Mặc dù New York đang chứng kiến tốc độ gia tăng như vũ bão biến thể Omicron của COVID-19, một số người gốc Việt sống ở đây nói với VOA rằng ‘cuộc sống vẫn diễn ra bình thường’ và họ ‘không lo sợ gì nhiều vì đã chích mũi vaccine tăng cường’.
Omicron đã nhanh chóng vượt các biến thể khác và hiện là biến thể virus corona chiếm ưu thế ở Mỹ, chiếm 73% số ca nhiễm mới vào tuần trước, hãng tin AP dẫn nguồn từ các quan chức y tế liên bang cho biết hôm 20/12. Riêng ở New York, biến thể này chiếm khoảng 90% các ca nhiễm mới.
Ngày 19/12 đánh dấu thêm một kỷ lục về số ca nhiễm COVID-19 trong một ngày ở tiểu bang New York. Trong số 267.422 xét nghiệm, có 22.478 mẫu – tương đương 8,4% - có kết quả dương tính, CBS cho biết.
“Đây là tình huống khẩn cấp và chúng ta cần hành động khẩn cấp. Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng rất đáng kể số lượng các ca nhiễm theo cách mà chúng ta chưa từng thấy trước đây,” Thị trưởng New York sắp mãn nhiệm, ông Bill de Blasio, được CBS dẫn lời nói.
“Chúng tôi nghĩ rằng trong những tuần tới sẽ có sự gia tăng rất, rất lớn về số lượng các ca nhiễm. Nhiều hơn chúng ta thấy trước đây. Và chúng tôi hy vọng sau một thời gian, nó sẽ tiêu tan,” ông de Blasio nói thêm và cho biết ‘vài tuần tới sẽ trở nên cực kỳ khó khăn đối với thành phố’.
‘Cuộc sống bình thường’
Từ Quận Bronx, bà Nguyên Vân, 76 tuổi, đã nghỉ hưu, nói với VOA, bà ‘hơi sợ’ khi nghe tin tức về tình hình dịch do biến chủng Omicron ở thành phố. Do bà cũng lớn tuổi và có bệnh nền là ung thư nên ‘bà không dám ra ngoài nhiều mà chỉ đi chợ mua nhu yếu phẩm’.
Hiện giờ, một người cháu nội của bà đang học trung học đã phải nghỉ học tập trung ở trường kể từ ngày 20/12 vì trường ‘có mấy chục ca nhiễm’.
“Nhưng trong gia đình ai cũng đã chích đủ ba mũi hết rồi nên cũng không ngại lắm,” bà Vân nói. “Con rể tôi lái xe taxi ở Manhattan vẫn chạy bình thường không sợ gì hết.”
Theo lời bà thì gia đình bà cuối tuần nào cũng họp mặt con cháu đầy đủ và nếu con cháu bà muốn đến Quảng trường Thời đại tham dự màn đếm ngược chào đón năm mới thì bà ‘cũng không cản’.
Bà cho biết mới đây cả đại gia đình bà còn đi nhà hàng ăn buffet ở Quận Queens để mừng sinh nhật đứa cháu nội. “Người ta vào ăn rất là đông, chỉ có trước khi vào họ bắt phải đeo khẩu trang và đo nhiệt độ,” bà nói.
“Thấy xung quanh họ đi shopping cũng nhiều. Bây giờ cuộc sống cũng bình thường rồi nên không sợ nữa,” bà mô tả cuộc sống ở New York vào lúc biến thể Omicron đang hoành hành.
Ngoài đi chợ, bà Vân còn thường đi chùa và theo lời bà ‘có khoảng 40-50 người ngồi trong chánh điện đeo khẩu trang’.
Khi được hỏi lý do tại sao biến thể Omicron không làm cho bà lo sợ nhiều, bà giải thích: “Bây giờ mình tin tưởng vào thuốc ngừa. Ông Anthony Fauci (chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ) cũng đã nói là nếu chích ngừa đủ ba mũi thì đỡ nguy hiểm.”
“Lần bùng dịch trước chưa có thuốc ngừa, New York chết nhiều lắm nên tôi sợ lắm,” bà nói thêm và cho biết mặc dù có người chích đủ ba mũi vẫn nhiễm nhưng bà tin ‘nếu đã chích thì sẽ không nặng lắm’.
