TT Obama bị chỉ trích kịch liệt trong nước vì vụ khủng hoảng Ukraine

Tại cuộc họp báo với Thủ tướng Ðức Angela Merkel, Tổng thống Obama tỏ ý hy vọng đường lối ngoại giao sẽ giúp không cần phải áp đặt thêm các biện pháp chế tài đối với Nga.

Vào lúc tình hình Ukraine rối loạn và căng thẳng hơn, phản ứng của nước Mỹ trước cuộc khủng hoảng đang trở nên một đề tài ngày càng gây tranh cãi nhiều hơn tại thủ đô Washington. Thông tín viên VOA Michael Bowman ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Các vụ xung đột đẫm máu ở Odessa cho thấy một thực tế đen tối: mỗi ngày trôi qua, Ukraine lại tiến gần hơn đến cuộc nội chiến giữa chính phủ thân Tây phương ở Kyiv và dân quân thân Nga được Moscow hậu thuẫn.

Một vòng chế tài mới của Hoa Kỳ nhắm vào tay chân thân cận của Tổng thống Vladimir Putin không làm thay đổi thái độ hiếu chiến của Moscow đối với Ukraine, đó là một sự kiện mà giới chỉ trích Tổng thống Barack Obama ở Washington nêu lên.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio nói: “Tổng thống Obama nói cứng về Vladimir Putin. Nhưng các hành động của ông chưa tiến xa đủ để thay đổi sự tính toán của ông Putin rằng lợi ích của việc ông ta xâm lăng Ukraine lớn hơn nhiều so với các thiệt hại.”

Tuần trước, phe Cộng hòa tại Thượng viện đã đề xuất một dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các ngân hàng và các khu vực kinh tế chủ chốt của Nga. Ông Rubio nói tiếp:

“Phúc lợi kinh tế của chúng ta lệ thuộc nặng vào an ninh quốc gia của chúng ta. Vấn đề là Tổng thống Obama dường như không hiểu điều này. Thay vì định hình các diễn biến thế giới, thì ông thường chỉ phản ứng trước các diễn biến đó.”

Tổng thống Obama không loại trừ các yếu tố trong đề nghị của phe Cộng hoà.

“Nếu Nga tiếp tục đường lối hiện nay, chúng ta sẵn có một loạt công cụ để sử dụng, kể cả các biện pháp chế tài nhắm vào một số khu vực của nền kinh tế Nga.”

Nhưng tại một cuộc họp báo với Thủ tướng Ðức Angela Merkel, Tổng thống Obama tỏ ý hy vọng đường lối ngoại giao sẽ giúp không cần phải áp đặt thêm các biện pháp chế tài.

“Hy vọng của chúng ta là chúng ta sẽ không phải sử dụng chúng. Chúng ta không muốn trừng phạt nhân dân Nga. Chúng ta vẫn nghĩ là ông Putin và giới lãnh đạo quanh ông đang có các quyết định xấu và không cần thiết, và cần phải ngăn cản ông ta theo con đường này.”

Vụ khủng hoảng ở Ukraine chỉ là một nguồn gây xung đột trong đấu trường chính sách ngoại giao giữa Tòa Bạch Ốc và giới chỉ trích. Nhiều đảng viên Cộng Hòa, và thậm chí các một số nhà lập pháp Dân Chủ, đã kêu gọi Hoa Kỳ phải có một phản ứng cứng cỏi hơn trước tình trạng đổ máu khủng khiếp ở Syria, và họ cũng tỏ ra hết sức hoài nghi về nỗ lực của chính quyền trong việc hạn chế các tham vọng hạt nhân của Iran qua đường lối ngoại giao.

Hình ảnh từ Ukraine:

Hình ảnh từ Ukraine