Cơ quan mua sắm hàng hòa và dịch vụ cho chính phủ Hoa Kỳ bị dính vào một vụ tai tiếng về chi tiêu lãng phí và các chuyến công tác kỳ lạ của các giới chức chính phủ. Theo tác giả David Gebler, một luật sư và cũng là một nhà tư vấn, thì đây là thí dụ điển hình của điều mà ông gọi là kết quả của một nền văn hóa độc hại.
Cơ quan mua sắm GSA, có ngân sách hoạt động hằng năm lên tới 26 tỉ đô la có chức năng sở hữu, thuê mướn, và quản lý các tòa nhà chính phủ liên bang, trong đó trụ sở các bộ, các tòa thị chính, và các nhà bưu điện trên khắp nước Mỹ.
Một vụ phẫn nộ của công chúng nổ ra sau khi báo chí tường thuật rằng cơ quan này đã chi tiêu hơn 800.000 đô la để tổ chức một hội nghị cấp vùng chỉ có 300 nhân viên tại Las Vegas hồi năm 2010.
Theo các nhà điều tra, một giới chức hàng đầu của GSA đã sử dụng tiền đóng thuế của người dân để chi trả cho nhiều chuyến được gọi là “tìm hiểu tình hình” tới thánh địa cờ bạc cho ông, và vợ ông vốn không phải là một nhân viên của chính phủ.
Tại hội nghị, cơ quan này chi tiêu phung phí cho các cuộc tiếp tân, các bữa ăn, các buổi liên hoan trong phòng riêng, các buổi trình diễn, các vật kỷ niệm và quà tặng cho các tham dự viên.
Các đại biểu quốc hội đặt những câu hỏi gay gắt cho các giới chức có trách nhiệm của GSA trong các buổi điều trần được triệu tập khẩn cấp hồi tháng trước sau khi vụ tai tiếng nổ ra.
Các đại biểu thắc mắc các giám sát viên đã ở đâu trong hơn một năm mà không phanh phui những việc làm sai trái.
Kết quả là ông Brian Miller, Tổng thanh tra của GSA phải báo cáo cho công chúng về những chi tiêu quá lạm sau cuộc điều tra kéo dài nhiều ngày.
Tác giả David Gebler viết rằng “nhân viên tốt sẽ có xu hướng làm điều xấu khi họ rơi vào trong một môi trường không lành mạnh, trong đó không nên có nhiều thắc mắc, hoặc “tôi biết việc này sai, nhưng đó không phải là chuyện của tôi.”
Ông nói tất cả thật quá dễ trong trường hợp “chỉ muốn làm vừa lòng cấp trên” hay là những người có tinh thần “ai sao tôi vậy” để nhìn sang phía khác, trong khi lẽ ra họ không nên làm như thế.
Ông Gerbler nói rằng sự trung thành không phải là chuyện tốt khi nó tạo ra một nền văn hóa “tôi biết chuyện này xấu, nhưng đó không phải là quyết định của tôi.”
Sau khi vụ chi tiêu lãng phí bị phanh phui, Tổng giám đốc GSA, Martha Johnson, đã xin lỗi nhân dân Mỹ về “sự kiện xa hoa, kiêu ngạo, và tự đề cao này.” Bà đã từ chức và hai viên trợ lý hàng đầu của bà tổ chức chuyến đi tại Las Vegas bị sa thải.
Cuốn sách của ông David Gebler có tựa “The Three Power Values: How Commitment, Integrity, and Transparency Clear the Roadblocks to Performance,” sẽ được ấn hành trong năm nay.
Trong bất cứ tổ chức hay định chế nào khi hoạt động lâu dài cũng sẽ tạo ra một thói quen có thể gọi là một nền văn hóa hay một truyền thống. Nền văn hóa đó có thể đem lại kết quả tốt hay xấu tùy hoàn cảnh.