Tại trường công lập Besuki ở Jakarta, em Chavielda Najma 8 tuổi và các bạn cùng lớp đang dượt lại một màn múa mà các em mong sẽ được trình diễn cho cựu học sinh nổi tiếng nhất của trường này.
Em Najma nói em rất thích Tổng thống Obama bởi vì ông rất giỏi về môn khoa học xã hội.
Cũng như nhiều người Indonesia, em cảm thấy có một liên hệ cá nhân với Tổng thống Hoa Kỳ bởi vì ông đã trải qua những năm thời thơ ấu ở Jakarta và theo học trường này. Thậm chí có cả một bức tượng của ông ở cổng trường. Bức tượng này thoạt tiên được dựng lên ở một công viên gần trường, nhưng sau đó được dời đi vì nhiều người than phiền rằng chỗ công viên phải được dành để vinh danh một anh hùng Indonesia.
Tuy nhiên, phân tích gia chính trị Wimaar Witoelar nói rằng Tổng thống Obama rất được ưa chuộng ở Indonesia bởi vì nhiều người tin rằng tổng thống thông cảm với văn hóa và các giá trị của Indonesia.
Ông Witoelar nói: “Chúng ta có một khối dân chủ yếu theo Hồi giáo và chúng ta muốn tự cho là chúng ta đang đi theo một con đường đa nguyên và ông ấy sẵn sàng chấp nhận và thông cảm với điều đó. Chúng ta không cần phải giải thích rằng chúng ta là người Hồi giáo nhưng không phải là các phần tử khủng bố. Ông ấy hiểu chính xác khái niệm đó.”
Một số thân hữu và các ủng hộ viên của ông Obama, tỷ như người thầy giáo cũ của ông đã về hưu là bà Effendi, hy vọng rằng tình cảm hỗ tương này sẽ biến thành các quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai nước.
Người thầy giáo cũ này cho biết ông sẽ nói với Tổng thống Hoa Kỳ chớ nên quên Indonesia và làm cho bang giao với Hoa Kỳ ngày càng tốt đẹp hơn.
Sau khi Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono tái đắc cử một cuộc bầu cử ôn hòa hồi tháng 6 năm ngoái, Indonesia được nhiều người coi như một cường quốc đang lên ở Đông nam châu Á, với một nền dân chủ đa nguyên đang nẩy nở và một nền kinh tế ổn định. Tuy đã đạt được những tiến bộ lớn nhằm giảm thiểu mối đe dọa từ phía các phần tử cực đoan Hồi giáo, Indonesia đã hứng chịu một vụ tấn công khủng bố hồi năm ngoái khiến 7 người thiệt mạng.
Một số tổ chức Hồi giáo Indonesia đang dự định biểu tình phản đối chuyến thăm của Tổng thống Obama vì cho rằng các chính sách của ông đối với thế giới Hồi giao không khác gì chính sách của những người tiền nhiệm. Nhưng giới hữu trách nói rằng các cuộc biểu tình đó sẽ tương đối nhỏ và sẽ không gây trở ngại cho các cuộc hội kiến song phương.
Hai nhà lãnh đạo dự trù sẽ thảo luận một số vấn đề, trong đó có khả năng Hoa Kỳ sẽ chi tiên để Indonesia ngưng phá rừng, một hành động mà các chuyên gia cho là góp phần vào tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.
Lực lượng đặc biệt Indonesia đã thực hiện các cuộc diễn tập để đáp lại mọi đe dọa khủng bố trong chuyến thăm này. Mặc dù có những lo ngại về thành tích nhân quyền trước đây của quân đội Indonesia, có nhiều phần chắc Hoa Kỳ sẽ tiếp tục công tác huấn luyện cho lực lượng đặc biệt của Indonesia.
Nhưng ông Dino Patti Djalal, cố vấn về quốc tế sự vụ của Tổng thống Yudhoyno nói rằng thành quả thực sự của chuyến thăm có nhiều phần chắc nhất sẽ là tái lập một bầu không khí tôn trọng lẫn nhau về mặt ngoại giao.
Ông Djalal nói: “Chúng ta phải bớt nhạy cảm với mọi điều được tuyên bố tại Washington. Cũng như Washington cần phải bớt nhạy cảm hơn về mọi điều mà các chính trị gia tuyên bố ở Indonesia. Ta biết rằng đó là một phần của nền dân chủ và phần lớn chỉ là tin đồn mà thôi.”
Mặc dầu chuyến trở về thăm quê cũ của Tổng thống Obama sẽ ngắn ngủi, cả hai bên đều muốn nhân dịp này củng cố khái niệm rằng Indonesia có một người bạn trong Tòa Bạch Ốc.
Chuyến thăm Indonesia và Australia của Tổng thống Barack Obama đã được hoãn lại vài ngày. Nhưng chuyến đi này vẫn đang gây hào hứng, nhất là tại Indonesia. Nhiều người Indonesia coi Tổng thống Hoa Kỳ như một người con bản xứ vì thân mẫu của ông kết hôn với một người Indonesia và bởi vì chính ông đã sinh sống ở Jakarta lúc thiếu thời. Các giới chức Indonesia và những người ủng hộ ông hy vọng chuyến công du sắp tới của ông Obama sẽ chuyển sự ngưỡng mộ cá nhân ông thành các quan hệ ngoại giao tốt đẹp hơn. Thông tín viên VOA Brian Padden ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.