Người da đỏ (Red Indian) sinh sống ở vùng Tây Bắc thường nghĩ trời đất là của chung nhân loại, ai cũng có quyền được hưởng, không phân biệt sắc dân, không ai được chiếm hữu làm của riêng mình. Đất trời là của chung nên không ai mua và không ai bán được.
How can you buy or sell the sky, the warmth of the land? ( lời trong Bản Tuyên Ngôn của Tộc Trưởng Da Đỏ ở Seattle-1854)
Cái tinh thần này quá lý tưởng nên ít ai trên trái đất muốn theo. Tranh chấp nhỏ bé thì một mảnh đất bên hàng rào giữa hai nhà cũng thành thù hận, có khi đi đến chỗ hại nhau. To tát hơn là biên cương, lãnh thổ quốc gia, không phận, hải phận, cần được phân biệt rõ ràng. Nhân loại chiến tranh cũng vì một tấc đất, một nhánh sông, một đám mây trên trời.
Bỏ quê quán đến định cư trên một phần đất của người khác, tôi luôn luôn nghĩ mình là người ở trọ, cho dù mình là chủ căn nhà mình. Tôi có thói quen khi dọn vào bất cứ ngôi nhà mới nào, dù thuê hay mua, tôi cũng mời linh mục đến làm phép nhà và xin lời cầu nguyện cho những người đã sống trước tôi, những người sẽ đến sống sau tôi trong ngôi nhà đó. Nhất Điền Thiên Vạn Chủ, đó là câu nói của người xưa, tôi nhớ được.
Khi chúng tôi dọn vào căn nhà mới này (thực ra nhà đã 35 tuổi) ông hàng xóm người Mỹ của tôi rất đặc biệt. Từ khi chúng tôi thành hàng xóm của ông, lúc nào ông cũng nhìn ra những điều sai lầm của chúng tôi.
Trước tiên có lẽ chúng tôi là người Á Đông dọn vào trong một khu toàn người da trắng.
Rồi chúng tôi lại gọi một nhóm thợ Á Đông đến sơn nhà, thay cửa, gây tiếng động cho một khu xóm vốn yên lặng. Ông rất khó chịu và thường xuyên để ý xem chúng tôi có vi phạm điều gì để ông có cơ hội khiển trách và chứng tỏ “Tinh Thần Người Bản Xứ” của mình. Mặc dù chồng tôi cũng là người bản xứ, nhưng anh sáng đi,chiều về, nên ông lúc nào cũng chỉ nhìn thấy người da vàng trong gia đình hàng xóm mới này.
Bốn ngôi nhà cùng chung một lối lái xe ở giữa. Nhà tôi và nhà ông ở phía trên dốc. Nếu nhìn từ đường chính bên ngoài vào, nhà tôi bên tay mặt, nhà ông bên tay trái, Khúc quanh xe từ nhà để xe của chúng tôi không được rộng lắm. Khi bạn chúng tôi đến chơi, lúc về, vô ý quay xe, để cái đuôi xe của mình qua phần đất của ông, lập tức ông bắt gặp ngay (như thể lúc nào ông cũng đứng sau một cánh cửa sổ, nhìn những chiếc xe ra vào của chúng tôi.) và chạy sang khiển trách. Hàng bách diệp giữa hai nhà trước đây chỉ dài đến ngang nhà để xe, chúng tôi tới, ông trồng thêm cho dài gấp hai, để tránh đuôi xe bên này chạm qua phần đất bên đó.
Một buổi tối mùa đông, hai người bạn lớn tuổi của tôi đến chơi, khi về, họ vô ý đụng phải hàng bách diệp trồng giữa hai nhà, ngã xuống một cây. Lập tức, tôi nghe tiếng gõ cửa, và cả hai ông bà hàng xóm sang bắt thường. Tôi quá đỗi ngạc nhiên, vì mưa, lạnh, và tối trời như thế, sao họ thấy ngay được.Tôi vội vàng xin lỗi và hứa sẽ trồng lại cây khác ngay sáng mai.
