Phản hồi về đề nghị Thủ tướng Việt Nam từ chức (phần 2)

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

Trà Mi xin chào đón quý vị và các bạn đến với Tạp chí Thanh Niên hằng tuần của đài VOA.

Tạp chí Thanh Niên hôm nay gửi đến qúy vị và các bạn phần 2 cuộc thảo luận ghi nhận phản hồi của người trẻ trong nước về câu trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước lời đề nghị ông từ chức. Tại Quốc hội hôm 14/11, đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn ông Dũng về trách nhiệm với dân và kêu gọi Thủ tướng làm gương từ chức.

Trong cuộc gặp tuần này, ba bạn trẻ từ Sài Gòn và Hà Nội là Việt, Quang, và Sơn phân tích vai trò và sự cần thiết của văn hóa từ chức và thảo luận về biện pháp buộc các lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam phải có trách nhiệm trước dân và phải biết tự trọng từ chức khi không tròn phận sự.

Your browser doesn’t support HTML5

Nghe bài phỏng vấn


Trà Mi: Tuần rồi các bạn phân tích câu trả lời của Thủ tướng trước chất vấn đề nghị ông từ chức và bàn về những nguyên do dẫn tới những nghịch lý tồn tại trong xã hội Việt Nam. Vậy theo các bạn, cách tốt nhất có thể giúp thay đổi những nghịch lý đó là gì? Làm thế nào để buộc Thủ tướng hay quan chức lãnh đạo nhà nước phải biết tự trọng và có trách nhiệm với dân?

Sơn Hà Nội: Không, thật sự là không có cách nào. Ông Dương Trung Quốc là đại biểu của dân, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất và bầu ra nhà nước. Nhưng kỳ thực Quốc hội không có một chút quyền hành nào trong vấn đề bãi nhiệm. 92% trong Quốc hội là người của đảng. Thế cho nên, ở đây sẽ là một việc viễn vọng, mơ tưởng hão huyền nếu hy vọng là Quốc hội bầu ra thì có quyền bãi nhiệm. Vì vậy, nên ông Quốc mới nêu câu hỏi "văn hóa từ chức," tức là kêu gọi từ chức. Quốc hội gần như là cái dấu của đảng, để đóng dấu những nghị quyết-chính sách của đảng, nghĩa là mượn dân để thông qua, để nói là nghị quyết này, chính sách này đã được dân thông qua rồi, đảng cứ việc thi hành thôi.

Trà Mi: Ý kiến của Sơn là hiện giờ không có cách nào có thể buộc quan chức lãnh đạo cấp cao phải có trách nhiệm với dân trong cơ chế guồng máy đang vận hành hiện nay. Chính Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi nhìn nhận những yếu kém trong bộ máy nhà nước chỉ nói là đáng kỷ luật một đồng chí X mà không dám nêu. Trước guồng máy bị một thế lực rất quyền uy bao trùm như lời anh Sơn nói, không dễ có sự thay đổi khi chưa có sự minh bạch và chưa có một cơ quan độc lập chế tài quyền uy đó, làm thế nào dân có được một vị Thủ tướng có thể đại diện cho nguyện vọng và tiếng nói của mình?

Sơn Hà Nội: Tôi xin cắt lời một chút. Khi ông Trương Tấn Sang nói "không kỷ luật đồng chí X" thì chúng ta phải hiểu ngầm ý ông rằng "Thực chất tao rất muốn kỷ luật mày, và mày đáng bị kỷ luật rồi. Nhưng vì một cái gì đó mà tao chưa kỷ luật mày." Bởi vì chúng ta nên hiểu một nguyên tắc cơ bản rằng xã hội cộng sản là khép kín và bưng bít. Nghĩa là nếu không kỷ luật thì đóng cửa im, không cần phải báo cáo. Chẳng ai có thể bắt ông Nguyễn Phú Trọng hay ông Trương Tấn Sang phải đi báo cáo vấn đề đó cả. Nhưng khi họ đã nói ra trước quốc dân đồng bào thì nghĩa là chính trong nội bộ của họ đang mâu thuẫn với nhau. "Đồng chí X," "đồng chí Y" ý là chỉ thẳng vào ông Nguyễn Tấn Dũng.

