Palestine cương quyết vận động để trở thành thành viên đầy đủ của LHQ

Sinh viên Palestine tuần hành ở thành phố Ramallah trong vùng Tây Ngạn trong khuôn khổ chiến dịch vận động để Palestine được công nhận là một quốc gia tại LHQ, ngày 20/9/2011

Các giới chức Palestine cho biết họ sẽ tiếp tục vận động để trở thành thành viên đầy đủ của Liên hiệp quốc bất chấp những nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục họ từ bỏ kế hoạch này để thực hiện lại cuộc hòa đàm với Israel.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã nói với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas rằng cuộc vận động ở Liên hiệp quốc sẽ không mang lại một quốc gia Palestine.

Những quốc gia có đông người Palestine cư ngụ

  • Trong tuần này, người Palestine đang nỗ lực để được Liên Hiệp Quốc công nhận là một quốc gia. Sau đây là những nơi có đông người Palestine cư ngụ.


  • TRÊN TOÀN THẾ GIỚI: Con số của Liên Hiệp Quốc và những cơ quan tị nạn thế giới cho thấy hiện nay có hơn 11 triệu người Palestine trên toàn thế giới.


  • CÁC VÙNG LÃNH THỔ CỦA NGƯỜI PALESTINE: Có hơn 4 triệu người Palestine sống tại Bờ Tây và dải Gaza. Khoảng 1,4 triệu sống tại Israel.


  • JORDAN: Có ít nhất 1,8 triệu người tị nạn Palestine sống tại Jordan, hầu hết trong những trại tị nạn và vùng phụ cận.


  • LIBĂNG VÀ SYRIA: Mỗi nước có từ 400.000 đến 500.000 người Palestine cư ngụ.


  • HOA KỲ: Cục Kiểm tra Dân số Mỹ nói có khoảng 81.700 người tự nhận là Người Mỹ gốc Palestine trong dữ liệu thu thập được giữa năm 2005 và 2009.


  • Cơ quan Cứu trợ và tìm việc làm của Liên Hiệp Quốc cho người tị nạn Palestine (UNRWA) định nghĩa người tị nạn Palestine là “những người có nơi thường trú là vùng Palestine giữa tháng 6 năm 1946 và tháng 5 năm 1948.” Cơ quan này nói những người thuộc dạng này mất nhà cửa và những phương tiện sinh sống vì hậu quả của cuộc chiến tranh Ả Rập Israel năm 1948.

Các giới chức Tòa Bạch Ốc cho hay trong cuộc gặp gỡ hồi tối thứ tư tại New York ông Obama cảnh báo nhà lãnh đạo Palestine rằng Hoa Kỳ sẽ phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào nào của Hội đồng Bảo an thừa nhận qui chế quốc gia của Palestine.

Các viên phụ tá cao cấp của Thẩm quyền Palestine tuyên bố sẽ bác bỏ điều mà họ gọi là “những thao tác chính trị” đối với vấn đề này. Nhưng họ nói thêm rằng Palestine sẽ dành cho Hội đồng Bảo an “một ít thời gian” để nghiên cứu đơn xin làm thành viên đầy đủ của Palestine trước khi đưa vấn đề này ra trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc.

Trước đó trong ngày hôm qua Tổng thống Obama nói rằng không có “đường tắt” cho hòa bình Trung Đông. Ông cho rằng hòa bình sẽ không có được qua “những tuyên bố và nghị quyết của Liên hiệp quốc” mà thông qua các cuộc điều đình trực tiếp giữa Israel và Palestine.

Phát biểu tại Đại hội đồng không bao lâu sau bài diễn văn của ông Obama, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã trình bày một quan điểm khác hẳn với lập trường của Mỹ.

Nhà lãnh đạo Pháp ủng hộ cho việc nâng cao qui chế quan sát viên của Palestine tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc và nối lại cuộc hòa đàm với Israel dựa trên một thời biểu rõ ràng để đạt được một thỏa thuận chung cuộc.

Hoa Kỳ không có quyền phủ quyết tại Đại hội đồng, là nơi Palestine có được sự hậu thuẫn của đại đa số các nước thành viên.