Trùm khủng bố Osama Bin Laden đã chết

  • Purnell Murdock

Ảnh từ áp phích lấy từ trang web của FBI cho thấy Osama bin Laden đã bị tiêu diệt, ngày 2/5/2011

Trùm khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới, Osama bin Laden đã chết ở tuổi 54. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama loan tin phần tử khủng bố bị truy nã gắt gao nhất này đã bị lực lượng Hoa Kỳ hạ sát tại một khu nhà nằm sâu trong lãnh thổ Pakistan. Thông tín viên VOA Purnell Murdock ghi nhận chi tiết về tiểu sử của tay trùm khủng bố này.

Bị cho là thủ phạm của những hành động khủng bố tàn ác trên ít nhất 3 lục địa, Osama bin Laden đã là mục tiêu của cuộc truy lùng có thể là lớn lao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Tiếp theo những vụ tấn công khủng khiếp tại New York và Washington vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, tổng thống Bush đã công khai cam kết sẽ tìm ra kẻ bị cho là chủ mưu những vụ này – Osama bin Laden.

Tổng thống Bush nói: “Người này muốn phá hủy mọi thứ tiêu biểu cho nền văn minh chỉ vì quyền lực và lợi ích của cá nhân mình. Hắn ta tàn ác đến độ sẵn sàng để cho các thanh niên tự sát trong khi hắn ta lẩn trốn trong các hang động. Hắn không chỉ can tội sát nhân một cách không thể tưởng tượng được, mà còn không có lương tâm và linh hồn”.

Nhưng hình ảnh của bin Laden trong tư cách là phần tử khủng bố bị truy nã gắt gao nhất lại tương phản một cách gắt gao với nguồn gốc êm ả và thoải mái của hắn ta.

Sinh ngày 10 tháng 3 năm 1957, hắn ta là một trong hơn 50 người con của một đại gia xây dựng Ả Rập Xê-út đã qua đời khi Osama bin Laden còn ở tuổi niên thiếu.

Được nuôi dậy trong sự giàu có của giới thượng lưu Ả Rập Xê-út, kề vai sát cánh với các thành viên của hoàng tộc đương quyền, bin Laden tiếp tục theo đuổi bằng cấp kỹ sư và dường như sẵn sàng tiếp nối công cuộc kinh doanh của gia đình.

Nhưng cuộc đời hắn ta đã thay đổi mãi mãi khi vào năm 1979, Liên bang Sô viết cũ tiến chiếm Afghanistan.

Như nhiều người Hồi giáo, Bin Laden bỏ nhà để tham gia cuộc chiến chống Xô viết, mặc dầu thoạt tiên sự tham gia của hắn ta chỉ là hỗ trợ hậu cần cho những người mới được tuyển mộ làm chiến binh Hồi giáo mujahedin của Afghanistan – chính những người đã ủng hộ Hoa Kỳ.

Nhưng vào giữa thập niên 1980, bin Laden quyết định sử dụng phần gia tài dành cho mình để thành lập lực lượng dân quân riêng, sau này được biết dưới danh xưng “al-Qaida” – tiếng Ả Rập có nghĩa là “Căn cứ.”

Sau khi Liên bang Xô viết rút lui, Bin Laden trở về nhà, nhưng vẫn giữ liên lạc với các cựu chiến binh đồng đội trong cuộc chiến tranh Afghanistan và duy trì sự chú ý đối với các lý tưởng khác của Hồi giáo.

Một khúc quanh quan trọng khác trong đời Osama bin Laden xảy ra vào năm 1990 khi Iraq xâm lăng nước Kuwait giàu có về dầu hỏa trong vùng Vịnh Ba Tư, khiến Ả Rập Sê-út phải kêu gọi quân đội Hoa Kỳ bố trí bên trong lãnh thổ của mình.