Trà Mi: Việt có ý kiến thế nào? Bạn nghĩ có cách nào có thể giúp cải thiện tình hình, cải thiện những điều mà ngay cả trong nội bộ đảng cũng thấy, người dân cũng thấy, nhưng không thể làm gì được hơn?

Việt Sài Gòn: Với cơ chế hiện nay, với một người đứng đầu đất nước yếu kém như vậy, hoàn toàn không có cách nào có thể thay đổi được.

Trà Mi: Sơn và Việt đều nghĩ là không thể thay đổi được tình hình ở Việt Nam hiện nay. Nhưng người ta thường nói "tích tiểu thành đại," vậy nếu không thay đổi lớn được, mình có thể nghĩ đến những chuyện thay đổi nho nhỏ để góp phần chuyển hóa môi trường xã hội Việt Nam minh bạch, lành mạnh hơn hay không?

Quang Hà Nội: Với cuộc "chấn chỉnh" của đảng vừa rồi cầm đầu là ông Tổng Bí thư và ông Chủ tịch nước, tôi không nghĩ là họ không kỷ luật được "đồng chí X." Chỉ có điều là họ không tìm được một gương mặt nào có thể thay thế "đồng chí X" nếu "đồng chí X" bị buộc phải ra đi. Đảng Cộng sản Việt Nam như một cuộc hôn nhân cận huyết làm thui chột dần giống nòi. Ở thời điểm hiện tại, dù đảng Cộng sản thấy rằng anh cần bị thay thế, nhưng họ không tìm được ai để thay thế anh cả, cho nên anh cứ ngồi đấy đã. Ở Việt Nam, tôi không nghĩ là không có người giỏi. Nhưng những người giỏi không có cơ hội phát huy được ở Việt Nam. Thường những người giỏi cũng không sống chung được với cơ chế làm việc hiện tại. Ở đây có thể nói từ cơ chế chính trị tới cơ chế làm việc trong nhà nước. Cơ chế hiện tại ở Việt Nam không khuyến khích những người làm được việc và những người có khả năng làm việc, mà chỉ khuyến khích sự đấu tranh quyền lực, bè phái thay vì làm những việc có ích cho nước, cho dân. Chúng ta phải nghĩ đến chuyện làm thế nào có thể thay đổi được cơ chế này để những người có khả năng thật sự có điều kiện cất lên tiếng nói.

Sơn Hà Nội: Đây đảng Cộng sản muốn tránh một scandal tức sợ hiệu ứng của nó sẽ gây tác động xã hội và để tránh "thế lực thù địch lợi dụng" này nọ, như lời ông Nguyễn Phú Trọng. Thế thôi. Ông Trọng nói thẳng trong báo cáo tổng kết luôn. Có nghĩa là "mày thì xấu lắm rồi, tao cũng muốn cho mày nghỉ rồi, nhưng chẳng qua làm vậy là bôi tro trát trấu vào mặt cái đảng này, tao không muốn."

Việt Sài Gòn: Đúng. Trước đại hội đảng, người dân trông chờ vào sự thay đổi. Trước đại hội, râm ran trên báo lề trái như "Quan làm báo," "Đảng làm báo" các thông tin về những cuộc đấu đá giữa anh Ba Dũng với anh Tư Sang. Nhưng trong một tập thể đảng yếu kém, không còn có ai sáng giá hơn ông Dũng.

Sơn Hà Nội: Có lý, có lý.

Quang Hà Nội: Ở đây chúng ta đều hy vọng "văn hóa từ chức" sớm đến với nền chính trị Việt Nam, nhưng tôi nghĩ chúng ta còn phải đợi một thời gian dài nữa. Nhưng chúng ta có thể hy vọng là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người hiện đang bị mất uy tín với đảng rất nhiều và người dân thì đầu đường xó chợ ai cũng chửi ông. Nếu ông không từ chức, cứ lành lặn đi về thì sẽ lịch sử sẽ nhắc đến ông không hay ho lắm. Nếu tôi ở cương vị ông, tôi sẽ không muốn mình kết thúc sự nghiệp chính trị "51 năm theo đảng" một cách như thế. Nếu ông từ chức, ông mang lại lợi ích lớn hơn rất nhiều cho dân Việt Nam, dù lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam có thể quy kết ông như lịch sử đảng Cộng sản Liên Xô quy kết ông Gor-bachev là kẻ phá hoại vĩ đại. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta đều nhắc tới ông Gor-bachev như người mang lại bầu không khí dân chủ cho Liên Xô. Và tôi hy vọng ông Nguyễn Tấn Dũng nghe được bài phỏng vấn này. Chúng tôi đều hy vọng ông Dũng sẽ là một ‘Gor-bachev của Việt Nam’.

