Phụ huynh ở miền đông Trung Quốc đang lo lắng về việc nước ngầm và đất đai bị ô nhiễm sau khi gần 500 học sinh của một trường trung học mắc phải những chứng bệnh có thể có liên hệ với vụ ô nhiễm hoá chất tại một địa điểm gần đó. Các nhà phân tích cho rằng vụ này một lần nữa nêu bật tính chất nghiêm trọng của nạn ô nhiễm hoá chất ở Trung Quốc và những khiếm khuyết lớn của chính phủ trong việc quản lý vật liệu độc hại.
Tường thuật của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết 493 học sinh của Trường Ngoại ngữ Thường Châu ở tỉnh Giang Tô đã ngã bệnh và được chẩn đoán mắc bệnh viêm da, sưng cuống phổi và thiếu bạch huyết cầu, và một số ca bệnh ung thư máu và ung thư xương.
Các phụ huynh học sinh nghĩ rằng những chứng bệnh này phát sinh từ mức độ ô nhiễm cao trong nước ngầm và đất vì trường nằm cạnh nơi từng có 3 nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu, trong đó có nhà máy của một trong những nhà sản xuất thuốc trừ sâu lớn nhất Trung Quốc.
Tường thuật của CCTV trích lời học sinh và phụ huynh nói rằng nước uống ở đó “hơi chua” và không khí “có mùi như trứng vịt thối” sau khi các học sinh bắt đầu đến đó học vào tháng 12 năm ngoái.
Đài truyền hình nhà nước này trích dẫn một báo cáo đánh giá môi trường được công bố trước khi trường học được xây hồi năm ngoái và kết luận rằng trường học không nên xây trên “đất có chứa chất độc”.
Trước đó, các bài phóng sự cho biết dựa trên xét nghiệm mẫu nước ngầm, mức chlorobenzen, là chất dùng trong thuộc trừ sâu và có hại cho hệ thống thần kinh, gan và thận của con người, vượt tiêu chuẩn quốc gia hơn 94.000 lần.
Một bài tường thuật của hãng tin Tài Tân trích lời các cựu nhân viên nhà máy cho biết một nhà máy đã chôn chất thải độc hại trước khi dời đi vào năm 2010.
Bà Giang Trác San, một chuyên gia về hoá chất độc hại của tổ chức Hoà bình Xanh, nhận định: "Từ vụ việc ở Thường Châu này, chúng ta thấy một điều rất rõ ràng là các nhà máy đã thải trái phép một số chất thải độc hại. Đó là những chất thải hết sức độc hại".
Bà Giang nói thêm rằng bi kịch này cho thấy “sự lỏng lẻo vô cùng nguy hiểm” của chính phủ trung ương trong việc quản lý vật liệu độc hại vì công nghiệp hoá chất của nước này không được quản lý một cách thích đáng về việc sử dụng và thải chất độc.
Bà Giang cũng nói rằng điều đó gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho các chính quyền địa phương, trong đó có nhiều nơi đã tái qui hoạch những địa điểm công nghiệp mà không biết được bao nhiêu hoá chất đã được thải ra ở đó.
Vụ ô nhiễm ở Thường Châu làm cho các bậc cha mẹ học sinh ở những ơi khác cảm thấy lo lắng.
Hôm thứ hai, sau khi vụ việc được cả nước chú ý, chính quyền thành phố Thường Châu đưa ra một thông cáo trong đó nói rằng họ có chính sách tuyệt đối không dung thứ đối với hành vi gây ô nhiễm và đã lập ra một uỷ ban để điều tra thêm.
Một giáo viên của Trường Ngoại ngữ Thường Châu nói với đài VOA qua điện thoại: "Một uỷ ban điều tra đã được thành lập cho nên chúng tôi đang chờ xem kết quả như thế nào".
Trường này cũng cho rằng vụ việc bị thổi phồng vì trong số 2.451 học sinh chỉ có 3 học sinh nghỉ bệnh, và chỉ có 3 người trong tổng số 210 giáo viên và nhân viên nghỉ bệnh. Họ cho biết có 5 học sinh dự định chuyển trường.
Các chuyên gia cho rằng giải pháp tốt nhất vào lúc này là đưa số đất bị ô nhiễm ở trường học tới một nơi khác để khử độc. Ông Diêu Nhất Tuấn, giáo sư môi trường học của Đại học Chiết Giang, cho biết mức ô nhiễm đất ở Giang Tô có thể cao hơn dự kiến vì tỉnh này đã đóng cửa 7.000 nhà máy hóa chất từ năm 2010 đến năm 2015.
Ông Hối thúc chính phủ Trung Quốc tích cực giải quyết vấn đề bằng cách tăng mạnh ngân sách cho công tác khắc phục ô nhiễm đất từ mức 309 triệu đôla hiện nay lên tới mức 10,8 tỉ, tương đương với 0,1% GDP như kinh nghiệm của Mỹ đã cho thấy.