Một đại hội nữa của những người cộng sản lại đang tới gần và câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu người thấy mình có đại diện tại sự kiện quan trọng bậc nhất này ở Việt Nam trong năm sau. Truyền thông Việt Nam nói hiện có trên năm triệu đảng viên tại đất nước cộng sản hiếm hoi còn lại trên thế giới. Nhưng không phải cứ là đảng viên cộng sản là đã tin vào đường lối của đảng. Ví dụ nhãn tiền là đảng viên Phạm Phú Quốc đã nhanh chân lấy quốc tịch Cyprus để tìm đường cứu nhà vì trong thâm tâm họ không tin vào cái ‘tiền đồ tươi sáng’ mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẽ ra. Dù giàu có, ông Quốc có lẽ cũng thuộc đa số không nhà về mặt chính trị ở Việt Nam.
Chuyện Đảng cộng sản kiên quyết chỉ duy trì một ngôi nhà chính trị duy nhất – ngôi nhà của những người theo Marx và Lenin – khiến cho hàng chục triệu người trở thành vô gia cư về chính trị. Họ chẳng tha thiết gì với chủ nghĩa cộng sản và các đồng chí trong đảng cộng sản. Nhưng còn có lựa chọn nào khác ở Việt Nam?
Trong khi các tin tức về việc chuẩn bị cho đại hội 13 đang diễn ra ở Việt Nam, tại Anh Đảng Lao động, đảng cũng tự coi là đại diện của giai cấp công nhân và dân nghèo, đang có đại hội đầu tiên sau khi có tân lãnh đạo, ông Keir Starmer. Sau khi cầm quyền trong 13 năm liền qua hơn hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Tony Blair và gần một nhiệm kỳ của ông Gordon Brown, Lao Động đã thất cử năm lần liền từ đó tới nay. Chính ông Starmer thừa nhận rằng Đảng Lao động dưới sự lãnh đạo của người tiền nhiềm Jeremy Corbyn “đáng thua” trong cuộc đua với Đảng Bảo thủ đương quyền và nhiều đảng khác. Ông Jeremy Corbyn có lẽ gần về ý thức hệ với các lãnh đạo ở Việt Nam hơn bất kỳ lãnh đạo Đảng Lao động nào từ trước tới nay. Ông muốn quốc hữu hoá các công ty lớn trong đó có hãng viễn thông BT. Ông cũng có đường lối lãnh đạo độc đoán và quá thiên về ý thức hệ. Và người Anh đã khiến cho Đảng Lao động thua đau nhất trong 100 năm qua. Chẳng phải ông Borish Johnson hiện nay giỏi giang gì hơn ông Corbyn trong tranh cử. Chỉ là ông đỡ bị ghét hơn mà thôi.
Nhìn về Việt Nam, Đảng Cộng sản không phải không có những điểm sáng khi bước vào đại hội 13 trong đó có việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 khá thành công và tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng. Nhưng sự đổ đốn và hà khắc của đảng này cũng là điều khiến họ có thể bị trọng thương trong một nền chính trị tự do.
Điều đầu tiên là hàng loạt các vụ tranh chấp chết người liên quan tới đất đai mà gần đây nhất là vụ ở Đồng Tâm. Chỉ có ở thời mạt một chế độ mới đưa cả ngàn quân vào giết chết cụ già ngoài 80, đã hơn nửa thế kỷ đóng góp cho chính Đảng Cộng sản, vào lúc tờ mờ sáng. Tiếp đó họ còn hành hung nhiều người trong gia đình, bắt những người dám đưa tin về vụ việc và bắt báo chí cả nước phải im miệng. Cách hành xử này kéo Việt Nam về lại thời Trung Cổ về mặt văn hoá, điều mà ông Nguyễn Phú Trọng nói rất cần để Việt Nam phát triển.
Điểm thứ hai là tốc độ phát triển của Việt Nam so với các nước trong khu vực không có gì đáng nói. Thu nhập bình quân đầu người thua xa so với những nước không giàu có gì lắm như Thái Lan hay Malaysia. Về sức mạnh của hộ chiếu, Việt Nam thậm chí từng thua cả Lào hồi năm 2018.
Điểm thứ ba và có lẽ là điểm quan trọng hàng đầu là tự do cá nhân. Việt Nam thậm chí không lọt nổi vào số 100 nước đầu tiên về tự do cá nhân cho người dân. Làm sao có thể khá được khi chỉ cần nói ra sự thật là người dân đã có thể bị kết án tù. Nếu họ muốn lập ra các tổ chức chính trị, họ sẽ có thể bị kết tội lật đổ. Trong khi đó chính sự minh bạch về thông tin cũng như sự giám sát các cơ quan công quyền qua các tổ chức dân sự và chính trị sẽ góp phần đáng kể vào việc chống tham nhũng. Nếu cái lò của ông Trọng chỉ xử lý những việc đã rồi, sự tự do của báo chí trong điều tra và tự do giám sát của các tổ chức có thể ngăn ngừa được tham nhũng. Và một khi chính những người tham nhũng chính trị lại giữ toàn bộ quyền lực thì ai kiểm soát họ?
Trong hơn 30 năm qua, cái bụng của người dân Việt Nam có ấm thêm nhưng cái vòng kim cô trên đầu họ vẫn gần như không có gì thay đổi. Cái vòng kim cô ý thức hệ đó làm cho đất nước mãi ở chiếu dưới của sự phát triển, người dân mướt mải mới xin được visa vào những nước giàu, nhiều người đành chui vào thùng công-ten-nơi để rồi mất mạng. Những người khác bỏ ra cả triệu đô la mua lấy tấm hộ chiếu phòng thân. Nhiều người dân thấy tiền đồ của họ chẳng khác gì của chị Dậu ngày xưa. Nhưng ông chủ Đảng lại bảo tiền đồ đất nước chưa bao giờ tươi sáng như thế. Chẳng rõ họ có phải người cùng một nước hay không.