Trà Mi: Quang đưa ra một hy vọng hoàn toàn phụ thuộc vào sự cân nhắc của Thủ tướng Dũng giữa quyền lợi của nhân dân, quyền lợi của đảng, và quyền lợi của bản thân ông nữa. Làm hài lòng dân, hài lòng đảng, hay vì lợi ích của bản thân ông, điều đó chúng ta còn phải chờ xem. Việt có nghĩ là Thủ tướng, sau những gì đang diễn ra không tốt cho ông, thì liệu chăng ông sẽ cân nhắc tới việc này?

Việt Sài Gòn: Chúng ta phải hiểu là "văn hóa từ chức" không có trong từ điển của đảng Cộng sản Việt Nam. Đứng trước một đất nước yếu kém như vậy, một con người điều hành yếu kém vẫn còn có thể tự tin để tiếp tục cương vị Thủ tướng. Khi ông Dũng lên, ông từng nói nếu không đẩy lùi được nạn tham nhũng, ông sẽ từ chức. Thời gian qua cho thấy tham nhũng tại Việt Nam giờ tràn lan mà ông không từ chức.

Trà Mi: Thiếu một điều là ông không ra thời hạn chót là không đẩy được tham nhũng trong vòng 20 năm hay 2 năm thì từ chức, cho nên cũng khó lường, phải không? "Văn hóa từ chức" có hai yếu tố vừa chủ quan, vừa khách quan. Chủ quan là lòng tự trọng, cảm thấy mình không hoàn thành, không xứng đáng thì tự giác thôi. Còn khách quan là cần phải có những điều kiện buộc người ta phải chịu trách nhiệm và phải biết tự trọng…

Quang Hà Nội: Cách giáo dục của Việt Nam hiện tại không hướng con người ta phải chịu trách nhiệm với việc mình làm.

Sơn Hà Nội: Vấn đề chị đặt ra là rất khó ở Việt Nam vì không có một cơ chế nào để buộc người ta phải từ chức trừ trường hợp bị đảng kỷ luật.

Trà Mi: Vì thiếu áp lực hay hậu quả. Nếu anh không từ chức, anh sẽ chịu một áp lực ghê gớm, một hậu quả tai hại, và bị mất thể diện hơn nữa thì người ta buộc phải từ chức.

Quang Hà Nội: Vâng, đó là điều hiển nhiên. Việc này xuất phát từ thực tế không có tự do ngôn luận tại Việt Nam. Ở các nước tự do, để nền kinh tế kém phát triển như thế, người dân sẽ phản ứng, sẽ xuống đường biểu tình. Còn ở Việt Nam, các bạn thử xuống đường biểu tình phản đối Thủ tướng, yêu cầu Thủ tướng từ chức xem. Có ai nghĩ đến điều đó không? Đương nhiên sẽ bị công an dẹp ngay từ trong trứng nước. Nếu chúng ta không thay đổi được điều đó, thì chúng ta không thể có "văn hóa từ chức" trong thời gian ngắn.

Trà Mi: Tại sao cần phải có "văn hóa từ chức?" Vì sao phải từ chức trong khi Thủ tướng cũng đã xin lỗi và nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm của ông rồi?

Sơn Hà Nội: Rất đơn giản. Bất kỳ mọi hành động của mình, mình phải chịu trách nhiệm vì anh đang hưởng lương của dân. Anh không làm tròn, anh phải từ chức.

Trà Mi: Nhưng ông Thủ tướng nói ông không xin chức, không chạy chức, nên ông không việc gì phải từ chức. Ông được đảng giao chức, nên ông phải "tiếp tục thực hiện nghiêm túc."

Sơn Hà Nội: Đúng đúng, ông nói đúng theo điều lệ đảng Cộng sản Việt Nam đấy chị ạ. Khi nào đảng bảo tôi thôi thì tôi thôi. Và ông dẫn chứng luôn rằng vừa rồi đại hội đảng vẫn tín nhiệm tôi. Cái hài hước nằm ở chỗ đó.

