Chính phủ Pakistan cho biết muốn đưa ra một chính sách mới chống chủ nghĩa cực đoan. Tuy nhiên các nhà phân tích nói vụ đánh bom ngày hôm nay thứ Hai tại Quetta cho thấy Pakistan còn một con đường dài phải đi để ngăn chặn các vụ tàn sát đang hoành hành tại nước này.
Ông Michael Kugelman, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Woodrow Wilson nói với Đài VOA “Một chính sách mới chống khủng bố tại Pakistan là một điều tốt, nhưng tôi lo ngại là việc này chỉ là một tấm màn che đậy một vấn đề lớn hơn nữa.”
Ông Kugelman nói chủ nghĩa cực đoan hiếu chiến sẽ không chấm dứt nếu Pakistan “từ chối truy lùng mọi hình thức khủng bố và mọi loại tổ chức khủng bố.”
Các giới chức nói Thẩm quyền Chống Khủng bố Quốc gia Pakistan viết tắt là NACTA theo dõi và đề nghị những chiến lược chống khủng bố, đang trong tiến trình thành lập một chính sách mới chống chủ nghĩa cực đoan trong nước. Ông Ehsan Ghani, người đứng đầu NACTA nói với Đài VOA “Một chính sách chống chủ nghĩa khủng bố trong nước sẽ được đưa ra trong vòng hai tháng.”
Theo ông Ghani, chính sách này sẽ đề nghị những luật mới cũng như tu chính một số luật lệ hiện hành. Chính sách cũng sẽ đề nghị những cải cách trong lãnh vực giáo dục, trong đó có hệ thống các trường Hồi giáo Madrassa, đang hoạt động rộng rãi trong nước, thay đổi “lề lối suy nghĩ cũ” để người dân khoan dung hơn.
Tuy nhiên nhà phân tích quốc phòng Saad Mohammad Khan, đồng thời là một cấp chỉ huy quân đội hồi hưu, cư ngụ tại Peshawar nói các luật lệ và chính sách mới không thể hữu hiệu nếu không được thi hành đúng đắn.
Ông Khan nói thêm trong một cuộc phỏng vấn với Đài VOA “Chủ nghĩa cực đoan có mặt tại khắp mọi nơi trong xã hội. Chủ nghĩa này có mặt trong nhà chúng ta, trong trường học, trong văn phòng và trong chợ của chúng ta…”
Ông Khan nói trừ phi toàn bộ hệ thống giáo dục được cải cách, các quan điểm cực đoan sẽ còn được nuôi dưỡng trong các trường học dòng chính và thế tục.
Ông Khan phát biểu với Đài VOA “Trẻ em được dạy là người Pakistan chúng ta tốt hơn những người khác và những nước khác là những nước chống Hồi giáo. Khi trẻ em lớn lên, hầu hết đều hoang tưởng đưa đến việc theo chủ nghĩa cực đoan.”
Theo ông Khan, những thành viên có uy tín của Liên đoàn Hồi giáo cầm quyền, không phải là một đảng Hồi giáo, cho thấy họ chống lại việc thay đổi chương trình học hiện nay tại các trường học Pakistan.
Các chuyên gia nói nhiều trường madrassa tại Pakistan là nguồn cung cấp các phần tử hiếu chiến tại Pakistan và nước láng giềng Afghanistan.
Chính quyền tỉnh Khyber Pakhtunkhwa bị chỉ trích mạnh mẽ trong tháng qua vì tài trợ 3 triệu đôla cho trường madrassa Uloom Haqqania, một trường học Hồi giáo gây nhiều tranh cãi mà nhiều người chỉ trích gọi là “Trường đại học Thánh chiến.”
Do cựu Thượng nghị sĩ Samiul Haq đứng đầu, trường này có khoảng 4.000 học sinh và nổi tiếng vì có liên hệ đến và công khai bày tỏ cảm tình với Taliban là tổ chức hiện đang chiến đấu chống lại các lực lượng địa phương và lực lượng quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo tại Afghanistan. Việc liên hệ này đã khiến cho giáo sĩ Hồi giáo này có tước vị là “Cha của Taliban.”
Ông Michael Kugelman, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Woodrow Wilson nói “Tại Pakistan cũng có một môi trường thích hợp với chủ nghĩa cực đoan. Những mạng lưới các định chế tôn giáo và giáo sĩ cũng như những lời kể về nạn nhân hóa người Hồi giáo đã làm phát sinh những ý thức hệ cực đoan giúp cho chủ nghĩa hiếu chiến phát triển mạnh.”
Ông Kugelman nói tiếp “Tôi không thể tưởng tượng được là một chính sách mới chống khủng bố có thể giúp nhiều trong việc giải quyết chuyện này. Vấn đề chính yếu là giết các phần tử khủng bố không tiêu diệt được chủ nghĩa khủng bố.”
Ông Ghani người đứng đầu các hoạt động chống khủng bố nói với Đài VOA là theo Kế hoạch Hành động Quốc gia, được thiết lập vào tháng 1 năm 2015, để đàn áp các mạng lưới khủng bố tại Pakistan, chính phủ đã thi hành một số hoạt động mạnh mẽ chống chủ nghĩa cực đoan, trong đó có việc đóng những thẻ sim điện thoại di động không đăng ký trị giá 98,4 triệu đôla trong nước. Tuy nhiên ông công nhận là một số các lãnh tụ khủng bố và những tổ chức bị cấm vẫn xuất hiện trong các kênh truyền hình tại Pakistan để quảng bá cho lịch trình hành động của họ.
Tại Washington, Ngũ Giác Đài đã giữ lại 300 triệu đôla viện trợ quân sự cho Pakistan vì Islamabad đã không có những hành động thích đáng chống mạng lưới khủng bố Haqqani.
Bà Lisa Curtis thuộc Heritage Foundation có trụ sở tại Washington nói với Đài VOA “Quốc hội Mỹ đã cho thấy không hài lòng với việc Pakistan tiếp tục hỗ trợ cho những tổ chức như mạng lưới Haqqani tiếp tục chiến đấu chống lại các lực lượng Afghanistan và Hoa Kỳ tại Afghanistan. Và chúng ta đã thấy chính phủ Mỹ cũng ngưng tài trợ việc bán máy chiến đấu F-16 cho Pakistan.”
Bà Curtis nói những cuộc hành quân của Pakistan đang được tiến hành chống lại các phần tử hiếu chiến trong vùng bộ tộc đã giảm bớt bạo động tại Pakistan nhưng những tổ chức hiếu chiến khác cũng phải được nhắm đến nữa.
Bà Curis phát biểu “Cuộc hành quân Zarb-e- Azb đã giúp giảm bớt bạo động tại Pakistan nhưng Hoa Kỳ cũng có những quan ngại về những tổ chức chủ chiến khác hoạt động trong vùng và đã có những bất đồng về vấn đề này giữa Washington và Islamabad. Sẽ có một thay đổi…Bất bình sẽ gia tăng. Dù ai là tổng thống Mỹ kế tiếp, chắc chắn sẽ có những chính sách cứng rắn hơn đối với Pakistan và đòi hỏi nhiều thay đổi hơn về những chính sách đối với Taliban.”
Pakistan phủ nhận những cáo buộc, cho rằng nước này không phân biệt giữa những phần tử hiếu chiến “tốt và xấu”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pakistan Nafees Zakaria nói “Chúng tôi có những hành vi quyết liệt chống lại các phần tử khủng bố và cực đoan, và cũng hợp tác sâu rộng với các nước khác để đánh bại các phần tử này.”