Lần chót một vị tổng thống Mỹ đi thăm Australia, nhiều người biểu tình phẫn nộ về cuộc chiến tranh ở Iraq đã tụ tập tại Sydney khi Tổng thống George W. Bush đến dự một hội nghị kinh tế của châu Á Thái bình dương.
Người biểu tình lại dự định đi tuần hành tại nhiều thành phố Uùc trong thời gian Tổng thống Barack Obama đến thăm Australia vào tuần tới, mặc dầu các cuộc biểu tình dự kiến sẽ nhỏ hơn nhiều.
Các chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại nói rằng chuyến thăm của ông Obama chủ yếu nhằm mục đích duy trì liên minh – hoặc là ghé thăm bằng hữu. Ông Obama sẽ phát biểu trước quốc hội liên bang Australia tại Canberra, và ông sẽ là nhà lãnh đạo thứ 6 của thế giới làm như vậy.
Washington và Canberra đã ký một hiệp ước an ninh chính thức hồi đầu thập niên 1950, trong đó phía Mỹ đồng ý bảo vệ Australia trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công.
Ông Brendon O’Connor, một phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc trường Đại học Sydney, nghĩ rằng nhiều người Uùc tin là Tổng thống Obama sẽ làm cho mối quan hệ Mỹ-Australia thêm vững mạnh.
Ông O'Connor nói: “Người Úc ủng hộ ông Obama thay vì ông McCain với một tỷ lệ cao hơn gần như mọi nước khác trên thế giới. Có một số cuộc thăm dò được thực hiện về việc này và tôi nghĩ đây là một điểm rất đáng chú ý khiến người ta có thể nêu câu hỏi tại sao lại như thế. Theo tôi, ấy là bởi vì Australia muốn có mối quan hệ về an ninh vững chắc với Hoa Kỳ và đã gắn chặt với mối quan hệ đó dưới thời tổng thống Bush, nhất là thủ tướng John Howard của chúng tôi. Nhưng Australia muốn nhìn thấy một khuôn mặt mới nơi cấp lãnh đạo Mỹ và tôi cho rằng khuôn mặt của ông Obama làm cho người Úc cảm thấy thoải mái. Họ nhận ra rằng đây là một mối quan hệ lâu đời và kéo dài.”
Trong thời gian hơn 70 năm, hai nước đã từng là các đồng minh thân cận. Hồi gần đây, Canberra đã dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho các chiến dịch quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo ở Iraq và Afghanistan, bất kể những nghi kỵ của công chúng.
Ông Tom Switzer là một nhà phân tích chính trị và là chủ biên của tạp chí bình luận Uùc The Spectator. Ông cho rằng mối bang giao nồng ấm này có thể bị thử thách trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông nói Hoa Kỳ coi Trung Quốc như một mối đe dọa có thể có nhưng Australia lại coi Trung Quốc như một đối tác kinh tế thiết yếu.
Ông Switzer nói: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc mang nhiều ý nghĩa đối với Hoa Kỳ và Australia. Đối với Hoa Kỳ, sự trỗi dậy đó có nghĩa là sự xuất hiện của một cường quốc đối địch. Nhưng đối với Australia, càng ngày nó càng mang ý nghĩa một quan hệ thương mại rất vững mạnh và quả thực đó là một trong những lý do tại sao Australia lại chống chỏi được với cơn sóng gió tài chính, ấy là nhờ sự thèm khát cực điểm của Trung Quốc đối với các nguyên liệu và tài lực của Australia, và tôi cho rằng trong những năm sắp tới, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, sẽ có thể có một chút va chạm giữa Washington và Canberra.”
Tổng thống Obama sẽ thảo luận nhiều vấn đề trong chuyến thăm Australia, kể cả các vấn đề an ninh và tình báo cũng như sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Những người hoạt động phản chiến ở Australia đang hoạch định nhiều cuộc biểu tình trong thời gian ông Obama thăm Australia. Nhưng tuy sự hiện diện của Tổng thống Bush tại hội nghị thượng đỉnh ở Sydney là một tác nhân gây phản ứng lớn của công chúng, chuyến thăm của ông Obama ít gây tranh cãi hơn.
Mặc dầu vậy, bà Pip Hinman, thuộc Liên Minh Ngưng chiến ở Sydney, nói rằng việc tổng thống không xoa dịu được cuộc xung đột ở Afghanistan góp phần gây thất vọng đối với chính quyền của ông Obama.
Bà Hinman nói: “Có một làn sóng hy vọng lớn nổi lên khi Tổng thống Obama đắc cử và tôi nghĩ quý vị có thể thấy là những hy vọng đó giờ đây đã bị dập tắt nhiều. Vì thế, không phải chỉ vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và việc ông ấy cứu nguy cho các ngân hàng, nguyên do thực sự của cuộc khủng hoảng tài chính này, những vụ tịch thu nhà đất, những công ăn việc làm bị mất – tất cả các sự kiện ấy đã dẫn đến sự thất vọng ê chề này. Một sự thực nữa là ông ấy đã tăng cường cuộc chiến ở Afghanistan.”
Trong giới dân chúng ở Australia, chuyến thăm của Tổng thống Obama khơi ra nhiều ý kiến về liên minh với Hoa Kỳ.
Người đàn ông lớn tuổi này nói rằng chính phủ Australia có khuynh hướng coi nước Mỹ như là đấng tối thượng và muốn đứng về phe họ.
Một người phụ nữ nói rằng bà phản đối cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ lãnh đạo ở Iraq.
Bà này nói rằng không ai muốn gửi người đi đánh nhau. Bà cho rằng cuộc chiến tranh ở Iraq là sai trái và nghĩ người Úc lẽ ra không nên tham chiến. Bà nói trường hợp Afghanistan thì khác. Nên tham gia ở Afghanistan, nhưng Iraq thì không.
Những người dân Úc khác nghĩ rằng liên minh Mỹ-Australia đáng được tuyên dương.
Ông này giải thích rằng vào lúc xảy ra cuộc Thế chiến thứ nhì, nếu không nhờ người Mỹ, thì Australia sẽ thuộc quyền sở hữu của người Nhật.
Tổng thống Obama sẽ đi thăm căn nhà thời thơ ấu của ông ở Indonesia trước khi đi Australia trong tháng này.
Theo dự trù, Tổng thống Obama sẽ đi thăm Australia trong tháng này sau chuyến đi Indonesia. Tại Australia, ông Obama sẽ ở giữa bạn bè và sẽ là khách mời của một chính phủ trung tả có rất nhiều điểm chung với những chính sách của tổng thống Hoa Kỳ về Afghanistan và về tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các phân tích gia về chính sách đối ngoại nói rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc có tiềm năng gây trở ngại cho liên minh Mỹ-Australia đã có từ lâu nay. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.