Tổng cục Môi trường của Việt Nam hôm 1/10 xác nhận ô nhiễm không khí ở Hà Nội đạt mức cao “vượt quy chuẩn” liên tiếp trong những ngày gần đây và khuyến cáo người dân “hạn chế các hoạt động ngoài trời”, theo trang Facebook chính thức mang tên Thông tin Chính phủ và nhiều báo trong nước.
Thông báo của Tổng cục Môi trường dẫn số liệu của 13 trạm quan trắc tự động ở Hà Nội, trong đó có 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ, cho biết từ ngày 25-29/9, toàn bộ các trạm đều báo là chỉ số bụi siêu mịn PM2.5 vượt quy chuẩn Việt Nam.
PM2.5 là hạt bụi có đường kính 2,5 micro mét hoặc nhỏ hơn, tương đương 1/20 đường kính sợi tóc, là loại có ảnh hưởng đến sức khỏe vì chúng quá nhỏ, dễ dàng xuyên qua hệ thống lọc của hệ hô hấp để đi vào cơ thể.
Vẫn theo tổng cục, nhiều trạm báo rằng chỉ số chất lượng không khí (AQI) hàng ngày đã tăng cao “gần tới mức xấu”, trong đó, riêng trạm của đại sứ quán Mỹ vào ngày 29/9 báo AQI lên đến 200, đồng nghĩa với “vượt mức xấu”.
Một bản tin của trang Bizlive.vn cùng ngày 1/10 nói chỉ số AQI ở Hà Nội trong buổi sáng đạt đến “mức đặc biệt nguy hiểm”. Bài báo đưa ra số liệu của ứng dụng Air Visual với con số ghi nhận ở khu vực hồ Tây “lên đến mức 333”.
Cũng đưa tin về chỉ số kể trên, trang Zing gọi đó là mức “cao kỷ lục” và “nguy hại đến sức khoẻ của mọi người”.
Bài báo của Zing cho biết thêm là vào sáng 1/10, ô nhiễm không khí ở Hà Nội có thể được xem là xấu nhất trong vòng một tháng qua. “Chỉ số AQI trung bình của Hà Nội theo ứng dụng Air Visual là 212, có hại cho sức khoẻ. Số liệu của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cũng xấp xỉ 200”, theo tin của Zing.
Tổng cục Môi trường nói trong thông báo của họ rằng xu hướng biến động bụi PM2.5 tại các thành phố miền bắc Việt Nam, trong đó có Hà Nội, “phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu”.
Nhận định sơ bộ về nguyên nhân PM2.5 tăng cao, tổng cục nói rằng vì những ngày gần đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, “gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí”.
Một nguyên nhân đáng kể khác, theo thông báo của tổng cục, là do việc “đốt rơm rạ” ở khu vực ngoại thành “góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí”.
Tổng cục Môi trường đưa ra dự báo rằng trong những ngày tới, khi mà ban ngày trời nắng khá mạnh, còn ban đêm nhiệt độ không khí mặt đất khá thấp, hiện tượng “nghịch nhiệt” vẫn có thể tiếp diễn, và “nồng độ bụi PM2.5 có thể tiếp tục duy trì ở mức cao” tại một số thời điểm trong ngày.
Với tình hình như vậy, tổng cục khuyến cáo người dân “hạn chế” ra khỏi nhà hay thực hiện các hoạt động ngoài trời, cũng như “hạn chế” đi lại trên đường. Lời khuyến cáo đặc biệt lưu ý đến “trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, và người mắc các bệnh hô hấp”.
Trong những ngày gần đây, theo quan sát của VOA, nhiều người sử dụng mạng xã hội bày tỏ lo lắng về tình trạng ô nhiễm không khí trở nên trầm trọng và kéo dài nhiều ngày liên tiếp, đồng thời họ cũng bức xúc khi nhà chức trách chưa có bất cứ phát ngôn nào về tình trạng này.
Người dân cũng nêu ra chất vấn về việc thuế bảo vệ môi trường thu hàng năm được sử dụng ra sao, trong khi ô nhiễm ngày càng tồi tệ hơn ở ngay thủ đô của đất nước.
Theo tìm hiểu của VOA, số liệu do Bộ Tài chính Việt Nam công bố cho thấy số tiền thu được từ thuế bảo vệ môi trường lên đến gần 45.000 tỷ đồng trong năm 2017.
VOA ghi nhận rằng nhiều người sử dụng mạng xã hội cũng chia sẻ các bài báo khẳng định là ô nhiễm không khí dẫn đến nhiều loại bệnh tật.
Báo Thanh Niên và trang Zing hôm 30/9 dẫn lời bác sĩ Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, cảnh báo rằng ô nhiễm không khí được coi là “kẻ giết người thầm lặng”. Phó giáo sư, tiến sĩ Giáp đưa ra ước tính rằng “khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí”, theo Thanh Niên và Zing.
Cùng ngày các trang An ninh Thủ đô và Việt Báo đăng tin cho biết lượng người khám bệnh da liễu “tăng vọt” ở Hà Nội.
Theo các bài báo của hai trang này, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận “khoảng 2.500 bệnh nhân tới khám mỗi ngày” và được xem là “tăng lên bất thường”. Những người đến khám được chẩn đoán mắc các bệnh dị ứng nghi liên quan đến môi trường như viêm da tiếp xúc, mày đay, viêm da cơ địa, v.v…, các bài báo cho biết.
Trong một bài đăng trên Facebook vào chiều 1/10, ông Nguyễn Anh Tuấn, một người có chuyên môn dược và có gần 23.000 người theo dõi trên mạng xã hội, cho rằng thời gian qua chính quyền giữ “im lặng” hoặc hành động chậm chạp về vấn đề ô nhiễm vì “đại đa số người dân không nhận thức đủ, và đồng loạt lên tiếng”.
Ông Tuấn cho rằng dù người dân chưa “có đầy đủ quyền công dân trong bầu cử” một cách thực chất, song “chúng ta có thể bày tỏ quan điểm cá nhân về ô nhiễm và đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải xử lý cải thiện tình trạng này, bằng cách đăng bài trên Facebook”.