Chủ tịch Việt Nam mới gửi điện chúc mừng người đồng nhiệm Trung Quốc sau khi ông này được tái bầu làm chủ tịch “vĩnh viễn” của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ông Tập Cận Bình hôm 17/3 được quốc hội tái bầu làm chủ tịch của Trung Quốc. Trước đó, cơ quan lập pháp này đã bỏ phiếu thông qua việc dỡ bỏ hạn chế về hai nhiệm kỳ đối với chức chủ tịch, mở đường cho ông Tập nắm quyền “trọn đời”.
Cơ quan lập pháp mà phương Tây cho rằng gồm những đảng viên trung thành còn bổ nhiệm một đồng minh của Chủ tịch Tập, ông Vương Kì Sơn, làm phó chủ tịch nước, một vị trí được coi chỉ mang tính hình thức.
Thông báo hôm 17/3 của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết thêm rằng Phó chủ tịch Đặng Thị Ngọc Thịnh “cũng gửi điện mừng” tới ông Sơn.
Tuy nhiên, thông tin ngắn đăng trên trang web của Bộ này không cho biết nội dung điện chúc mừng của ông Quang gửi tới nguyên thủ quốc gia láng giềng phương Bắc.
Trong khi đó, theo bản tin tiếng Anh của Tân Hoa Xã, ông Quang "tin là ông Tập sẽ lãnh đạo người dân Trung Quốc thực thi mục tiêu xây dựng một quốc gia xã hội chủ nghĩa vĩ đại, phồn thịnh, dân chủ và hòa hợp”.
Ông Quang “cũng tin rằng Trung Quốc sẽ đóng góp quan trọng vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như thế giới”.
‘Hoàng đế Tập Cận Bình’: Việt Nam mừng hay lo?
Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền ‘vĩnh viễn’?
Ông Tập Cận Bình chúc Tết binh sĩ ở Hoàng Sa
Xinhua còn dẫn lời chủ tịch Việt Nam nói rằng “đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam coi trọng việc phát triển mối quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp cũng như sự hợp tác toàn diện với Trung Quốc”, và coi “nước này là một sự lựa chọn chiến lược cũng như ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại của Việt Nam”.
Hãng tin Reuters đưa tin rằng ông Quang là một trong số hàng chục nguyên thủ trên thế giới, trong đó có lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin, gửi điện chúc mừng ông Tập được tái bầu.
Việc ông Tập được phép nắm quyền “vĩnh viễn” gây chú ý tại nước láng giềng Việt Nam vì theo giới quan sát, trong thời kỳ nắm quyền của ông này, Trung Quốc mạnh mẽ khẳng định chủ quyền trên Biển Đông bằng các hành động xây đảo và quân sự hóa vùng biển tranh chấp.
Có ông Tập Cận Bình hay không thì nó vẫn có thách thức. Nhưng ông Tập Cận Bình còn giữ quyền thì thách thức nhiều hơn vì ông ấy cứng rắn.Sử gia Nguyễn Nhã nói.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một người nghiên cứu về quan hệ Việt – Trung, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng sự kiện ở nước láng giềng phương Bắc cũng sẽ khiến “Việt Nam bị ảnh hưởng”.
“Có ông Tập Cận Bình hay không thì nó vẫn có thách thức. Nhưng ông Tập Cận Bình còn giữ quyền thì thách thức nhiều hơn vì ông ấy cứng rắn”, sử gia nghiên cứu về Biển Đông nói.
“Tinh thần Đại Hán từ thời ông Mao Trạch Đông, chứ đâu có chỉ Tập Cận Bình. Ông Tập Cận Bình ông ấy làm ráo riết thôi. Tôi vẫn cho là càng có nguy cơ thì lại càng có thời cơ. Nguy ở Biển Đông tạo ra thời cơ nếu ta nắm được”.
Khi được hỏi thời cơ này là gì, ông Nhã cho rằng Việt Nam có thể trở thành một “cường quốc biển”, nhưng không nói cụ thể.