Phan Thanh Giản Và Trương Vĩnh Ký - hai đại trí thức Nam Kỳ cùng chung số phận

Chân dung Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký (phải). Photo Bao Can Tho and Blogpost.

Winston Phan Đào Nguyên


Phan Thanh Giản và Petrus Trương Vĩnh Ký, hai nhà đại trí thức của xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh, tuy có xuất thân rất khác nhau, nhưng lại có rất nhiều điểm giống nhau.

Điểm giống nhau gần đây nhất là trong bản Công Văn số 2274 của Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, với chỉ thị cho các địa phương từ tỉnh đến thành phố không được dùng tên của hai nhân vật lịch sử này để đặt cho đường phố hoặc các công trình công cộng - do còn “những ý kiến trái chiều” về hai người này. Bản công văn nói trên được viết vào ngày 5 tháng 1, 2022 với chữ ký của Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo Phan Xuân Thủy.

Công văn của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 5/1/2022. Photo Sachhiem.

Theo bản công văn, vì cho đến nay “các cơ quan chức năng vẫn chưa làm sáng tỏ được những vấn đề liên quan đến hai nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký đối với lịch sử Việt Nam”, và Nghị Định Chính Phủ số 91 năm 2005 đã quy định rằng với những “nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử”, thì không cho dùng tên để đặt cho đường phố và các công trình công cộng. Do đó, chiếu theo Nghị Định này, Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký là hai nhân vật lịch sử đã được đặc biệt nêu tên trong bản Công Văn, với chỉ thị “cụ thể” là không được dùng tên để đặt cho đường phố tại các địa phương từ tỉnh tới thành phố.

Tóm lại, vì Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký là hai nhân vật mà còn có những “ý kiến trái chiều”, hoặc “ý kiến đánh giá khác”, “chưa rõ ràng”, cho nên theo Nghị Định Chính Phủ số 91 và thực hiện bởi bản công văn này, hai nhà đại trí thức Nam Kỳ đã được Ban Tuyên Giáo Trung Ương ra lệnh đặc biệt cấm các địa phương không được dùng tên đặt cho đường phố.

Hai nhân vật lịch sử của thế kỷ 19 này đều là người sinh quán ở tỉnh Vĩnh Long thuộc Nam Kỳ, và nay lại cùng thuộc địa phận tỉnh Bến Tre. Một già một trẻ thuộc hai thế hệ khác nhau và hai xuất xứ hoàn toàn khác nhau, nếu không muốn nói là đối nghịch nhau.

Phan Thanh Giản theo cái học cử nghiệp Khổng Nho và là Tiến Sĩ đầu tiên của nhà Nguyễn xuất thân từ Nam Kỳ. Ông làm quan qua ba triều nhà Nguyễn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Văn tài của ông đã được vua quan nhà Nguyễn khen tặng là “cổ nhã”. Sự nghiệp làm quan của ông thăng trầm lắm lúc, nhưng ông chính là rường cột và là triều thần được tin tưởng và trông cậy duy nhất của vua Tự Đức để đối phó với Pháp, khi họ tấn công nước Đại Nam của nhà Nguyễn vào thập niên 1860s.

Sau khi đại tướng Nguyễn Tri Phương đại bại tại chiến lũy Chí Hòa vào năm 1861 và Pháp lần lượt chiếm hết ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, cộng thêm thủ phủ của ba tỉnh miền Tây là tỉnh Vĩnh Long, thì con đường chống cự bằng quân sự của nhà Nguyễn đã trở thành bất khả thi. Và vua Tự Đức lúc đó chỉ còn trông cậy vào Phan Thanh Giản với tài ngoại giao của ông để cầm chân quân Pháp tại Nam Kỳ, ngõ hầu quân Nguyễn có thể quay sang dẹp loạn Lê Duy Phụng ở Bắc Kỳ. Và Phan Thanh Giản đã thành công cho mục đích này qua việc ký kết hòa ước 1862, hợp thức hóa việc mất ba tỉnh miền Đông cho Pháp cũng như bồi thường chiến phí. Nhưng bù lại, vua Tự Đức được rảnh tay ở Nam Kỳ để quay ra Bắc Kỳ dẹp loạn. Và hơn nữa, Phan Thanh Giản còn điều đình để đòi lại được tỉnh Vĩnh Long theo điều số 11 của hòa ước 1862. Đây là một thắng lợi về ngoại giao của Phan Thanh Giản mà không một sử gia nào nhắc đến.