Nhưng tôi không kịp trồng cây khác, vì cây bách diệp đó chỉ gẫy có một cành nhỏ và vẫn sống. Ông hàng xóm của tôi đã gọi người đem máy móc đến khoan đường, trồng ba cây cột bằng xi măng to, trông rất thô, xấu, và dĩ nhiên trồng phía bên này hàng bách diệp, nghĩa là về phía bên nhà tôi. Nếu chúng tôi quay xe không cẩn thận, móp xe, ráng chịu.
Tôi thấy ông này xai, vì nếu ông là người trồng ba cây cột đó thì phần cột nhìn thấy, không được thẩm mỹ lắm, bắt buộc phải về phía bên nhà ông. Tôi không vui, nhưng vẫn không nói gì, nghĩ: Mình bỏ cả quê quán sang đây cư ngụ trên đất người ta, thôi nhịn đi một chút cũng chẳng sao.
Chắc ông cũng nghĩ, nghĩ khác tôi: Đây là quê quán ông, tôi ở đâu đến mà dám ở cạnh ông, nên ông tiếp tục khó chịu.
Mùa hè kế tiếp, đến phiên ông sửa nhà, ông đào một cái Basement mới; xe cần trục đến moi đất, bụi bay tán loạn sang nhà tôi, tiếng động nhức tai, thợ ra vào tấp nập. Tôi không hề than một tiếng, vì nghĩ năm ngoái mình cũng đã gây những tiếng động như thế này. Đào hẳn một gian hầm không phải là một việc dễ và xong ngay được, nên công việc kéo ra gần hết mùa hè.Thỉnh thoảng chạm mặt ông hay bà tôi chỉ hỏi thăm công việc tiến hành có tốt đẹp không, và bao giờ xong.
Trong khi bận đào nhà hầm đó, không có thời giờ canh chừng Driveway, hai ông bà có vẻ thân thiện hơn chút đỉnh. Cho đến khi, tôi muốn làm một cái hàng rào gỗ để che kín lối đi bên hông nhà. Khi thợ đến đào hố để trồng cột, ông chạy ra ngay, không cho họ trồng cột gần hàng bách diệp, người thợ vào gọi tôi ra.
Ông thấy tôi, mặt nghiêm lại, sẵn sàng một cuộc gây hấn. Tôi thản nhiên cười hỏi:
- Bây giờ ông muốn chúng tôi lùi vào bao nhiêu?
Ông hơi ngỡ ngàng một chút, vì thấy tôi nhượng bộ ngay trước khi lâm trận. Ông nhìn tới nhìn lui, lấy một khúc cây, cắm xuống chỗ đất ông muốn.
Người thợ nhìn tôi nói:
- Cô ơi, đừng để họ ăn hiếp mình, tại sao lại xa thế.
Tôi bảo, không sao, một hai bước đất không đáng gì, cô không muốn mất lòng hàng xóm. Cháu cứ đặt cọc ở đó cho cô.
Tôi quay sang ông nói:
- Không sao, tôi chỉ muốn có cái cổng, nhưng thật ra khoảng cách giữa hai nhà xa thế này thì cái cổng cũng không che kín được bao nhiêu, tượng trưng thôi.
Rồi tôi bắt sang chuyện khác, hỏi ông ở đây bao nhiêu năm rồi, có quen biết hàng xóm chung quanh đây nhiều không?
Ông trả lời miễn cưỡng:
- Hơn hai mươi năm rồi, có quen mặt một vài người, nhưng chưa vào nhà ai chơi bao giờ cả.
Tôi cười, nói:
- Lạ nhỉ, ở xứ tôi hàng xóm có khi còn thân hơn anh em. Vì anh em mình ở xa, hàng xóm ở gần. Có chuyện gì xẩy ra, hàng xóm sang giúp mình trước khi anh em đến. Cần cái gì chút đỉnh như quả trứng, muỗng đường, chưa kịp ra chợ, cũng chạy sang nhà nhau hỏi. Nhất là những khi bệnh, thế nào cũng cần đến nhau.
Ông lạnh lùng nói:
- Bệnh thì đi bác sĩ, bệnh nặng thì vào bệnh viện chứ sao lại gọi hàng xóm.
