Trong chuyến thăm Hàn Quốc tuần này, khi phát biểu với các lãnh đạo doanh nghiệp ở Seoul, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết quan hệ kinh tế song phương đang có vấn đề.
Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc-U.S. (KORUS FTA) có hiệu lực vào năm 2012 là thỏa thuận thương mại lớn nhất được thực thi dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama. Kể từ khi thực hiện hiệp định, thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc đã tăng hơn gấp đôi. Xuất khẩu của Mỹ sang Hàn Quốc giảm 1,2 tỷ đôla, trong khi nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Mỹ tăng hơn 13 tỷ đôla. Năm 2016, mức thặng dư là 23,2 tỷ đôla, theo dữ liệu chính thức của Hoa Kỳ.
Phó tổng thống Mỹ nhắc lại mối quan ngại của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ rằng Hàn Quốc đã sử dụng các quy định phi thuế quan về môi trường và kiểm tra để lách qua hiệp định FTA.
Ông nói: "Đó là sự thật phũ phàng, và các doanh nghiệp của chúng tôi tiếp tục phải đối mặt với quá nhiều rào cản để nhập hàng vào, những rào cản đó gây bất lợi cho sự tăng trưởng của công nhân Mỹ và người Mỹ”.
Ông Pence cho biết Mỹ sẽ tìm cách đàm phán lại một số điều khoản của hiệp định thương mại với Hàn Quốc mang lại cho các công ty Mỹ con đường tiếp cận thị trường rộng rãi hơn và công bằng.
Ông phát biểu: “Chúng tôi sẽ mưu cầu thương mại vừa tự do vừa công bằng. Và điều đó sẽ đúng trong mọi quan hệ thương mại của chúng tôi, kể cả hiệp định KORUS. Chúng tôi sẽ xem xét lại tất cả các hiệp định thương mại của chúng tôi trên toàn thế giới để đảm bảo rằng các hiệp định đó đem lại lợi ích cho nền kinh tế của chúng tôi tương tự như các đối tác thương mại của chúng tôi".
Mặc dù các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Seoul đã chỉ trích việc Hàn Quốc áp dụng các rào cản thương mại phi thuế quan, nhất là trong ngành công nghiệp ô tô, chiếm tới 80% thâm hụt thương mại của Mỹ, nhưng về tổng thể họ ủng hộ hiệp định KORUS FTA.
Các lãnh đạo Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã lên tiếng lo ngại rằng chính quyền ông Trump đang chỉ trích thái quá về hiệp định khi nhấn mạnh quá nhiều vào thâm hụt thương mại, vốn chỉ là một khía cạnh trong mối quan hệ kinh tế phức tạp và vẫn đang phát triển.
Ví dụ, đầu tư của Hàn Quốc vào Hoa Kỳ, từ các công ty như Samsung và Hyundai, đã tạo ra hơn 45.000 việc làm ở Mỹ. Ông James Kim, Chủ tịch của GM Korea và cũng là Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Hàn Quốc, nói: "Đầu tư trực tiếp của các công ty Hàn Quốc ở Hoa Kỳ kể từ khi có KORUS đã nhiều hơn mức thâm hụt thương mại với Hàn Quốc”.
Cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Hàn Quốc Jeffery Jones cũng cho rằng hiệp định KORUS có thể đã giúp hàng nhập khẩu Mỹ vào Hàn Quốc không bị giảm nhiều hơn so với mức độ trong thời gian vừa qua. Ông lưu ý rằng tất cả hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào Hàn Quốc đều giảm trong những năm gần đây, nhưng nhập khẩu của Mỹ chỉ giảm 2,8%, trong khi nhập khẩu của Nhật giảm 15%, nhập khẩu của Úc giảm 20% và nhập khẩu từ EU giảm gần 10%.
Sau cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp ở Seoul, Phó Tổng thống Pence đã tới Tokyo để gặp Bộ trưởng Tài chính Taro Aso của Nhật Bản, bàn về các biện pháp thương mại song phương sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.