Và chính vì những thành công về mặt ngoại giao đó, Phan Thanh Giản đã được vua Tự Đức liên tiếp trao trọng trách qua Pháp để điều đình về hòa ước 1862 nhằm lấy lại ba tỉnh miền Đông. Mặc dù đã gần 70 tuổi, Phan Thanh Giản vẫn lãnh đạo phái đoàn nhà Nguyễn qua Pháp vào năm 1863 và đã thương thuyết có kết quả. Nhưng những điều thương thuyết tại Pháp sau đó đã không được Pháp thi hành, và người Pháp quyết định chiếm luôn ba tỉnh miền Tây. Một lần nữa, vua Tự Đức đã phải nhờ đến Phan Thanh Giản với tài ngoại giao và uy tín đặc biệt của ông đối với người Pháp khi cử ông làm Kinh Lược Sứ ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, với hy vọng mong manh là có thể giữ được ba tỉnh. Nhưng với quyết tâm của người Pháp và thế chênh lệch của hai bên, Phan Thanh Giản biết rằng không thể chống cự được. Rồi để tránh nạn binh đao cho người dân Nam Kỳ đã bao nhiêu năm khổ sở vì chiến tranh, ông đã viết sớ nhận tội với nhà vua và uống thuốc độc tự tử.

Do đó, có thể nói rằng Phan Thanh Giản chính là một người trung quân, và do đó, ái quốc tột bậc, không còn gì để tranh cãi. Còn về mặt đạo đức của ông thì danh tiếng thanh liêm của ông, lòng thương dân của ông đã vang lừng khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Người thường dân Nam Kỳ đã có thơ để khen ngợi ông, và toàn thể nhân dân Nam Kỳ lúc đó và cho đến sau này cũng đều thương mến ông, chứ không hề có một “ý kiến trái chiều” nào khác cả.

Trong khi đó, Trương Vĩnh Ký lại có một xuất thân hoàn toàn đối nghịch với Phan Thanh Giản. Ông là người theo đạo Thiên Chúa và từ thuở nhỏ đã theo học tại các chủng viện ở Cao Miên rồi Mã Lai để trở thành linh mục. Là một chủng sinh, học vấn của ông căn bản là Tân học, là cái học của phương Tây, ngược lại với Phan Thanh Giản. Trương Vĩnh Ký nổi danh là một thiên tài về ngôn ngữ, điều mà tất cả mọi người đều phải công nhận, mặc dù những ngôn ngữ mà ông biết được phần nhiều là do tự học.

Năm 1858, khi từ Mã Lai trở về Việt Nam để chịu tang mẹ thì Trương Vĩnh Ký đã bị triều đình nhà Nguyễn đưa vào một hoàn cảnh không có sự lựa chọn: họ lùng bắt ông để bỏ tù, hoặc để xử tử, chỉ vì ông là một giáo dân và hơn nữa là một người sắp trở thành linh mục. Ông phải chạy trốn cuộc lùng bắt này từ Cái Nhum lên Sài Gòn và sau đó ra làm việc cho người Pháp trong vai trò thông dịch viên. Nghĩa là triều đình nhà Nguyễn đã không hề cho ông có một sự lựa chọn giữa họ và Pháp. Và Trương Vĩnh Ký cũng chưa bao giờ là một người theo cử nghiệp với cái quan niệm vua là con trời, cũng như chưa bao giờ nhận ân huệ của nhà Nguyễn như Tôn Thọ Tường. Có thể thấy rằng ông là một loại “du học sinh” từ nhỏ đã rời xa xứ sở, và khi mới trở về thì đã bị chính quyền lùng bắt chỉ vì tôn giáo của ông.