So sánh với đợt bùng phát dịch hồi năm ngoái vốn khiến New York lao đao trong thời gian dài, bà Nguyên Vân nói: “Khác nhiều lắm. Năm ngoái ghê lắm. Ngoài đường vắng vẻ. Ít người ra đường. Bây giờ thấy họ vẫn bình thường chứ không sợ. Mặc dù dịch cao vậy mà thấy người ta vẫn tấp nập.”
‘Chai rồi’
Ông Diệu Lê, 61 tuổi, cựu chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia New York, giải thích với VOA thái độ bình thản của người dân New York trước Omicron như sau: “Họ cuồng chân rồi (sau thời gian dài bị các hạn chế đi lại) nên giờ họ không sợ nữa. Họ chai rồi.”
“Bây giờ họ đi còn bạo hơn,” ông nói và chỉ ra một đêm ca nhạc dạ vũ hồi cuối tuần trước trong cộng đồng người Việt không những ‘bán hết vé’ mà ‘họ ra nhảy như không có chỗ nhảy vậy’.
“Nếu có tiệc tùng gì thì mọi người vẫn đi dự bình thường, chỉ những ai cảm thấy đau ốm thì không đi thôi,” ông Diệu nói thêm.
Về phần mình, ông nói do vợ chồng ông đều đã chích mũi tăng cường nên ông ‘không sợ Omicron’, vẫn sinh hoạt và thậm chí vẫn đi tập gym bình thường. Theo lời ông thì do ông ra ngoài nhiều ‘không tránh khỏi nguy cơ có thể nhiễm bệnh’ nhưng ông chấp nhận và hy vọng ‘rằng nếu bị nhiễm thì sẽ không đến nỗi vào ICU’.
Chỉ có điều ông ít ghé thăm bố mẹ ông vốn đã hơn 90 tuổi và chỉ đến khi thật cần thiết để tránh nguy cơ lây bệnh, cũng theo lời ông.
“Lần trước là lần đầu tiên mình đối diện với nó và chưa biết nhiều về nó nên mặc dù tôi theo dõi rất kỹ nhưng tôi cũng sợ nhiều,” ông kể về đợt bùng dịch trước ở New York.
Về những kỳ nghỉ Lễ sắp tới, ông Diệu Lê nói ông có thể tổ chức họp mặt trong gia đình và với bạn bè nhưng ông không ủng hộ việc tổ chức Tết Nhâm Dần cho cộng đồng như mọi năm.
“Vì cộng đồng ăn Tết cổ truyền chủ yếu người lớn tuổi sẽ đến. Nếu họ mà xảy ra chuyện gì thì mình sẽ ân hận suốt đời,” ông giãi bày nhưng cho biết ‘sẽ họp lấy ý kiến mọi người về việc này’.
Ông cho biết có một số bạn bè ông cũng lớn tuổi, sống ở New York và đã từng chứng kiến dịch nghiêm trọng thế nào nhưng ‘vẫn không chịu chích ngừa’. “Họ hay nói với nhau rằng mình vượt biên còn không chết thì sợ gì cái con COVID đó,” ông kể.
Nhưng sau việc ông Nguyễn Văn Tánh, cũng là một cư dân New York và là chủ tịch cộng đồng người Việt Quốc gia Hoa Kỳ, qua đời vì COVID hồi tháng 3 năm nay, ông Diệu Lê nói ông có khuyên nhiều bạn bè đi chích ngừa.
“Tôi có nói thế này thế kia nhưng mỗi người có một niềm tin nên không thuyết phục được,” ông cho biết.
Thị trưởng đắc cử Eric Adams đã được hỏi trên CNN rằng liệu ông có ra lệnh bắt buộc chích ngừa sau khi nhậm chức vào ngày 1/1 năm sau hay không. “Tôi tin rằng chúng ta có thể đến chỗ đó,” ông Adams trả lời.
Các quan chức y tế cho biết thành phố cũng đang tăng cường chiến dịch tiêm chủng, thông qua chiến dịch truyền thông tốn 10 triệu đô la. Mục tiêu của chiến dịch là để nhắc mọi người rằng mũi tiêm tăng cường vẫn là biện pháp phòng ngừa tốt nhất trước COVID
“Tất cả chúng ta đều hẹn hò với Omicron,” Tiến sĩ Amesh Adalja, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nói với AP. “Nếu bạn giao lưu với xã hội, nếu bạn có sinh hoạt nào, bạn sẽ phải đối mặt Omicron, và cách tốt nhất để đối mặt nó là chích ngừa đầy đủ.”
Số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho thấy tỷ lệ Omicron trong các nhiễm mới tăng gần sáu lần chỉ trong một tuần.