Các nhà lập quốc Mỹ nằm trong số những người giàu có nhất trong các vùng đất thuộc địa khi họ soạn thảo và ký Bản Hiến pháp, và đó cũng là thành phần mà họ kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn đường quốc gia non trẻ này.
“Chưa bao giờ nhắm vào kiểu dân chủ trực tiếp, rằng tất cả dân Mỹ sẽ bỏ phiếu về mọi vấn đề,” ông Andrew Wehrman, phó giáo sư về lịch sử tại Đại học Central Michigan, nhận định. Họ cho rằng “phiếu bầu phải dành cho những người giàu có và học thức, nhưng họ chắc chắn không muốn hạn chế tất cả những người khác tham dự vào chính trị.”
Các nhà lập quốc kỳ vọng là thường dân, người nghèo và không có học vấn tham gia gián tiếp, thông qua các chính quyền địa phương, tại những cuộc họp công chúng và qua những hành động phản đối như tẩy chay.
Một số nhà lập quốc đặc biệt quan tâm đến chủ nghĩa dân túy và chính quyền quần chúng.
“Đó là những người nghĩ rằng dân chủ là một từ bẩn thỉu. Ngay cả ông John Adam cũng nói như vậy. Ông không muốn người nghèo bỏ phiếu, ông không muốn phụ nữ bỏ phiếu,” ông Wehrman nói.
Ông Bruce Kuklick, giáo sư lịch sử Mỹ tại Đại học Pennsylvania, nói các nhà soạn thảo Hiến pháp Mỹ có ý niệm về dân chủ rất khác biệt so với người Mỹ hiện nay.
“Các nhà lập quốc không muốn kiểu dân chủ này. Hiến pháp được viết sao cho quyền của công dân bị giới hạn,” ông nói. “Họ lo ngại về dân chủ… Đây là một hình thức chính phủ tệ hại vì một khi bạn cho mọi người tham gia, thì có phần chắc bạn sẽ bầu một người mị dân. Bạn có thể có người cầm quyền thu hút sự điên cuồng của quần chúng. Ý niệm này từ lâu không còn nữa.”
Ông Wehrman chỉ ra rằng những người soạn thảo Hiến Pháp cho là chỉ một phần trong một nhánh của chính phủ liên bang, Hạ viện, là do dân chúng bầu lên. Cử tri Đoàn chọn Tổng thống, Tổng Tư lệnh quân đội chọn các thẩm phán Tối cao Pháp viện và, theo như trước đây, các thượng nghị sĩ do các cơ quan lập pháp tiểu bang chọn.
“Đây là một nỗ lực khác nhằm giảm bớt dần sự tham dự trực tiếp của số đông dân chúng trong tiến trình chính trị,” ông Kuklick nói.
“Do đó có những hạn chế khác được viết trong Hiến pháp để hỗ trợ cho điều mà họ xem là có thể là một con tàu rò rỉ khi có nhiều người ít học, nghèo khó được quyền bỏ phiếu.”
Chỉ sau khi phê chuẩn tu chính án Hiến pháp thứ 17 vào năm 1913, các thượng nghị sĩ mới được dân chúng bầu trực tiếp.
“Rõ ràng, Hiến pháp được soạn thảo và ban hành để bớt lại một số hành động của các cơ quan lập pháp tiểu bang. Những người như ông James Madison và Alexander Hamilton cho rằng các cơ quan lập pháp tiểu bang và cử tri tại hầu hết các tiểu bang đã đi quá xa, và rằng quá nhiều người tham gia vào chính trị, quá nhiều người bỏ phiếu,” ông Wehrman nói.
Chẳng hạn như New Jersey trao quyền bỏ phiếu cho những cư dân nào đạt được một mức tài sản nào đó. Rồi những phụ nữ và người Mỹ gốc Châu Phi, họ chỉ có thể bỏ phiếu từ năm 1776 cho đến năm 1807, khi các tiểu bang giới hạn quyền bỏ phiếu lại, chỉ dành cho những người đàn ông da trắng.
“Các nhà lập quốc nghĩ rằng có quá nhiều tiếng nói trong cơ quan lập pháp tiểu bang, rằng các tiểu bang trở thành quá cực đoan, dựa vào quyền lợi của thường dân trong khi họ cần phải dè dặt hơn và thích nghi hơn với người giàu, những loại người làm ăn buôn bán, có học thức,” ông Wehrman nói.
Vậy những người như ông Alexander Hamilton, John Adam và những nhà soạn thảo khác của Bản Hiến pháp nghĩ gì về nước Mỹ ngày nay?
“Tôi nghĩ họ đều vui mừng rằng khung sườn tổng quát mà họ tạo ra vẫn còn hoạt động,” ông Wehrman nói.
Và họ có thể sẵn sàng thay đổi. Cuối cùng họ đã viết nên Hiến pháp trong một tiến trình thay đổi hoặc tu chính. Họ thậm chí còn tận dụng tiến trình đó vào việc phê chuẩn tu chính án 12 vào năm 1804 vốn lập nên phiếu Cử tri Đoàn riêng cho Tổng thống và Phó Tổng thống. Sự điều chỉnh nhỏ này nhằm không để cho đối thủ chính trị từ hai đảng đối lập cùng phục vụ trong một chính quyền ttrong tư cách Tổng thống và Phó Tổng thống.
Dù vậy, ông Kuklick nói, các nhà lập quốc sẽ bị xem là phản động chiếu theo tiêu chuẩn hiện nay.
Ông Kuklick nói “Một trong những chuyển đổi tuyệt vời của nước Mỹ vào thế kỷ 19 là chúng ta đi từ quan điểm rất giới hạn về sự tham gia của người dân vào chính quyền cho đến điều mà mọi người hoàn toàn công nhận là cách thức dân chủ.”
Dù dân chủ vận hành ngày nay không giống như các nhà lập quốc dự kiến, nhưng tiền tài và quyền lực vẫn đóng vai trò thiết yếu trong chính trị Mỹ. Với đại đa số Tổng thống Mỹ là những người giàu có một cách độc lập, thì mục tiêu mà các nhà lập quốc nhắm dành vị trí quan trọng trong chính quyền cho người giàu rốt cuộc đã được công nhận.
(Nguồn: Dora Mekouar)