Nhưng mặc dầu như vậy, Trương Vĩnh Ký đã không hề oán trách nhà Nguyễn với những nỗi gian khổ mà ông trải qua. Ông tin tưởng rằng đó là những thử thách của Chúa dành cho ông. Nhưng quan trọng hơn cả, ông phản đối việc quân Pháp đã mượn cớ cứu giúp các tín đồ Thiên Chúa Giáo để xâm lăng Việt Nam. Ông luôn luôn tự hào mình là người “An Nam”, và ông chính là người Việt đầu tiên đã nêu ra, đã thấy được cái “tình cảm dân tộc” hay cái “tinh thần dân tộc” của người Việt, khi mà chủ nghĩa dân tộc hoàn toàn chưa được biết đến tại Việt Nam. Cũng vì cái tinh thần dân tộc đó, ông đã kiên quyết từ chối không vào quốc tịch Pháp, cho dù người Pháp đã lắm phen yêu cầu.

Và Trương Vĩnh Ký còn có một phương châm sống vì người khác, sống để có ích cho những người chung quanh, hay nói đúng hơn, cho đồng bào của ông, được thể hiện qua câu Latin “sic vos non vobis”. Ông là người tiên phong trong việc dùng chữ quốc ngữ để dạy cho người Việt nhằm tiếp thu cái học phương Tây được nhanh chóng hơn. Ông đã sưu tầm, khảo cứu và lưu lại những tinh hoa trong kho tàng văn chương bình dân cũng như bác học của Việt Nam. Ông là ông tổ của ngành báo chí Việt Nam. Ông cũng chính là sử gia độc lập đầu tiên của Việt Nam. Có thể nói ngắn gọn rằng ông chính là ông tổ của nền học thuật tân thời nước Việt Nam.

Tóm lại, Trương Vĩnh Ký chính là người với chủ trương “dân tộc” đầu tiên, và chính là người đã tạo dựng nên nền học thuật tân thời của Việt Nam, với những đóng góp cực kỳ đa dạng về nhiều phương diện, từ văn chương, báo chí, giáo dục, đến lịch sử, phong tục, đạo đức …

Nghĩa là cả hai nhà đại trí thức xứ Nam Kỳ, Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký, tuy có hai xuất xứ khác nhau, hai con đường tiến thân và trưởng thành khác nhau, nhưng họ lại có một điểm chung rất lớn: đó là lòng thương mến đồng bào của họ và việc họ đã làm hết sức trong khả năng để giúp đỡ và bảo vệ những người đồng bào này.

Cũng bởi điểm chung đó mà họ đã thông cảm nhau, cho dù họ thuộc về hai phe đối nghịch nhau. Cần nói cho rõ rằng hai phe nói trên là nhà Nguyễn (Phan Thanh Giản) và Pháp (Trương Vĩnh Ký), chứ không phải là “nhân dân” Việt và thực dân Pháp.

Rồi hai đối thủ Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký đã gặp nhau trong chuyến hải hành mấy tháng trời trên đường qua Pháp vào năm 1863, trong chuyến đi nhằm điều đình xin chuộc ba tỉnh miền Đông của nhà Nguyễn. Lão thần Phan Thanh Giản lúc gần 70 tuổi, với vai trò Chánh Sứ của phái đoàn Đại Nam, đã gặp thanh niên Trương Vĩnh Ký, lúc đó mới ngoài hai mươi tuổi, trong vai trò Thông Dịch Viên cho phái đoàn Soái Phủ Pháp, trên cùng chuyến tàu. Theo những tài liệu còn lưu lại, Trương Vĩnh Ký đã đích thân thông dịch nhiều lần cho Phan Thanh Giản khi ông trò chuyện với trưởng đoàn Pháp là Henri Rieunier tức Lý A Nhi. Tại Pháp, tại Tây Ban Nha, tại Ý (Vatican), Trương Vĩnh Ký đã được phái đoàn Việt tin tưởng và giao cho trách nhiệm thông dịch, cho dù ông là người làm việc cho Pháp.

Cũng bởi cái tình tri ngộ đó mà sau này Trương Vĩnh Ký đã viết như sau về cuộc đời Phan Thanh Giản:

“Thương vì làm tôi vua đã hết lòng ngay, giúp việc nước đã hết sức bền, mà già không trót đời, chết không an phận ! Vì nước vì nhà mà quên sống ! Tưởng được tử ấm thê vinh. Ai hay tội-lệ vấn-vương. Công-nghiệp bấy lâu một phút phải rồi ! Mất hết mọi sự: chức-tước, ngôi-thứ, phẩm-hàm gì đều bị lột ráo; lại còn phải mang án xử tử giam hậu nữa.

