Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên án điều mà ông gọi là sự xâm lược thuộc địa “man rợ” của Nhật chống lại Trung Quốc và Nam Triều Tiên khi ông tiếp tục chuyến viếng thăm hai ngày đến Seoul.
Trong bài phát biểu hôm nay tại trường đại học quốc gia Seoul, ông Tập nói Trung Quốc và Nam Triều Tiên đã trải qua “nỗi đau to lớn” là hậu quả sự xâm lược của đế quốc Nhật Bản vào nửa đầu thế kỷ 20.
Các nhận định vừa kể được đưa ra một ngày sau khi ông Tập đề nghị tổ chức những hoạt động tưởng niệm chung với Nam Triều Tiên để đánh dấu 70 năm Nhật Bản thất trận trong Thế chiến thứ Hai.
Nam Triều Tiên và Trung Quốc là hai trong số những nạn nhân lớn nhất của đế quốc Nhật. Cả hai nước đều đang lâm vào những vụ tranh chấp lãnh thổ riêng rẽ với Nhật Bản và đang lo ngại về các mưu toan của Tokyo nhằm mở rộng vai trò quân sự của nước này.
Nhiều nhà quan sát xem chuyến đi của ông Tập đến Nam Triều Tiên, lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, nằm trong khuôn khổ nỗ lực của Bắc Kinh để đưa Seoul lại gần hơn trong phạm vi ảnh hưởng của mình và từ đó tránh xa Nhật Bản.
Hôm thứ Năm, ông Tập và Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye đã đồng ý mở rộng mối quan hệ đã vững mạnh giữa hai nền kinh tế.
Trong buổi họp báo chung với ông Tập, bà Park nói Seoul và Bắc Kinh sẽ cố gắng hoàn tất hiệp định thương mại tự do đã đàm phán trong một thời gian dài vào cuối năm nay.
Bộ trưởng tài chính của Seoul cũng cho biết cả hai bên đã đồng ý đề xuất giao dịch trực tiếp giữa đồng won của Nam Triều Tiên và đồng nguyên của Trung Quốc, một biện pháp mở rộng việc sử dụng đồng nguyên của Trung Quốc.
Ðồng nguyên của Trung Quốc cùng với đồng đô-la là tiền tệ duy nhất trực tiếp chuyển đổi với đồng Won.
Tổng thống Park cũng nói bà đồng ý với ông Tập là nên giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và họ kiên quyết phản đối việc thử nghiệm hạt nhất thêm nữa của Bắc Triều Tiên.
Trước chuyến đi, tờ Hoàn cầu thời báo của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc ca ngợi Nam Triều Tiên là một “tấm gương của mối bang giao láng giềng tốt”.
Bài xã luận nói mối quan hệ đã “đặc biệt phát triển mạnh” trong bối cảnh điều mà tờ báo này gọi là tình trạng “rắc rối và phức tạp” ở Ðông Bắc Á.