Báo chí Việt Nam cho hay Hội nghị thứ tư của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 đã bế mạc hôm 14/10 ở Hà Nội.
Trong bài phát biểu bế mạc, Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng cho biết hội nghị đã “thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống” của các cán bộ và đảng viên. Ông nói sự suy thoái đó “nguy hiểm khôn lường”.
Vì vậy, ông Trọng phát biểu rằng Ban chấp hành Trung ương đã “thống nhất tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn đảng” bao gồm các công việc “về giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội”.
Tường thuật của báo chí Việt Nam cho hay các công việc cụ thể liên quan đến 4 nhiệm vụ, giải pháp kể trên là “rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên; và phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận”.
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội nổi tiếng, bình luận với VOA về những nỗ lực của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm chỉnh đốn chính mình:
“Hoàn toàn vô nghĩa vì những cái bài này đã được lặp đi lặp lại cả ngàn lần rồi. Cái điều cuối cùng, phát huy Mặt trận này khác, nếu mà cái đó họ hiểu theo một nghĩa rộng hơn là để cho người dân, để cho xã hội dân sự phát huy thì cái đó có thể mang lại cái tích cực. Còn ba điều bên trên kia đều là những bài sáo mòn đã lặp đi lặp lại và đã không bao giờ có kết quả. Cả bốn giải pháp này đều là vô nghĩa. Bởi vì kể cả giải pháp thứ tư thì cũng vẫn là cái cũ. Bởi vì Mặt trận là ai? Chính là cánh tay của Đảng Cộng sản. Và như thế không giải quyết được cái gì cả”.
Trong những năm gần đây, thông tin tại các phiên họp Quốc hội và trên báo chí Việt Nam cho thấy người dân rất phẫn nộ về sự quản trị kém, nạn tham nhũng, lạm quyền cũng như lối sống xa hoa, suy đồi của các cán bộ, đảng viên. Người dân cũng bất bình về việc họ hầu như không thể có vai trò hay hành động để chống lại các vấn đề đó. Tiến sỹ Quang A phân tích về tình trạng này:
“Nó là hệ quả của sự độc tài của Đảng Cộng sản. Người ta không để cho bất kể một cái cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực nào được hoạt động hoặc để cho nó hoạt động có hiệu quả. Tất cả những nỗ lực của người dân và xã hội dân sự để thực hiện quyền giám sát và kiểm soát thì bị người ta coi là thù địch, là phản động. Cho nên là suy thoái về tư tưởng lẫn suy thoái về đạo đức là hệ quả hiển nhiên vô cùng dễ hiểu của chính đường lối của các ông ấy”.
Theo cách nhìn của Tiến sỹ Quang A, căn cứ vào việc Hội nghị Trung ương 4 vừa qua không đưa ra giải pháp gì mới, ông cho rằng trong tương lai gần, triển vọng của bản thân Đảng Cộng sản cũng như của đất nước không hề sáng sủa. Ông nói:
“Tôi thấy một tương lai vô cùng ảm đạm. Các ông ấy vẫn né tránh một điều là phải có sự cạnh tranh, phải có sự giám sát, kiểm soát, mà không phải là sự kiểm soát của các ông ấy với nhau, mà phải phát huy thực sự cái sức mạnh của người dân. Rất đáng tiếc họ không làm, họ không nghĩ như vậy. Cho nên là tương lai mà tôi nghĩ là rất là ảm đạm đối với cái sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và rất đáng tiếc kéo theo cái đấy là tương lai của cả xã hội Việt Nam. Đạo đức suy đồi, kinh tế kém, nợ…, tất cả những cái khó khăn đấy là nó tích tụ qua từng năm và nó là hệ quả của chính sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản này”.
Gần đây, báo chí Việt Nam trích dẫn nhiều chuyên gia, học giả và các cựu quan chức lên tiếng cho rằng sau 30 năm đổi mới kinh tế, Việt Nam đã đạt giới hạn về các biện pháp kinh tế, trong khi cơ cấu chính trị của đất nước đã dẫn đến nhiều vấn đề về quản trị và xã hội. Vì vậy, họ kêu gọi đã đến lúc cần có đổi mới chính trị để tạo thêm cơ hội cho Việt Nam có thể phát triển.