Hèn chi Trương-lương mà chẳng tính bề minh triết bảo thân?

Làm người mà ham học, ít có như ông Phan-lương-Khê,
Làm quan mà thanh-liêm, ít có như ông Phan-lương-Khê,
Làm tôi vua hết ngay, ít có như ông Phan-lương-Khê,
Làm việc nước hết sức, ít có như ông Phan-lương-Khê.

Mà tội-lụy còn dường ấy ! thật đáng thương đáng tiếc!” (1)

Không hiểu có phải vì Trương Vĩnh Ký thấy được cái gương làm quan của Phan Thanh Giản cho nên đã học theo Trương Lương mà “minh triết bảo thân”? Nhưng có một điều chắc chắn là hai nhà đại trí thức Nam Kỳ đã có một sự thông cảm cho nhau.

Và hai nhà đại trí thức này có một điểm chung nữa là cả hai đã được toàn dân Nam Kỳ thương mến, cho dù họ đứng ở hai phe đối nghịch nhau, cho dù họ đi theo hai con đường khác nhau. Bởi, đối với người thường dân Nam Kỳ, tức “nhân dân”, thì người nào có quyền chức mà thương yêu họ và lo cho họ thì họ thương mến lại. Đó là lý do mà Phan Thanh Giản được người dân Nam Kỳ làm thơ khen tặng. Đó là lý do mà Trương Vĩnh Ký được người dân lục tỉnh Nam Kỳ góp tiền đúc tượng đồng, và đến 1945 khi toàn thể các tượng Pháp ở Sài Gòn bị giật sập thì không ai đụng đến tượng của ông.

Thế nhưng cả hai đều đã bị cuốn vào một cơn bão lốc chính trị sau năm 1954, khi chế độ miền Bắc chủ trương viết lại lịch sử để lên án tất cả những điều không có lợi cho cuộc chiến tranh với miền Nam của họ. Trong đó, hai đối tượng quan trọng nhất cần phải bị hạ nhục chính là Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký, hai nhà đại trí thức miền Nam. Suốt hai năm 1963 và 1964, trong mấy chục bài viết trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử, cơ quan ngôn luận chính thức của Viện Sử Học miền Bắc, hai nhà đại trí thức Nam Kỳ được toàn dân Nam Kỳ ngưỡng mộ đã bị các sử gia miền Bắc đem ra đấu tố.

Và đó chính là nguồn gốc của những “ý kiến trái chiều” về hai nhà trí thức này.

Nghĩa là chúng chỉ có từ những năm 1963-1964 tại miền Bắc.

Do các “sử gia” miền Bắc chế tạo ra.

Trước nhất, với Phan Thanh Giản, vì không kiếm ra được bằng chứng nào cho việc “nhân dân” đã lên án ông, ông Trần Huy Liệu, cựu Bộ Trưởng Tuyên Truyền đầu tiên của nước VNDCCH, tức là tiền thân của Ban Tuyên Giáo Trung Ương hiện nay, đã “sáng tạo” ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Ông tuyên bố rằng câu này đã được nghĩa quân Trương Định dùng để đề lên lá cờ khởi nghĩa. Nghĩa là ông đã tạo ra cái tội “bán nước” cho Phan Thanh Giản, và tạo ra cái “ý kiến trái chiều” này về Phan Thanh Giản.

Kế đến, với Trương Vĩnh Ký, các sử gia miền Bắc đã tạo ra cái tội làm “gián điệp” cho Pháp của Trương Vĩnh Ký, qua hai chuyến đi của ông. Chuyến đi thứ nhất ra miền Bắc năm 1776 và chuyến thứ hai ra Huế năm 1886. Họ cho rằng Trương Vĩnh Ký đã sử dụng hai chuyến đi này để do thám tình hình miền Bắc cũng như tình hình triều đình nhà Nguyễn. Trong khi vào năm 1776 thì Pháp đã chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất rồi trả lại cho nhà Nguyễn, và được quyền đặt toà lãnh sự ở đó. Tức là người Pháp đã có mặt tại Bắc Kỳ thường trực. Nhưng theo các sử gia miền Bắc thì họ phải sai Trương Vĩnh Ký làm một chuyến ra Bắc để “do thám tình hình” và báo cáo! Còn năm 1886 khi Trương Vĩnh Ký ra Huế thì kinh đô đã thất thủ và người Pháp đã lập vua Đồng Khánh lên làm ông vua bù nhìn dưới sự bảo hộ của họ. Triều đình Huế sau đó còn phong chức quan cho cả Paul Bert và Trương Vĩnh Ký để mua chuộc cảm tình. Và Trương Vĩnh Ký còn được Paul Bert cử làm thầy của vua Đồng Khánh. Tức là người Pháp đã nắm toàn bộ triều đình Huế. Họ chẳng có lý do gì mà phải cho Trương Vĩnh Ký làm “gián điệp” để do thám tình hình.

