Cựu lãnh đạo phe đối lập Campuchia vừa đệ trình một vụ kiện pháp lý ở California, Mỹ, để buộc Facebook phải tiết lộ thông tin về tài khoản mạng xã hội của Thủ tướng Hun Sen, Reuters dẫn lời nhóm chuyên gia pháp lý của ông Sam Rainsy cho biết hôm 9/2.
Ông nói rằng Thủ tướng Hun Sen đã sử dụng Facebook để lan truyền tin giả và những lời đe dọa giết người đối với các đối thủ chính trị.
Cựu lãnh đạo đối lập Campuchia cáo buộc rằng ngoài việc trả tiền quảng cáo để mua “likes” trên các trang của mình, ông Hun Sen còn sử dụng cái gọi là “nông trại nhấp chuột” để có được hàng triệu “likes” giả.
Các luật sư của ông Sam Rainsy cho biết rằng ông muốn có các thông tin trên để hỗ trợ cho các vụ kiện pháp lý của ông ở Campuchia.
Ông Sam Rainsy đã trốn khỏi Campuchia vào năm 2015 để thoát khỏi việc bị kết án về tội phỉ báng, điều mà ông nói là có động cơ chính trị.
Thủ tướng Hun Sen được ủng hộ mạnh mẽ trên mạng xã hội Facebook. Hiện có hơn 5,5 triệu “like” (thích) các trang liên quan đến ông, trong đó có 1,8 triệu người ở Campuchia.
Trong khi đó, ông Sam Rainsy có 2,2 triệu người “like” với 1,7 triệu người tại Campuchia.
Phát ngôn viên chính phủ Campuchia, Phay Siphan, nói vụ kiện “không ích lợi gì”.
Thủ tướng Hun Sen, 65 tuổi, bị các quốc gia phương Tây chỉ trích vì lệnh cấm đảng đối lập chính và bắt giữ các lãnh đạo của đảng này khi còn chưa đầy 1 năm là tới cuộc tổng tuyển cử vào ngày 29/7.
Tại Paris, ông Sam Rainsy đang tìm kiếm các thông tin quan trọng từ Facebook về việc Thủ tướng Hun Sen đã lạm dụng mạng xã hội để “đánh lừa cử tri” Campuchia và thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền.
Hiện Facebook chưa bình luận gì về vụ kiện.
Các luật sư của Sam Rainsy cho biết đơn kiện đã được nộp lên Tòa Sơ Thẩm Liên bang khu vực Bắc California, Hoa Kỳ.
Facebook hiện có tới hơn 2 tỷ người dùng trên toàn cầu. Mạng xã hội lớn nhất thế giới này nói tại Campuchia, họ có tiềm năng đạt được 6,6 triệu người trong đất nước có dân số gần 16 triệu dân này.
Vụ kiện chính trị tại Campuchia một lần nữa cho thấy những thách thức toàn cầu đang ngày càng gia tăng đối với Facebook về vai trò của mạng xã hội này trong các cuộc đua tranh chính trị.
Trước đó, Facebook từng bị cáo buộc là công cụ được sử dụng để can thiệp vào các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ, Anh và các nước khác.
Tại Campuchia, Facebook đã trở thành một công cụ quan trọng hơn bao giờ hết đối với các tin tức chính trị, nhất là khi một số cơ quan truyền thông lớn đã bị ông Hun Sen buộc phải đóng cửa.