- Ông nói đúng, nhưng ở Việt Nam chúng tôi, hàng xóm hay chạy sang nhau, giúp nhau những chuyện nhỏ, như trông con thơ hay trông cha mẹ già hộ nửa tiếng, một giờ, để người đó chạy đi làm một việc gì đó, đôi khi có người không có tiền gửi con còn nhờ hàng xóm trông hộ nguyên ngày, nên ít ai bị bỏ quên trong một căn nhà đến cả tuần. Tôi thỉnh thoảng đọc báo thấy sao ở Mỹ nhiều người già chết cả mấy ngày không ai biết, tội quá!
Rồi tôi nhìn vào mắt ông nói:
-Nếu tôi chết, tôi muốn được ông bà đi đám tang tôi. Ở bên cạnh nhau mà người này chết, người kia không biết, thì nhẫn tâm quá!
Ông ngạc nhiên đến há cả miệng ra, ông không ngờ tôi lại nói một câu chuyện ngoài dự đoán của ông. Ông sang để bắt tôi phải đóng cái cột hàng rào xa nhà ông, mà tôi lại bắt ông đưa đám tang tôi, (nếu tôi chết,) làm ông hoảng vía. Ông đứng như trời trồng bên cạnh mấy cây cột xi măng của ông, không nói được thêm câu nào.
Tôi lại cười cười, nói tiếp.
- Nếu đêm hôm, ông bà có chuyện gì cứ nhấc phôn gọi chúng tôi, đừng gọi cứu cấp vội, tốn tiền. Chuyện nhỏ chúng tôi lo được. Người Á Đông chúng tôi hay lấy việc của người khác làm việc của mình. Đôi khi cũng hơi đi quá xa nhưng phần nhiều là nhờ thế, mà không bị hiu quạnh ngay trong khu xóm mình.
Rồi tôi cứ lan man nói sang chuyện khác, hỏi ông sanh ở đâu? Chồng tôi sanh ở Montana, một tiểu bang có Big Sky và lòng người cũng hào sảng lắm (big heart.) Mỗi lần tôi về quê chồng, lái xe qua những bìa rừng, thỉnh thoảng thấy có một cái bàn nhỏ bầy bán mật ong, trên bàn chỉ có mật ong, một cái lon đựng tiền, một cái bảng giấy nhỏ đề “ Mật Ong/ 3 đồng” xếp ở đó. Người mua, tự lấy mật ong, tự bỏ tiền vào lon, hay tự thối lại tiền. Người bán không có mặt. Đến cuối ngày mới ra dẹp hàng và thu tiền. Thanh bình và lương thiện quá! Ai cũng ao ước được sống ở một nơi như thế. Chắc ở đó chẳng ai nghĩ đến cái đuôi xe của nhà này, chạm vào lối lái xe của nhà khác.Trời, đất, và lòng người đều rộng cả.
Tôi cứ vừa cười vừa nói, nói hồn nhiên như thói quen của những người đàn bà Á Châu là hay nói. Ông đứng nghe một lúc, rồi về, tôi thấy khuôn mặt căng thẳng đã dịu hẳn xuống.
Bây giờ ông hay gõ cửa, nói chúng tôi biết mỗi khi ông đi vắng vài hôm hay báo cho chúng tôi một cái cây gẫy trong vườn mà tôi chưa biết, hoặc sáng nay khi tôi còn ngủ có hai con nai vào vườn nhà tôi, nếu ông không đuổi thì chúng đã ăn hết những nụ hồng mới nở.
Thỉnh thoảng nấu xôi đậu phộng, tôi có đem qua tặng ông bà một đĩa nhỏ, và nói:
- Anh em xa, láng giềng gần. Anh tôi đâu có được ăn đĩa xôi này.
Ông cũng cười:
- Bà nói đúng lắm, đĩa xôi này là phần tôi, người hàng xóm của bà.
Bây giờ thì tôi biết chắc là nếu tôi chết, ông sẽ biết tin trước nhất và ông sẽ đi đám tang của tôi.
Bầu trời trên đầu chúng ta, niềm ấm áp của đất dưới chân không thể nào mua hay bán được. Chỉ đem tặng cho nhau được thôi.[TMT]
* Blog của Nhà văn Trần Mộng Tú là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.