Một báo cáo mới cho thấy sự tiếp cận giáo dục đang tăng lên trên toàn thế giới, nhưng sự gia tăng giáo dục đại học đang làm tăng thêm cách biệt về kinh tế xã hội ở nhiều nước. Nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế có trụ sở tại Paris và cũng cho thấy một số nước mới nổi có những bước tiến đáng ngạc nhiên. Thông tín viên Lisa Bryant tường trình từ thủ đô nước Pháp.
Dù cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động nặng nề tới nhiều quốc gia, song nó không làm chậm lại sự tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, theo báo cáo "Education at a Glance" mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chất lượng và số lượng giáo dục đang nới rộng khoảng cách giữa những người có và không có tiền của.
Chẳng hạn, những người có trình độ học vấn thấp bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi tỉ lệ thất nghiệp tăng cao và có xu hướng kiếm được ít tiền hơn nhiều so với những người có bằng cấp cao hơn.
Khắp 34 nền kinh tế tiên tiến thuộc OECD, tỉ lệ thất nghiệp đối với những người có trình độ đại học là khoảng 5 phần trăm, nhưng con số này vọt lên gần 20 phần trăm đối với những người trong độ tuổi 25-34 không có trình độ đại học.
Ông Andreas Schleicher, Giám đốc phụ trách Giáo dục và Kỹ năng của OECD, cho biết cũng có thể nhận thấy xu hướng này ở các nước mới nổi.
"Thật ra đó là một trong những phát hiện đáng ngạc nhiên nhất. Có thể thấy ở Brazil, ở Đông Nam Á. Đối với những nước mà chúng tôi có dữ liệu, đây là xu hướng khá phổ biến. Và cuộc khủng hoảng tài chính hồi gần đây đã khuếch đại xu hướng này. Ngày nay giáo dục tạo nên nhiều khác biệt hơn về cơ hội trong cuộc sống so với trước đây."
Tuy nhiên, nghiên cứu mới cũng cho thấy rằng giáo dục đang san bằng cách biệt giữa một số nước giàu và nước mới nổi. Ông Schleicher cho biết những nước như Trung Quốc, Việt Nam và Brazil đang dành ưu tiên cho giáo dục. Các nước này đầu tư nguồn lực khan hiếm vào nơi nó đóng vai trò quan trọng nhất, ví dụ như đầu tư vào giáo viên và hiệu trưởng giỏi. Họ muốn đảm bảo rằng tất cả trẻ em nước họ được hưởng một nền giáo dục đủ tốt. Ông nhận xét:
"Điều thực sự thú vị là khi bạn nhìn vào dữ liệu này, thế giới không còn phân chia giữa những nước giàu, trình độ học vấn cao và những nước nghèo, trình độ học vấn thấp nữa. Một số nước thu nhập trung bình này chứng kiến tiến bộ hết sức to lớn."
Báo cáo cho thấy tỉ lệ giáo dục đang mở rộng ở nhiều nền kinh tế mới nổi nhanh hơn so với những nền kinh tế giàu có hơn. Nghiên cứu mới cho thấy cái nhìn tổng quan về những hệ thống giáo dục của những quốc gia thành viên OECD cũng như gần một chục nước phi thành viên, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Colombia, Brazil và Nga.