Hôm 26/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của họp Ban chỉ đạo Trung Ương về phòng, chống tham nhũng và ngay sau đó ban này ra quyết định đưa vụ án của ông Lê Tấn Hùng, em trai của cựu bí thư thành ủy HCM Lê Thanh Hải, vào diện ‘theo dõi, chỉ đạo.’
Ông Hùng là em trai nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải. Trước khi giữ chức Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), ông là Chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên Xung phong TP HCM.
Sau khi bị bắt ở Sài Gòn hôm 6/7/2019, ông Hùng đã bị di lý ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.
XEM THÊM: Em ruột Lê Thanh Hải bị bắt vì ‘vi phạm quản lí’Ông Lê Tấn Hùng hiện không phải là thành ủy viên, và cũng chưa được vào ủy viên Trung ương.
Quyết định “bổ sung” đưa vụ án Sagri của ông Hùng, một cán bộ cấp địa phương, vào diện “theo dõi, chỉ đạo” của Ban chỉ đạo Trung Ương về phòng, chống tham nhũng dường như là điều chưa có tiền lệ.
Ông Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát chính trị Việt Nam nhận định với VOA sau khi ông Hùng bị bắt rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Lê Thanh Hải, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đang trong tầm ngắm của chiến dịch ‘đốt lò’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều khả năng ông này sẽ bị đưa ra truy tố vào đầu năm 2020.
“Một khi đã bắt Lê Tấn Hùng thì tôi không nghĩ vấn đề Lê Thanh Hải và nhóm lợi ích của ông ta sẽ bị cho chìm xuồng. Vấn đề còn lại là thời gian,” ông Phạm Chí Dũng nói.
XEM THÊM: Vòng vây ngày càng siết chặt quanh Lê Thanh Hải?Phát biểu kết luận tại phiên họp hôm 26/7, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm, “công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh theo hướng có chiều sâu, đạt kết quả toàn diện, đồng bộ, rõ nét hơn,” theo báo Thanh Niên.
Ông Trọng cũng nhấn mạnh chiến dịch bài trừ tham nhũng tham nhũng mà ông đang lãnh đạo đã khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.”
Truyền thông Việt Nam trích báo cáo của Ban cho biết từ đầu năm đến nay, các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 123 tổ chức đảng và 7.923 đảng viên vi phạm; trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái, tăng 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018.
Đặc biệt, báo cáo cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
XEM THÊM: Trò chơi Tái xuất - Đốt lò của Nguyễn Phú Trọng