nhưng trong công chúng Nga, hy vọng rằng chương trình tiêm chủng sẽ đảo ngược được cuộc khủng hoảng Covid-19 trở nên lẫn lộn với cảnh giác và hoài nghi, phản ánh những lo ngại khi vắc xin được tung ra gấp rút giữa giai đoạn thử nghiệm để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của nó.

Nga bị quốc tế chỉ trích vì đã phê duyệt một loại vắc xin chưa qua giai đoạn thử nghiệm sâu rộng nơi hàng chục nghìn người. Các chuyên gia cả trong và ngoài nước đều cảnh báo không nên sử dụng đại trà cho đến đã hoàn tất xong các nghiên cứu.

Bất chấp những cảnh báo đó, nhà chức trách Nga đã bắt đầu tiêm vắc xin cho một số nhóm có nguy cơ cao, như nhân viên y tế phục vụ ở tuyến đầu, chỉ vài tuần sau khi vắc xin được phê duyệt.

Ông Alexander Gintsburg, đứng đầu Viện nghiên cứu Gamaleya đã phát triển vắc xin, tuần trước cho biết đã có hơn 150.000 người Nga được tiêm vắc xin.

Sau khi Anh tuyên bố hôm 2/12 là nước này đã phê duyệt vắc xin do Pfizer và BioNTech phát triển, Tổng thống Nga Vladimir Putin hối thúc giới hữu trách Nga bắt đầu một chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn, dấu hiệu cho thấy Moscow muốn ganh đua để về nhất trong cuộc chạy đua chống đại dịch.

Nga phê duyệt vắc xin của họ sau khi thử nghiệm trên vài chục người, và ca ngợi thành tích rằng vắc xin này là "sản phẩm đầu tiên trên thế giới" được chuẩn thuận để sử dụng. Các nhà phát triển đặt tên cho vắc xin là “Sputnik V”, để nhắc nhở thành tích của Liên Xô khi trở thành nước đầu tiên trên thế giới phóng vệ tinh vào năm 1957 giữa Chiến tranh Lạnh.

Đây không chỉ là để thỏa mãn niềm tự hào dân tộc. Nước Nga ghi nhận hơn 2,7 triệu ca nhiễm Covid-19 với hơn 49.000 ca tử vong, nước này muốn tránh một vụ phong tỏa gây thiệt hại cho nền kinh tế của mình.

Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho biết khoảng 15.000 người đã được tiêm chủng kể từ khi chương trình bắt đầu vào ngày 5/12.

Nhưng các bản tin về những ngày đầu tiên của chiến dịch chủng ngừa ở Moscow cho thấy các phòng khám vắng tanh, và nhân viên y tế tiêm cho bất kỳ ai bước vào.

Cá nhân ông Putin vẫn chưa chích ngừa. Nhà lãnh đạo 68 tuổi của Nga giải thích rằng ông không thuộc thành phần được tiêm chủng vắc xin do những giới hạn về độ tuổi. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hàng năm hôm thứ Năm 17/12, ông nói “Vắc xin vẫn chưa đến tay những người như tôi, nhưng tôi chắc chắn sẽ tiêm chủng, ngay khi có thể”.

Vaccine "Sputnik-V" chống (COVID-19 của Nga đang được chuẩn bị để tiêm chủng ở Tver, Nga ngày 12/10/2020. REUTERS/Tatyana Makeyeva


Các nhà phát triển vắc xin Sputnik V cho biết dựa trên các dữ liệu nghiên cứu, vắc xin đạt mức hiệu quả 91%, kết luận này được dựa trên 78 ca nhiễm trong số gần 23.000 người tham gia, một con số thấp hơn nhiều so với những con số các nhà sản xuất phương Tây tích lũy trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trước khi phân tích tính hiệu quả của vắc xin. Mặt khác, một số chi tiết quan trọng về thành phần và độ tuổi của các đối tượng trong cuộc nghiên cứu của Nga vẫn chưa được công bố.

Một cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 10 bởi Trung tâm Levada, tổ chức thăm dò độc lập hàng đầu của Nga, cho thấy 59% người Nga không muốn tiêm vắc-xin, dù là thuốc được cung cấp miễn phí.