Nhưng cũng giống như cách đối xử với Phan Thanh Giản, các sử gia miền Bắc đã sáng tạo ra một tội danh nghiêm trọng để hạ nhục Trương Vĩnh Ký. Nếu như Phan Thanh Giản bị họ gán cho cái tội “bán nước” qua câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, thì Trương Vĩnh Ký bị gán cho tội “gián điệp” qua hai chuyến đi nói trên.

Và đến khi một nhà nghiên cứu người Việt ở Mỹ là ông Vũ Ngự Chiêu tuyên bố đã tìm được một lá thư do Trương Vĩnh Ký khoảng năm 1858-9 viết và ký tên Petrus Key, kêu gọi người Pháp hãy đánh chiếm Việt Nam vì tình hình của quân đội nhà Nguyễn lúc đó rất yếu kém, lá thư này đã lập tức được nắm ngay lấy để làm bằng chứng cho tội làm “gián điệp” cho Pháp của Trương Vĩnh Ký ngay từ thời gian đó.

Thế nhưng như tác giả bài viết này đã viết nhiều bài báo và một cuốn sách để chứng minh, những tội danh “mãi quốc” và “gián điệp” nói trên chính là những sự ngụy tạo để kết tội hai nhà đại trí thức Nam Kỳ là Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký. Và hai tội danh nói trên đều có xuất xứ từ một sự cố tình sáng chế và thao túng tài liệu lịch sử, nhằm hạ thấp uy tín của hai nhân vật được kính trọng này.

Câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” chính là một sản phẩm đã được tạo ra bởi ông Trần Huy Liệu, Viện Trưởng Viện Sử Học, và cũng là cựu bộ trưởng đầu tiên của Bộ Tuyên Truyền, tiền thân của Ban Tuyên Giáo Trung Ương. Bởi một câu như vậy không thể nào lại được “nghĩa quân Trương Định” đề lên lá cờ của mình như ông Trần Huy Liệu đã viết, với những điều kiện lịch sử trong thời gian đó.

Còn hai chuyến đi của Trương Vĩnh Ký đã được tờ Nghiên Cứu Lịch Sử của ông Trần Huy Liệu bóp méo cho biến thành hai chuyến đi “do thám” của “đặc vụ” Trương Vĩnh Ký. Cũng như lá thư ký tên Petrus Key đã được gán cho Trương Vĩnh Ký làm tác giả, cho dù chữ viết và nội dung hoàn toàn trái ngược với một lá thư khác do chính tay ông viết ngay trong thời gian đó.

Nhưng chỉ với sự ngụy tạo ra hai tội danh này thì các sử gia miền Bắc mới có thể hạ thấp được uy tín của Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký. Cũng vì câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” mà mặc dù đã có hai cuộc hội thảo về Phan Thanh Giản nhưng những người dân miền Nam, thậm chí cả những cán bộ gốc miền Nam, đã không thể phục hồi danh dự lại cho Phan Thanh Giản. Bởi ở cả hai lần hội thảo, mọi cố gắng minh oan hay phục hồi đều bị dừng lại bởi cái câu được cho là “dư luận của nhân dân” nói trên. Trong khi đó, cũng vì tội danh “gián điệp” cho Pháp mà nỗi oan của Trương Vĩnh Ký vẫn tiếp tục. Một cuốn sách về ông, cuốn “Petrus Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ” đã bị cấm không được lưu hành.

