Phái đoàn Cuba lần đầu tiên tới Bộ Ngoại giao Mỹ đàm phán trong nhiều thập kỷ

Đại biểu phái đoàn Hoa Kỳ và Cuba họp tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, 27/2/15

Đại biểu phái đoàn Hoa Kỳ và Cuba họp tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, 27/2/15

Một phái đoàn của Cuba lần đầu tiên kể từ năm 1961 sẽ có mặt tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm nay để thảo luận về việc khôi phục lại quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Nỗ lực khôi phục quan hệ với Cuba là một phần sáng kiến được Tổng thống Barack Obama công bố hai tháng trước, nhằm chấm dứt lệnh cấm vận thương mại đối với đảo quốc này.

Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết rằng cuộc họp hôm nay sẽ tập trung vào những bước đi cần thiết để mở các đại sứ quán của hai nước ở Washington cũng như Havana càng sớm càng hay.

Một chuyên gia về chính sách của Mỹ nói ông tin rằng hai bên sẽ “nghiêm túc thảo luận”, và sẽ tiến hành các bước đi cần thiết để mở các đại sứ quán trong vòng vài tháng tới.

Ông Ted Piccone, một nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Brookings, nhận định:

“Tôi nghĩ rằng nếu họ có thể gỡ bỏ các nút thắt đó, thì triển vọng tốt nhất là có thể là tháng Năm hoặc tháng Sáu ta có thể thấy cờ được treo lên và biển hiệu sẽ được lắp ở phía trước. Phía Mỹ đã có một tòa nhà lớn tại một khu vực đắc địa bên bờ sông tại Cuba mà chỉ cần lắp một tấm biển khác lên phía trước”.

Một tháng sau các cuộc đàm phán sơ khởi tại La Habana nhằm tái thiết lập quan hệ, Cuba nói rằng nước này muốn Hoa Kỳ bỏ tên khỏi danh sách các quốc gia hỗ trợ khủng bố, trong khi thảo luận vấn đề mở đại sứ quán.

Nhưng phái đoàn Mỹ không liên kết hai vấn đề này làm một, và nói rằng việc đánh giá lại danh sách hỗ trợ khủng bố là một tiến trình hoàn toàn khác.

Ông Ted Piccone nhận định tiếp:

“Cuba đã bị liệt vào danh sách này kể từ năm 1982, nhưng mõi năm Bộ Ngoại giao Mỹ duyệt xét lại danh sách đó, họ đều kết luận rằng ngày càng có ít bằng chứng củng cố lập luận cho rằng Cuba nên nằm trong danh sách này. Tôi nghĩ rằng thực tế khác biệt hoàn toàn với chính sách và tổng thống đã nhận ra điều đó”.

Chuyên gia về chính sách của Mỹ cũng nói ông tin rằng sáng kiến của Tổng thống Obama đối với Cuba sẽ là một di sản đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông khi chỉ còn hai năm nữa là hết.

Trong khi đó, Cuba đã ca ngợi di sản cách mạng của nước này, trong khi Tổng thống Raul Castro thực hiện các thay đổi để đưa Cuba gia nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Mỹ áp đặt lệnh cấm vận thương mại với Cuba năm 1960, và đóng cửa đại sứ quán một năm sau đó sau khi nhà lãnh đạo cộng sản khi ấy là Fidel Castro lật đổ chính phủ được Hoa Kỳ hậu thuẫn.