Trân Văn
Tuần này, quyết định của chính quyền thành phố Hội An: Từ 15/5/2023, tất cả du khách đến tham quan “khu vực phố cổ” ở Hội An phải mua “vé tham quan” (1) đã trở thành chủ đề nóng nhất cả trên mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức.
***
Không thể kể hết những phân tích thiệt - hơn từ phía công chúng đối với quyết định vừa kể. Bên cạnh những phân tích nghiêm túc, thấu đáo có không ít những giả định tưởng như đùa nhưng không thể không ngẫm, chẳng hạn Nguyễn Thuỳ Dương góp vào như vậy: Có thằng bạn nhà trong phố cổ Hội An. Nó bệnh nhờ mua dùm cháo, thuốc. Chạy tới đầu phố gặp chốt bán vé... Mất bạn! Nhà bạn ở phố cổ Hội An cúng mâm cơm cho ông bà. Mời bạn bè bà con tới dùng cơm. Chạy tới đầu phố gặp chốt bán vé... Mất bà con! Cha mẹ gả con gái tới phố cổ Hội An, nghe tin con bị bạo hành. Chạy tới đầu phố gặp chốt bán vé... chờ trình báo chú công an xong, con bị quánh ngủm… Mất con (2).
Cũng có người như Phan Thi Vang Anh tự sự: Từ hôm qua tới nay, quyết định thu phí vào phố cổ, kể cả với người chỉ đi dạo khiến H. rối tung trong lòng. H. đã hăm hở hẹn đi Hội An một tuần với sáu người bạn cũ từ nước ngoài vào tháng Bảy này. H. bảo chúng ta sẽ ở homestay bên vùng Cẩm Châu vừa nhiều cây, gần sông lại vừa gần phố cổ. Buổi sáng ai muốn vào phố cổ cà phê và làm việc cứ vào, ai đi chợ giếng trong phố để mua tôm cá về nấu ăn cứ đi. Buổi chiều mát ra Cửa Đại tắm biển, tối ai thích đi dạo phố cổ lại đi… Mỗi người một xe đạp. Mục tiêu H. đặt ra là sau một tuần mọi người phải thuộc được các trục ngang và trục dọc của phố cổ Hội An, nắm được đặc điểm buôn bán, nhà cửa của từng trục. Có thuộc mới có thân, rồi mọi người sẽ thấy Hội An như “nhà”, năm nào cũng muốn ghé về đây, có khi dẫn thêm bạn bè, vợ con... Giờ thì kế hoạch đó coi như đổ bể. Cả 6 người bạn của H. chắc chắn sẽ phải nghĩ có nên rút ra 80 ngàn MỘT LƯỢT chỉ để vào đi chợ mua rau, hoặc chỉ để ăn vài xâu thịt nướng ở quán gánh nho nhỏ bên đường. Chắc chắn sẽ không ai muốn nói dối anh bảo vệ ở chốt chặn rằng tôi đi thăm bà con để được miễn vé - nó không đáng để mình tự thấy mình xấu xí. Từ lúc đọc báo tới nay, H. không biết phải nói với bạn bè mình thế nào. Cũng có thể họ sẽ bảo, không sao, đáng gì đâu, một ngày vào phố cổ hai lần là cùng chứ gì, mỗi người thêm 160 ngàn không sao cả. Nhưng cái trò khi phải trả tiền thì sẽ săm xoi bớt vui, sẽ phải đòi hỏi cho xứng với đồng tiền bỏ ra mua vé. Cái rào cản tưởng bé mà cuối cùng lại rất to. Nó làm mất đi sự ấm cúng của phố. Nó cũng làm giảm bớt sự hấp dẫn của những nhà lưu trú ven ven, ở đó ta biết mỗi chiều sắp lên đèn là ăn cơm cho nhanh nhanh để cùng vào phố cổ. Rồi cái sự náo nức ấy sẽ bớt hẳn khi nghĩ tới cảnh phải xếp hàng mua vé, hoặc phải nói dối để được miễn vé. Các anh dân phòng sẽ lại được huy động, nhìn người theo một con mắt “tinh tường” hơn. Những ai trót nói dối mình là người địa phương sẽ ngại ngần khi ăn mặc và hành xử như du khách... Như một công dân “căn bản”, H. đăng một cái ảnh của phố cổ Hội An và bạn bè sà vào bình luận. Mỗi người đưa ra cái lý của mình, và tùy theo mức sống để thấy 80.000 là ít hay là nhiều. H. không nói ai đúng ai sai. H. chỉ nhận thấy trên đất nước này, những người phải băn khoăn khi rút 80 ngàn một lượt để vào phố đi dạo như mình là nhiều, nhiều lắm (3).
