Các nước cam kết tăng cường an ninh hạt nhân

  • Dan Robinson
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố hội nghị thượng đỉnh 47 nước về an ninh hạt nhân vừa kết thúc tại Washington hôm qua là một bước quan trọng hướng tới một sự kiểm soát tập thể hữu hiệu trong việc bảo toàn các chất liệu hạt nhân nhiều rủi ro trong 4 năm sắp tới. Theo tường thuật từ Tòa Bạch Ốc của thông tín viên VOA Dan Robinson, một thông cáo thượng đỉnh chung quyết đề ra các biện pháp mà cá nhân từng nước xác nhận sẽ thực thi, tuy chỉ trên cơ sở tự nguyện, nhằm giảm thiểu nguy cơ là các tổ chức khủng bố sẽ thủ đắc chất liệu hạt nhân.

Vào ngày chót của hội nghị thượng đỉnh, một lần nữa Tổng thống Hoa Kỳ lại nêu ra chủ đề chính của hội nghị, đó là 20 năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thế giới đứng trước một mối đe dọa nghiêm trọng đề ra bởi các tổ chức khủng bố tìm cách thủ đắc chất liệu hay vũ khí hạt nhân.

Khẳng định rằng các tổ chức khủng bố như al-Qaida chắc chắn sẽ sử dụng một vũ khí hạt nhân nếu có được trong tay, Tổng thống Obama nói hành động để loại trừ các chất liệu hạt nhân có thể dời chuyển đó sẽ đòi hỏi một quan điểm mới.

Ông Obama nói: “Tất cả những sự kiện này, đòi hỏi một thứ gì khác, một thứ mang tính cách cơ bản hơn. Nói đòi hỏi một quan điểm mới – ấy là chúng ta quy tụ thiện chí, trong tư cách là các quốc gia và các đối tác, để thực hiện những gì mà thời điểm này trong lịch sử đòi hỏi.”

Tổng thống Obama chủ tọa 2 phiên họp, cả hai đều không cho phép giới truyền thông tham dự, và một bữa tiệc trưa vừa ăn vừa làm việc.

Một thông cáo chung quyết dài 3 trang yêu cầu các nước tham dự cam kết bảo toàn tất cả các chất liệu hạt nhân trước năm 2014 và liệt kê 12 nghĩa vụ cụ thể, trong đó có lời hứa duy trì tính an toàn hữu hiệu của chất liệu hạt nhân mà các nước sở hữu.

Các quốc gia cũng cam kết ngăn chặn các nhân tố không phải là quốc gia thủ đắc thông tin hay kỹ thuật cần thiết để sử dụng chất liệu hạt nhân cho các mục đích độc ác, và thừa nhận sự cần thiết phải hợp tác để ngăn chặn một cách hữu hiệu và đáp ứng với các sự cố trao đổi hạt nhân phi pháp.

Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Tổng thống Obama được hỏi về lập trường cụ thể mà Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã bầy tỏ trong cuộc họp song phương có liên quan đến các nỗ lực tại Liên Hiệp Quốc nhằm đạt được thỏa thuận về một nghị quyết chế tài đối với Iran tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Tuyên bố Trung Quốc là một thành phần tham gia một cuộc thảo luận nghiêm túc trong nhóm P5 cộng 1 bàn về một hệ thống chế tài mới, tổng thống Hoa Kỳ thừa nhận rằng các cuộc thương nghị sẽ không dễ dàng.

Tổng thống Obama nói: “Tôi cho rằng các cuộc thương nghị này sẽ rất khó khăn và tôi sẽ hết sức cố gắng thúc đẩy để đoan chắc là chúng ta có được những biện pháp chế tài mạnh đem lại hậu quả cho Iran vào lúc nước này tính toán về chương trình hạt nhân của hộ và đoan chắc là các tính toán đó được thực hiện trên cơ sở kịp thời.”

Ông Daryl Kimball, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí nói rằng đến lúc diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần tới vào năm 2012 ở Nam Triều Tiên, các tham dự viên sẽ có thể đánh giá tiến bộ hướng tới mục tiêu bảo toàn chất liệu hạt nhân, nhưng còn tùy thuộc nhiều hơn vào một kế hoạch công tác mà các quốc gia cam kết.

Ông Kimball cho biết: “Kế hoạch này thực sự tiêu biểu cho một tập hợp các ý tưởng và sáng kiến, và kế hoạch công tác này kết hợp tất cả các ý tưởng và sáng kiến đó và thiết lập một kế hoạch hành động chung cho tất cả các nước mà hy vọng rằng các nước khác sẽ ủng hộ trong những năm sắp tới.”

Song song với các biện pháp mà Hoa Kỳ sẽ thực hiện, tỷ như củng cố an ninh bến cảng, các thông cáo cụ thể trong hội nghị thượng đỉnh bao gồm một thông cáo trong đó Ukraina chính thức cam kết từ bỏ kho dự trữ uranium được tinh chế cao trước năm 2012, cùng với các biện pháp tương tự của Canada và Chile.

Vào ngày cuối của hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Obama đã mở thêm các cuộc họp song phương với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Ergogan, và Tổng thống Argentina Critina Fernandez de Kirchner.

Tổng thống Obama loan báo Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân kỳ tới sẽ được tổ chức ở Nam Triều Tiên trong hai năm nữa.

Sau khi bắt đầu ngày họp bằng một phút mặc niệm dành cho tổng thống Ba Lan và phu nhân cùng 93 người khác tử nạn trong vụ rớt máy bay ở Nga, Tòa Bạch Ốc loan báo Tổng thống Hoa Kỳ sẽ đi Ba Lan vào ngày chủ nhật này để dự tang lễ của Tổng thống Lech Kaczynski và bà Maria Kaczynska cử hành tại thành phố Krakow.