Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến Kenya hôm 22/8 để thảo luận về nạn khủng bố ở các nước láng giềng trước khi đi Nigeria và A-rập Xê-út.
Ông Kerry trước hết sẽ gặp Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta để thảo luận về các vấn đề khu vực như xung đột ở nước láng giềng Nam Sudan và bạo lực đang diễn ra ở Somalia.
Sau đó ông sẽ đi Nigeria để gặp gỡ Tổng thống Muhammadu Buhari để bàn về nền kinh tế đang xấu đi và các vấn đề tham nhũng của đất nước, cũng như mối đe dọa của nhóm khủng bố Boko Haram.
Boko Haram chịu trách nhiệm về vụ bắt cóc gần 300 cô gái từ một trường học ở Chibok vào năm 2014. Nhóm này đã giết chết ít nhất 20.000 người trong cuộc phiến loạn kéo dài 7 năm chống chính phủ Nigeria. Vào năm 2014, nhóm này đã vượt lên trên Nhà nước Hồi giáo, trở thành nhóm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới, theo cuốn Chỉ số Khủng bố Toàn cầu 2015, do Viện Kinh tế và Hòa bình xuất bản.
Trong hai ngày 24 và 25/8, ông Kerry sẽ họp ở A-rập Xê-ut với các nhà lãnh đạo quốc gia vùng Vịnh cũng như các đối tác Anh và các phái viên Liên Hiệp Quốc về Yemen để thảo luận về cuộc chiến ở nước láng giềng.
Một liên minh do A-rập Xê-ut đứng đầu đã chiến đấu chống phiến quân Shiite ở Yemen để trợ giúp cho chính phủ được quốc tế công nhận trong nhiều năm, nhưng động thái yểm trợ này đã bị các nhóm nhân quyền và các nhà lãnh đạo thế giới chỉ trích vì đã ném bom bừa bãi.
Mới hôm 18/8 vừa rồi, nhóm y tế nhân đạo quốc tế Bác sĩ Không Biên giới (MSF) đã thông báo rút các nhân viên của họ từ một số bệnh viện ở Yemen sau vụ 19 người thiệt mạng khi một bệnh viện ở tỉnh miền bắc Hajja đã bị ném bom. MSF cho biết đó là vụ tấn công thứ tư như vậy đánh vào một trong những cơ sở của họ trong 12 tháng qua.