Cũng từ góc độ du khách, Hà Phan than phiền về viễn kiến: Hô hào, hội thảo rồi chém gió mãi chứ chỉ cần so với Thái là thấy mình làm du lịch kiểu “bóc ngắn, cắn dài”, thu ít lủm nhiều, không biết đến khi nào mới thôi. Họ liên kết với nhau, giá tour hay dịch vụ thật rẻ “lùa” hết vô đã rồi kiếm tiền sau, khéo léo để cách gì khách cũng phải vui vẻ xìa tiền ra. Còn mình thì mạnh tỉnh, thành nào tỉnh, thành đó nghĩ ra cách thu, vé máy bay nội địa đắt có khi gấp rưỡi – gấp đôi cùng chặng quốc tế, khách sạn chăm chăm tăng giá, sản phẩm du lịch vòng vo đâu đó vẫn vậy... rồi lại đòi tận thu thì bao giờ khá nổi? Đấy là chưa kể mấy ông kiếm giỏi lắm thêm vài chục tỉ mỗi năm để hàng quán phố cổ Hội An vắng khách, thất thu thuế, bù vô nổi không? Người ta thả con tép bắt con tôm, mình cứ chăm chăm mò tép để sổng hết tôm cá cua ghẹ... Chuyện Hội An thu phí đối với khách tham quan phố cổ đã có từ lâu, thường là với khách đi theo đoàn nhưng giờ mới chủ trương thu quyết liệt, triệt để và thu cả người đi dạo, khách lẻ nên mới bị phản ứng như vậy. Không ai đòi miễn phí mà chỉ muốn thu sao cho hợp lý, xứng với đồng tiền bỏ ra và nhất là khuyến khích thả con tép bắt con tôm chứ không phải ngược lại (4).
Tương tự, Ngo Minh Hien góp thêm: Mình đã thăm thú nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa thấy nơi nào có qui định giá cả riêng với “người nước ngoài” và “người trong nước” dù đó là Bảo tàng Lourve, Nhà hát giao hưởng San Francisco hay Chợ đêm Chiangmai... Vậy mà ở Hội An, không những có qui định này mà còn có cả sự phân biệt thêm giữa “người địa phương” và “du khách trong nước” nữa! Thật là… chán không buồn nói (5)!
Khác với số đông, Xuan Son Võ biện bạch cho quyết định thu phí tham quan “phố cổ” của chính quyền thành phố Hội An theo kiểu đổ thêm dầu vào... lửa: Nghe tin Hội An quyết định, tất cả khách du lịch muốn vô Hội An phải mua vé, tôi thấy cũng hợp lý. Cách bắt khách muốn vô phải mua vé sẽ giúp Hội An giảm được lượng khách du lịch, giảm sự chen chúc nhau. Hội An sẽ trở thành điểm đến cho những khách du lịch có đủ tiền để mua vé. Cái gì tốt thì đều phải có giá. Chứ cứ mở cửa tự do, người ta lại cho Hội An là rẻ tiền. Mở ra việc bán vé, Hội An sẽ loại ra được những khách du lịch chỉ thích miễn phí, dành chỗ cho những khách du lịch nhìn thấy giá trị của Hội An. Mà theo tôi, giá 80.000 đồng hay 120.000 đồng chưa phản ánh hết giá trị của Hội An. Cứ nâng lên 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng cho nó có giá trị. Ngoài ra, giá các dịch vụ bên trong Hội An cũng nên nâng lên khoảng mười lần. Vậy là Hội An sẽ chỉ có những du khách giàu có và sẵn sàng chi tiền. Kể từ đó Hội An nghiễm nhiên trở thành nơi du lịch lý tưởng cho giới giàu có, xứng đáng với danh tiếng của nó. Có người bảo, nếu không bán vé, Hội An thu hút được nhiều du khách tới hơn và họ sẽ tiêu xài nhiều hơn số tiền bán vé có được. Đây là luận điểm hết sức sai trái. Nếu không bán vé thì dù cho du khách tăng mua hàng bán trong phố cổ Hội An nhưng việc biến những đồng tiền đó thành tiền riêng sẽ nhiêu khê và khó khăn hơn việc bán vé rất nhiều. Không nên như vậy, vì như thế sẽ không ai nhiệt tình làm việc nữa, rồi khi ấy lấy ai làm lãnh đạo? Thế cho nên, tôi thấy, việc học tập và làm theo các trạm BOT giao thông của Hội An là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên Hội An cần phải kiên quyết thực hiện để giảm bớt lượng du khách chứ không nên ngập ngừng như Hà Nội hay TPHCM trong việc đặt trạm thu phí cho xe vào nội thành (6).
***
Sau khi xem, nghe đủ loại ý kiến về quyết định cưỡng bức mua vé tham quan “khu vực phố cổ” của chính quyền thành phố Hội An, Thiêm Võ – một người Việt sống ở bên ngoài Việt Nam – nêu thắc mắc: Người dân Việt Nam đóng thuế để làm gì khi không hề hưởng phúc lợi công cộng?.. và phỏng đoán: Cứ cái gì thu hút chút xíu thì chánh quờn rào lại bán vé! Chịu trận vậy mãi có ngày phải mua cả không khí để thở (7)!
Chú thích