Nhưng có một điều không thể chối cãi là cho dù sau 60 năm trời ngụy tạo tài liệu sử học, bẻ cong ngòi viết để lên án hai nhân vật lịch sử Nam Kỳ nói trên, đảng CSVN vẫn không thành công trong việc bôi nhọ họ. Bởi những người miền Nam vẫn thương yêu kính trọng hai nhà đại trí thức này và đòi hỏi công lý cho họ. Những sách báo nghiên cứu về hai nhân vật này vẫn tiếp tục được viết, được in, cho dù bị cấm.

Và tên của hai nhà đại trí thức Nam Kỳ này đã được tiếp tục dùng để đặt cho trường học, đường phố tại các địa phương miền Nam. Có lẽ đó chính là nguyên nhân cho sự ra đời của bản công văn số 2274 của Ban Tuyên Giáo Trung Ương.

Nếu như 60 năm trước, vì mục đích đánh chiếm miền Nam, và khi cần phải lên án sự “chủ hòa” của Phan Thanh Giản và việc hợp tác với Pháp của Trương Vĩnh Ký, cho nên những sử gia kiêm nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng đã phải ngụy tạo ra tài liệu để bôi nhọ hai nhà trí thức Nam Kỳ này - thì đây là điều dù không thể chấp nhận được, nhưng có thể hiểu được.

Còn bây giờ đã 60 năm sau, và sau khi đã thống nhất đất nước gần nửa thế kỷ, mà Ban Tuyên Giáo vẫn phải ra công văn cấm đặt tên đường cho hai nhân vật này, chỉ vì còn “những ý kiến trái chiều”? Những ý kiến mà do chính họ chứ không phải ai khác đã tạo ra từ mấy mươi năm trước và đem vào nhà trường để dạy cho trẻ con?

Một điều có thể thấy rõ từ văn bản này là Ban Tuyên Giáo đã nhắm chính xác đến hai nhân vật tiêu biểu cho trí thức miền Nam, một cựu học, một tân học. Hai nhân vật mà tài đức đều được người dân miền Nam công nhận từ bao đời nay. Bản công văn không nói đến bất kỳ một nhân vật lịch sử nào khác, mà chỉ nói đến hai nhân vật đại diện cho trí thức Nam Kỳ.

Phải hiểu sự việc này như thế nào đây?

Chắc rằng người dân miền Nam đã thấy ra, đã quá chán ngán với những sự giả dối ngụy tạo lịch sử kiểu như “ngọn đuốc sống” Lê Văn Tám, và họ không muốn phải chấp nhận những điều giả dối đó nữa, nên họ đòi hỏi phải được quyền đặt tên đường phố cho hai danh nhân, hai đại trí thức miền Nam là Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký. Giống như cha ông họ trược đây, người dân miền Nam không cần phân biệt giữa “ta” là bọn phong kiến thối nát hay “địch” là bọn thực dân xâm lăng. Họ chỉ biết rằng hai nhà trí thức nói trên là hai người có tài, có đức bậc nhất tại Nam Kỳ, và họ kính trọng hai người đó.

Nhưng có lẽ Ban Tuyên Giáo thì lại chỉ muốn dân miền Nam tin tưởng và sùng bái những “danh nhân” tưởng tượng như Lê Văn Tám hay thuộc giai cấp bình dân như Võ Thị Sáu mà thôi. Còn những người Nam Kỳ thuộc loại “có lý luận”, nhất là những đại học sĩ, học giả như Phan Thanh Giản, như Trương Vĩnh Ký thì không thể chấp nhận được.

Chỉ có như vậy mới hiểu được lý do cho sự ra đời của bản công văn 2274 do Ban Tuyên Giáo ký vào tháng 1 năm 2022.

Có thể là người viết bài này hiểu sai dụng ý của Ban Tuyên Giáo. Nhưng nếu như vậy thì Ban Tuyên Giáo nên công bố rõ ràng lý do và ý định của mình, kèm theo những chứng cứ và lý luận thuyết phục, chứ không phải là những “dư luận trái chiều” do chính các cơ quan tuyên truyền miền Bắc làm ra.

Winston Phan Đào Nguyên
19/1/2022

(1) Miscellanées (Sự Loại Thông Khảo) No. 5 - Sept. 1889 – No. 6 - Oct. 1889, Phan-Lương-Khê Tự Thuật Thế-Sự