Quang Hà Nội: Chắc các chính trị gia Việt Nam đang cười Tổng thống Mỹ Obama rằng "Việc gì phải chạy xin lá phiếu của từng người một. Tao biết chính xác Trưởng Ban Tổ chức Trung ương là cửa tao phải chạy. Tao biết chính xác là cần phải chạy ai, không phải mất cả chục hay trăm triệu để vận động xin lá phiếu từng người." Đó là cách "chạy" khác của Việt Nam.

Trà Mi: Chính Thủ tướng xác nhận không làm điều đó, thì việc gì ông phải tự từ chức?

Quang Hà Nội: Nhưng ai có thể xác nhận là ông không làm điều đó ạ? Chỉ có ông Thủ tướng nói thôi, phải không ạ?

Trà Mi: Vậy làm thế nào để quan chức Việt Nam có được tập quán biết tự trọng, biết từ chức khi không tròn trọng trách của mình?

Sơn Hà Nội: Chỉ có một cách là phải tự do bầu cử để lập ra một Quốc hội đúng "của dân, do dân, vì dân." Ngay cái khâu đầu tiên chúng ta đã biết rằng bầu cử cuội. Đảng cử dân bầu, tất cả những người đấy là người của một đảng. Ngay như Quốc hội được bầu ra cũng không phải là do dân bầu. Họ hoàn toàn không đại diện quyền lợi của dân nên họ không lên tiếng để yêu cầu Thủ tướng từ chức. Đúng ra Quốc hội Việt Nam phải được quyền như vậy. Để có "văn hóa từ chức," một khi anh không từ chức thì tôi có những chế tài, có những nguyên tắc mà Quốc hội được quyền. Muốn Quốc hội được quyền, phải có bầu cử tự do.

Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của Sơn. Câu trả lời của người trẻ trước câu hỏi mà đại biểu Dương Trung Quốc đặt ra thế nào? Thủ tướng có nên làm gương từ chức hay không và vì sao?

Quang Hà Nội: Tôi nghĩ rằng ông không nên. Cứ để ông tiếp tục những gì ông đang làm như hiện tại, sẽ dẫn tới một sự thay đổi từ bản thân nội tại trong nhân dân, người ta sẽ làm. Ông không nên từ chức nếu ông không muốn để lại một tấm gương trong lịch sử Việt Nam, mà muốn để lại một trò cười cho trẻ con.

Trà Mi: Câu trả lời của Việt sẽ như thế nào?

Việt Sài Gòn: Theo tôi nghĩ, ông nên từ chức ngay và mau. Và trước khi từ chức, ông nên tuyên bố một câu: "Giải tán đảng cộng sản." Nếu ông không tuyên bố điều đó, thì ông Nguyễn Tấn Dũng này xuống sẽ có một ông Nguyễn Tấn Dũng khác lên thay.

Trà Mi: Vấn đề nằm ở chỗ không phải ông Nguyễn Tấn Dũng từ chức là mọi việc sẽ được giải quyết, mà chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông từ chức hoặc không từ chức, đó mới là vấn đề băn khoăn của xã hội. Liệu sự từ chức này có gây một ảnh hưởng nào không, có đem lại một hiệu quả nào tốt đẹp không: Đó là vấn đề cần phải bàn luận nhiều thêm nữa.

---------------------------------------------

Qúy vị muốn nghe lại cuộc thảo luận, chia sẻ quan điểm đồng tình hay phản đối với ba vị khách mời này, và bình luận với độc giả khắp nơi, xin vào trang nhà voatiengviet.com.

Muốn nhận các câu chuyện hằng tuần của Tạp chí Thanh Niên đài VOA gửi trực tiếp vào máy tính của mình, mời các bạn đăng ký dịch vụ RSS miễn phí và tải PODCAST từ trang chính của Ban Việt Ngữ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ www.voatiengviet.com.

Trà Mi xin cảm ơn và mong được đón tiếp quý vị và các bạn trong Tạp chí Thanh Niên đài VOA tối thứ sáu và chủ nhật hằng tuần.


http://www.youtube.com/embed/kinhYseGDLo