Phản ứng của TT Trump về Bắc Hàn 'khó hiểu'

Các nhà phân tích nói rằng vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên hồi cuối tuần là một thách thức mà Bình Nhưỡng gởi cho tân tổng thống Mỹ.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Chủ nhật lên án vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên bằng những ngôn từ thận trọng khiến dư luận không rõ tân tổng thống Mỹ sẽ theo đuổi chính sách nào để kìm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Từ Seoul, thông tín viên Brian Padden của đài VOA gởi về bài tường trình.

Xuất hiện cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe -- người tuyên bố hành động phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên là “hoàn toàn không thể tha thứ” -- Tổng thống Trump nói “Hoa Kỳ hậu thuẫn Nhật Bản, đồng minh lớn của Mỹ, 100 phần trăm.”

Trong cuộc gặp thượng đỉnh cuối tuần, trong đó hai nhà lãnh đạo đã đi chơi gôn với nhau ở khu nghỉ mát Mar-a-Largo của ông Trump ở Florida, Thủ tướng Abe đã mưu tìm và nhận được sự đảm bảo của Tổng thống Trump rằng Hoa Kỳ duy trì quan hệ đồng minh quân sự đã có từ lâu nay với Nhật Bản.

Các nhà phân tích nói rằng vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên hồi cuối tuần là một thách thức mà Bình Nhưỡng gởi cho tân tổng thống Mỹ.

Ông Daniel Pinkston, giáo sư môn quan hệ quốc tế tại Đại học Troy ở Seoul, nói thông điệp đó là: “Chúng tôi không chịu cưỡng ép, bất cứ vụ tấn công nào nhắm vào chúng tôi sẽ nhận lãnh hậu quả. Chúng tôi có cách của chúng tôi để đáp trả và trừng phạt lại Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực.”

Kể từ khi nhậm chức tổng thống, ông Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã nhấn mạnh rằng Washington tiếp tục cam kết ủng hộ các đồng minh của Mỹ ở châu Á chống lại mối đe dọa hạt nhân đang ngày càng tăng của Bắc Triều Tiên. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Bộ trưởng Mattis là đến Á châu.

Thiếu sót ngoại giao

Tuy nhiên những phát biểu của ông Trump về Trung Quốc và các đồng minh trong khu vực đã gây ra những ngờ vực rằng tân chính quyền Mỹ có thể sẽ làm việc với các nước khác để tăng áp lực lên Bắc Triều Tiên hữu hiệu hơn.

Cụ thể là trong tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ Nhật Bản, ông Trump đã không đề cập đến Nam Triều Tiên.

Ông Bong Young-shik của khoa nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Viện Đại học Yonsei của Seoul nói: “Không đề cập đến Bắc Triều Tiên trong phát biểu về quan hệ đồng minh này cho thấy sự tương phản với chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama, cốt lõi của chính sách mà đường lối hữu hiệu nhất để đạt đến mục tiêu tùy thuộc vào kết cấu vững mạnh của mối quan hệ đối tác an ninh tay ba giữa Mỹ, Nhật Bản và Nam Triều Tiên.

Ông Bong phân tích rằng cho dù nếu đó chỉ là một thiếu sót ngoại giao của tân chính quyền Mỹ, sơ sót đó đã khiến Seoul lo ngại rằng Washington ưu tiên cho Tokyo, ngay vào thời điểm mà căng thẳng giữa Nhật Bản và Nam Triều Tiên đang tăng cao liên quan đến những tội ác tàn bạo xảy ra hồi Thế chiến thứ II.

Không chọn hành động quân sự

Phản ứng của Tổng thống Trump đã làm cho nhiều nước an tâm khi ông tức tốc viết trên Twitter hồi tháng 1 rằng “Chuyện đó sẽ không xảy ra!” để đáp lại thông điệp đầu năm của lãnh tụ Kim Jong Un rằng Bắc Triều Tiên chuẩn bị phóng thử phi đạn đạn đạo liên lục địa.

Trong khi một số người bảo thủ ở Washington đã gợi ý rằng chính quyền của ông Trump nên cân nhắc đến một cuộc tấn công “phủ đầu” để ngăn Bắc Triều Tiên phóng thử phi đạn liên lục địa, vụ phóng thử phi đạn mới đây cho thấy điều đó khó như thế nào. Tin nói phi đạn được phóng đi từ một dàn phóng di động có thể di chuyển để tránh bị vệ tinh phát hiện.

Bất cứ một cuộc tấn công quân sự nào của Mỹ nhắm vào Bắc Triều Tiên sẽ có thể khích động trả đũa đổ máu và có thể mở ra xung đột lớn hơn và thậm chí một cuộc chiến hạt nhân.

Ông Harry Kazianis, chuyên gia về quốc phòng của một trung nghiên cứu ở Washington, nói: “Hãy nhìn vào thực tế, Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Do đó sẽ không có việc tiến quân vào để lật đổ chế độ giống như ở Iraq.”

Ông Kazianis nói rằng những chọn lựa của Mỹ dưới chính quyền của ông Trump do vậy sẽ giống như những gì dưới chính quyền của Tổng thống Obama, đó là tăng cường răn đe quân sự bằng vũ khí quy ước để tự về và để đáp lại khả năng hạt nhân đang tăng của Bắc Triều Tiên, và tăng áp lực lên chế độ Kim Jong Un bằng những lệnh chế tài và cô lập ngoại giao.

Washington và Seoul cam kết sẽ nhanh chóng triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD đã khiến Trung Quốc phản đối vì cho rằng hệ thống rada tối tân của THAAD có thể được dùng để theo dõi các nước trong khu vực. Kế hoạch này cũng gặp phải sự chống đối ở ngay ở bên trong Nam Triều Tiên.

Trung Quốc và các biện pháp chế tài

Ủng hộ của Bắc Kinh đối với các biện pháp chế tài quốc tế là hết sức quan trọng bởi vì 90% lưu chuyển thương mại của Bắc Triều Tiên có điểm đến là Trung Quốc hoặc thông qua Trung Quốc. Thế nhưng Bắc Kinh miễn cưỡng thực thi nghiêm ngặt các biện pháp chế tài vì lo rằng nó sẽ gây ra tình trạng bất ổn lớn ở biên giới hoặc dẫn đến việc Bắc Triều Tiên sụp đổ, nơi được xem là khu vực trái độn để ngăn sự gia tăng ảnh hưởng của của Mỹ và Nam Triều Tiên.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump nói rằng ông sẽ yêu cầu Bắc Kinh kiểm soát Bắc Triều Tiên. Để tăng trừng phạt kinh tế lên Bình Nhưỡng, Mỹ có thể tăng trừng phạt đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc làm ăn với Bắc Triều Tiên. Nhưng những hành động như vậy có thể khiến Bắc Kinh trả đũa kinh tế.