Bin Laden coi sự xuất hiện của những người không phải là Hồi giáo ở nơi mà hắn ta coi như thánh địa là một sự xúc phạm đạo Hồi. Hắn ta đã cực lực phản đối hành động này, đưa đến việc bị trục xuất khỏi Ả Rập Xê-út vào năm 1991.

Bin Laden tìm nơi trú thân ở Sudan, nơi nghe nói hắn ta đã dàn dựng những vụ tấn công nhắm vào quân đội Hoa Kỳ ở Somalia và Ả Rập Xê-út. Dưới áp lực của Hoa Kỳ, Sudan đã trục xuất hắn ta vào năm 1996, và một lần nữa hắn ta trở về Afghanistan.

Vikram Parekh là một chuyên gia phân tích làm việc cho Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế có trụ sở ở Brussels. Ông nói rằng bin Laden mau chóng trở thành một đồng minh thân thiết của giới lãnh đạo mới tại Afghanistan, phong trào Hồi giáo Taliban theo chủ trương cứng rắn, và cung cấp cho phong trào này sự tài trợ cần thiết.

Ông Parekh nói: “Sự kiện này giúp cho Taliban có cơ sở tài chính độc lập để có thể dựa hoàn toàn vào Pakistan chẳng hạn để duy trì việc quản lý, để phối hợp chiến dịch quân sự của họ.”

Nhưng ngay trong lúc một lần nữa can dự vào chính sự Aghanistan, bin Laden vẫn tham gia vào cuộc tranh đấu toàn cầu chống lại Hoa Kỳ. Theo như cáo buộc, hắn ta đã chủ mưu vụ đánh bom các đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania vào năm 1998.

Ông Parekh nêu ra rằng trong khi Osama bin Laden bị liên kết với các vụ tấn công vào phương Tây, hắn ta ngày càng được lòng những người Ả Rập bất mãn và không bằng lòng với chính sách của Hoa Kỳ ở Trung Đông.

Ông Parekh nhận định: “Hắn ta đã trở nên một thứ thần tượng kháng chiến chống lại Hoa Kỳ, bất kể liệu mọi người có thực sự ủng hộ Osama trong tư cách riêng của ông ta hay là cái lý tưởng mà ông ta là tiêu biểu.”

Bắt Bin Laden đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ sau khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố tại New York và Washington vào năm 2001 khiến hơn 3.000 người thiệt mạng.

Khi Taliban không chịu giao nộp thủ lãnh al-Qaida cho nhà chức trách Hoa Kỳ, thì Hoa Kỳ đã tuyên chiến, lật đổ Taliban ở Afghanistan vào tháng 12 năm 2001 và khiến Osama bin Laden phải đi lẩn trốn.

Trong những năm tại đào, Bin Laden đã công bố một loạt các băng ghi âm lên án Hoa Kỳ, gây khó chịu nhiều cho Washington, một sự khó chịu nay đã không còn nữa.

Ngay trước khi kết thúc cuộc truy lùng bin Laden, Đại sứ Hoa Kỳ J. Coffer Black, người từng đứng đầu công tác chống khủng bố cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, nói rằng sự kiện này sẽ có ý nghĩa lớn cho nhiều người tại Hoa Kỳ.

Ông Black nói: “Đây là một ngày vui, một ngày mà các người thân của tất cả các nạn nhân trong ngày 11 tháng 9 chắc chắn sẽ ghi nhớ.”

Nhưng ông Black nói thêm rằng, đây không có nghĩa là sự kết thúc của những mối đe dọa khủng bố chống lại Hoa Kỳ.

http://www.youtube.com/embed/WfKZEhPMr9s

Loan báo của Tổng thống Obama về cái chết của Bin Laden

http://www.youtube.com/embed/ZNYmK19-d0U?rel=0

Phản ứng của thế giới sau cái chết của Osama Bin Laden


Catherine ("Kay") Maddux

Video phản ứng ở Washington, New York sau cái chết của Bin Laden