Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Gilani đã bác bỏ những lời cáo buộc rằng vụ đột kích của Hoa Kỳ trong tuần qua cho thấy nước ông hoặc là đồng lõa hoặc là bất lực nên thủ lãnh al-Qaida mới có thể trốn tránh lâu như thế ở Pakistan.
Ông nói rằng thật là quá “ngây thơ” mới cho là nhà chức trách Pakistan, gồm cả cơ quan tình báo nước này, đứng về phe al-Qaida. Ông lên tiếng bênh vực cho quân đội và cơ quan tình báo Pakistan, mà theo lời ông, là rường cột của quốc gia.
Giới phân tích nói rằng một trong những lo ngại lớn nhất kể từ khi Hoa Kỳ mở cuộc đột kích là tính thiếu minh bạch của chính phủ Pakistan. Nhiều người, như nhà phân tích chính trị Zaid Hussain, nói rằng lẽ ra chính phủ phải lên tiếng trước nhân dân sớm hơn.
Ông nói: "Bài diễn văn của Thủ tướng đến quá muộn. Tôi không nghĩ là nó sẽ có bất cứ một giá trị gì."
Nhưng những người chỉ trích nói rằng dường như ông Gilani chẳng quan tâm đến chuyện trình bày sự việc cho nhân dân Pakistan, vì hầu hết bài diễn văn của ông được phát biểu bằng Anh ngữ.
Những quan sát viên khác của Pakistan nói rằng họ muốn nghe những lời lẽ có thực chất hơn từ thủ tướng.
Những thắc mắc vẫn là các giới chức chính phủ biết những gì, không chỉ về bin Laden, mà còn về vụ đột kích của Hoa Kỳ để triệt hạ ông ta tại thành phố Abbottabad, ở sâu trong lãnh thổ Pakistan.
Vụ đột kích này gây phẫn nộ cho nhiều người tại Pakistan vì họ cho là nó trưng ra những yếu kém trong hệ thống phòng thủ của Pakistan và là một hành động vi phạm chủ quyền quốc gia.
Thủ tướng Gilani loan báo trong bài phát biểu rằng một tướng lãnh cao cấp của quân đội sẽ đảm trách cuộc điều tra vụ hạ sát bin Laden.
Nhưng tướng lãnh hồi hưu Talat Masood cho rằng để cho quân đội thực hiện vụ điều tra thì có phần chắc là những nghi vấn sẽ chẳng được giải đáp thỏa đáng. Ông đề nghị rằng thay vào đó nên để cho một nhóm người khả tín làm công việc này.
Ông nói: ”Cần phải có một ủy ban gồm những người có uy tín và được nhân dân Pakistan chấp nhận. Có như thế chúng ta mới chấp nhận được những gì mà ủy ban điều tra tìm ra. Không phải là vấn đề cần có một ủy ban hay một cuộc điều tra mà chúng ta còn cần có kết quả."
Về phương diện lịch sử, thực quyền tại Pakistan do quân đội nắm giữ. Có những thời kỳ khi tình hình bất ổn, quân đội đã thâu tóm tất cả mọi quyền lực từ tay các chính phủ dân sự.
Một số chuyên gia cảnh báo rằng nếu như chính phủ hay các đảng đối lập thúc bách quân đội quá đáng, thì phe này có thể sẽ phản ứng dữ dội.
Đối với Giáo sư Hussan Askari thuộc đại học Punjab như vậy điều này có nghĩa là các phe nhóm đối lập có phần chắc sẽ chĩa mũi dùi công kích vào chính phủ của Tổng thống Asif Ali Zardari và tìm cách kiếm điểm trong chính trường.
Ông nói: "Họ không làm gì được quân đội, nhưng giới lãnh đạo chính trị, các đảng phái đối lập, các đảng Hồi giáo muốn lật đổ chính phủ này, vì thế họ dùng vấn đề này làm một phần trong dự tính chính trị trong nước."
Đối với quốc tế, những chỉ trích nhắm vào Pakistan cũng không nặng nề cho mấy vì thực tế cho thấy rằng cộng tác với Islamabad là điều sinh tử để chống khủng bố và tìm một giải pháp cho Afghanistan.
Và với áp lực gia tăng đang đè nặng lên Islamabad sau vụ đột kích của lực lượng đặc biệt Mỹ, chuyện gì xảy ra bên trong những cơ chế của Pakistan có thể có ảnh hưởng đến những vấn đề vượt xa khỏi biên giới nước này.
Bài phát biểu của Thủ tướng Yousuf Raza Gilani's trước Quốc hội Pakistan hôm thứ hai đã bị giới phân tích thời cuộc ở nước này chỉ trích. Họ đặt nghi vấn là những lời phát biểu của ông sẽ có giúp làm giảm nhẹ được cuộc khủng hoảng do vụ đột kích của Hoa Kỳ giết bin Laden gây ra hay không.