TT Obama: Không thể chối bỏ hiện tượng khí hậu biến đổi

Tổng thống Barack Obama thăm Công viên Quốc gia Everglades ở Florida, ngày 22/4/2015.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng biến đổi khí hậu - mà ông gọi là mối đe dọa lớn nhất đối với hành tinh - không còn có thể bị chối bỏ. Ông nhấn mạnh vấn đề này trong một chuyến đi thăm Công viên Quốc gia Everglades ở bang Florida miền nam nước Mỹ vào Ngày Trái Đất hôm thứ Tư. Thông tín viên đài VOA Aru Pande tường trình.

Là nơi sinh sống của cá sấu, diệc và hàng trăm loài động vật và thực vật khác, Công viên Quốc gia Everglades ở Florida đã nghênh đón Tổng Thống Hoa Kỳ hôm thứ Tư.

Tổng thống Obama tới khu thiên nhiên có diện tích 6.000 km vuông, mang theo một thông điệp gửi tới người dân Mỹ rằng hiện tượng thay đổi khí hậu không còn có thể bị chối bỏ. Ông Obama phát biểu:

"Năm 2014 là năm nóng nhất trên hành tinh được ghi nhận. Trong 15 năm nóng nhất trong lịch sử, thì có tới 14 năm rơi vào thời kỳ 15 năm đầu của thế kỷ này."

Chuyến đi của nhà lãnh đạo Mỹ tới khu sinh thái nhạy cảm Everglades nhân Ngày Trái Đất có mục tiêu là thuyết phục người Mỹ nghĩ tới tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường, sức khỏe con người, cuộc sống của họ và các nền kinh tế địa phương. Tổng Thống Obama nói:

"Khi mực nước biển dâng cao, nước mặn từ biển chảy vào bên trong. Điều này tác hại tới các loài động vật hoang dã sinh sống ở môi trường nước ngọt, đe dọa đến hệ sinh thái mong manh. Nước mặn thấm vào các nguồn nước ngầm đang đe dọa các nguồn cung ứng nước uống của hơn 7 triệu cư dân Florida."

Nhà lãnh đạo Mỹ đã có kế hoạch chi tiết để cắt giảm lượng khí thải carbon tới gần một phần ba trước năm 2025. Trung Quốc đã để ra mục tiêu là lượng khí thải đang tăng của nước này sẽ không tăng thêm nữa trước năm 2030, hoặc có lẽ trước đó. Hoa Kỳ và Trung Quốc là 2 nước gây ô nhiễm nhiều nhất trên thế giới.

Tại Washington, nơi ông đang phải đối mặt với một Quốc hội do đảng Cộng hòa chiếm đa số, và đang chống đối các kế hoạch của ông, Tổng thống Obama hôm thứ tư đã phản công giới chỉ trích ông, những người cho rằng các biện pháp chống biến đổi khí hậu làm tổn thương nền kinh tế Mỹ.

"Đây không phải là một vấn đề không thể giải quyết. Chúng ta có thể giải quyết vấn đề này, nếu chúng ta có một ý chí chính trị, chúng ta có thể giải quyết vấn đề theo một cách thức có thể tạo thêm công ăn việc làm. Chúng ta có thể giải quyết vấn đề này theo một cách thức không làm gián đoạn nền kinh tế của chúng ta, mà thay vào đó củng cố hơn nữa nền kinh tế của chúng ta."

Ông Sam Adams, cựu thị trưởng thành phố Portland, bang Oregon, giờ là Giám đốc Sáng kiến về Khí hậu tại Viện Tài nguyên Thế giới trụ sở đặt tại Washington, nói biến đổi khí hậu không phải là một vấn đề chính trị.

"Bất kể mọi người tin mực nước biển đang dâng cao là vì những nguyên nhân nào, hoặc lý do vì sao xảy ra nạn hạn hán hay có ít tuyết hơn ở dãy núi Rockies và ở khu vực Tây-Bắc Thái Bình Dương, bất kể điều mà mọi người cho là nguyên do khiến những hiện tượng ấy xảy ra là gì đi nữa, tôi nghĩ rằng các thành viên của đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa, thành phần bảo thủ và thành phần cấp tiến nên ngồi lại với nhau để giải quyết những vấn đề này. "

Ông Adams nói bất chấp những lời qua tiếng lại ở Washington, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy mức độ quan tâm của công chúng Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu đang lên tới điểm cao nhất từ trước tới nay, và sự ủng hộ dành cho những hành động nhằm giảm thiểu tác động của Biến đổi Khí hậu vượt qua mọi sự chia rẽ về chính trị.