Người đứng đầu Quỹ Quốc tế Phát triển Nông nghiệp nói nguồn lực lớn nhất của châu Phi là dân chúng châu lục này. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo đầu tư mạnh mẽ vào lực lượng lao động nếu không nguy cơ nghèo đói sẽ lan rộng trên toàn lục địa vào năm 2030.
Nhận xét của ông Kanayo Nwanze được đưa ra trong một thư ngỏ gởi đến Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp châu Phi lần thứ 23 về Nông nghiệp và An ninh lương thực, được tổ chức tại Malabo, Guinea Xích đạo cho đến ngày 27 tháng 6.
Ông Nwanze nói: “Trong cương vị của tôi, cũng như trong tư cách là một người Phi châu, tôi có thể nói một cách công khai và thẳng thắn với tất cả các nguyên thủ quốc gia của chúng ta. Tôi nghĩ đây là một nghĩa vụ đạo lý. Đây là một mệnh lệnh đạo đức vì tôi tin rằng châu Phi đang đứng trước một ngả tư đường.”
Ông nói người dân là nguồn lực tốt nhất của châu Phi, trong đó có 200 triệu người ở độ tuổi từ 15 đến 24.
Ông Nwanze nói tiếp: “Đó là một cơ sở nguồn lực rất vững mạnh. Và khi ta cũng nhận thức được rằng khối dân 200 triệu người trẻ-thường thất nghiệp- nếu bị lãng phí tương lai thì sẽ là một mất mát to lớn đối với châu lục. Đây là các nhà lãnh đạo tương lai của châu Phi. Chúng ta đem lại cho họ niềm hy vọng. Chúng ta phải cho họ một điều gì để trông đợi. Tôi nghĩ nếu chúng ta không gieo hạt giống hy vọng đó vào lúc này, thì chúng ta sẽ có một tình trạng rất dễ bùng nỗ trong thập niên tới.”
Ông nói nếu các nhà lãnh đạo châu Phi không hành động ngay bây giờ thì châu lục này sẽ chiếm khoảng 80% những người nghèo trên thế giới vào năm 2030. Oâng nói đó là một con số được hỗ trợ bằng những dữ liệu của Ngân hàng Thế giới và tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc.
Ông Nwanze nhận định: “Châu Phi là vùng duy nhất trên thế giới con số những người nghèo đã gia tăng.”
Ông Nwanze kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Phi ngay bây giờ chú trọng vào phát triển và giành ưu tiên cho người dân nông thôn.
Ông Nwanze nói: “Lương thực không được trồng tại các thành thị. Lương thực được trồng tại các vùng nông thôn. Nếu không đầu tư vào giới trẻ, đặc biệt tại khu vực nông thôn - nếu không làm cho nông nghiệp hấp dẫn đối với họ - tạo công ăn việc làm - đem lại của cải cho họ - cảm giác về phẩm giá - thì việc gì sẽ xảy ra? Họ sẽ tiếp tục di chuyển từ nông thôn ra thành thị. Và cuối cùng chúng ta sẽ gặp phải điều chúng ta gọi là khu vực thành thị phồng lên.”
Ông nói việc này sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người trẻ thất vọng, sống trong các khu ổ chuột và dễ phạm tội.
Ông Nwanze cho biết: “Khi chúng ta nói đến nghèo túng, khi chúng ta nói đến bất bình đẳng tại châu Phi, thì căn bản là bất bình đẳng giữa nông thôn và thành thị,”
Cách đây hơn 10 năm, các nhà lãnh đạo châu Phi cam kết thi hành Tuyên ngôn Maputo. Tuyên ngôn này đòi hỏi ít nhất 10% ngân sách quốc gia dành cho nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chủ tịch Quỹ Quốc tế Phát triển Nông nghiệp nói chỉ có 7 quốc gia hoàn tất cam kết này.
Ông Nwanze nói những đầu tư như thế thiết yếu cho một lục địa nơi “20 nước được xếp hạng là mong manh và 28 nước cần cứu trợ lương thực.”
Ông đưa ra ba đề nghị cho các nhà lãnh đạo hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Phi: Ưu tiên đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn, bao gồm hạ tầng cơ sở, năng lượng và đường xá, thứ hai là đầu tư vào giáo dục, đặc biệt giáo dục phụ nữ, và thứ ba là cung cấp những dịch vụ xã hội.