TT Obama khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân

  • Dan Robinson

Tất cả các cường quốc hạt nhân chính trên thế giới đều có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân ở thủ đô Washington

Tổng thống Barack Obama tuyên bố Hội nghị Thượng đỉnh 47 nước về An ninh Hạt nhân mà ông chủ trì ở Washington sẽ đem lại các hành động cụ thể và chính xác giúp thế giới trở nên an toàn hơn. Tổng thống nói ông muốn có những cam kết mới nhằm bảo đảm là các chất liệu hạt nhân không lọt vào tay các phần tử khủng bố. Trong bối cảnh đứng trước những quan ngại về các tham vọng hạt nhân của Iran và Bắc Triều Tiên, đây là hội nghị lớn nhất do Hoa Kỳ chủ trì từ hơn 60 năm nay giữa các nhà lãnh đạo thế giới. Từ thủ đô Mỹ, thông tín viên VOA Dan Robinson ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Với hội nghị thượng đỉnh này và các nỗ lực tiếp theo, Tổng thống Obama đối diện với một thử nghiệm về khả năng của ông trong việc thúc đẩy một nghị trình hạt nhân tập trung và việc cấm phổ biến và chống lại khả năng khủng bố bằng hạt nhân, với sự hỗ trợ của các quốc gia đồng quan điểm.

Tất cả các cường quốc hạt nhân chính trên thế giới đều có mặt ở đây – Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp, cùng với hai nước đối thủ hạt nhân Nam Á là Ấn Độ và Pakistan. Israel, nước được nhiều người cho là sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng chưa hề xác nhân sự hiện hữu của các loại vũ khí đó, cũng có đại diện tham dự hội nghị.

Bắc Triều Tiên, nước được cho là đã thử nghiệm một vũ khí hạt nhân năm 2006, không được mời, cũng như Iran, nước hiện còn đang lâm vào thế giằng co với cộng đồng quốc tế về chương trình tinh chế uranium mà Tehran nhất mực nói là nhằm các mục đích hòa bình chứ không nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân. Syria cũng không được mời dự hội nghị.

Tổng thống Obama đã chào mừng mỗi phái đoàn hôm thứ hai tại địa điểm hội nghị, trước khi các nhà lãnh đạo tham dự bữa tiệc vừa ăn vừa làm việc.

Ông John Brennan, Trợ lý Tổng thống về Chống khủng bố và An ninh Nội địa, coi mối đe dọa về khủng bố hạt nhân là có thực và ngày càng gia tăng. Mặc dầu không có dấu hiệu nào là al-Qaida có một vũ khí hạt nhân, ông cho rằng phải thực hiện mọi biện pháp để bảo đảm rằng tổ chức này không có được một vũ khí như vậy.

Ông Brennan nói: “Tôi nhất quyết muốn đoan chắc rằng bọn chúng sẽ không có khả năng thủ đắc khả năng đó. Và phương sách tốt nhất để thực hiện điều đó trong khi chúng ta tiếp tục phá vỡ và tiêu diệt al-Qaida là tước bỏ các cơ hội để bọn chúng có thể thủ đắc chất liệu hạt nhân, uranium được tinh chế ở mức cao nhằm chế tạo một thiết bị nổ hạt nhân.”

Trong các cuộc họp song phương với các nước như Kazakhstan và Ukraina, Tổng thống Obama dường như đã giành được hậu thuẫn mà ông muốn quy tụ cho một thông cáo chung quyết sẽ công bố vào ngày hôm nay, với sự cam kết của các quốc gia đối với việc bảo toàn chất liệu hạt nhân trong thời gian 4 năm.

Để đạt được mục tiêu ấy, Tòa Bạch Ốc loan báo một thỏa thuận trong đó Ukraina cam kết loại bỏ kho dự trữ uranium được tinh chế cao của họ trước Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân kỳ tới vào năm 2012, với một khối lượng đáng kể sẽ được tháo gỡ trước cuối năm nay.

Với phát biểu rằng đây là điều mà Hoa Kỳ đã theo đuổi từ hơn 1 thập niên, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Robert Gibbs được hỏi về những cam kết mà Tổng thống Obama muốn thâu thập được từ hội nghị thượng đỉnh này.

Ông Gibbs nói: "Có rất nhiều vai trò mà các nước có đại diện ở đây có thể đóng. Một lần nữa, một số nước có khối lượng uranium được tinh chế cao mà chúng ta đang tìm cách bảo đảm sự an toàn, các nước khác có thể góp nỗ lực vào việc tìm cách bảo đảm. Các nước khác nữa có thể góp nỗ lực vào việc cấm phổ biến các loại chất liệu này trong trường hợp các chất liệu này ở nguyên vị trí hiện nay.”

Cuộc hội kiến kéo dài 90 phút giữa Tổng thống Obama và chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đem lại điều mà các giới chức Hoa Kỳ mô tả là một thỏa thuận rằng Iran phải đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế về việc cấm phổ biến hạt nhân. Phụ tá an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc, ông Jeff Bader, cho biết chủ tịch Hồ Cẩm Đào có chung những mối quan ngại với Hoa Kỳ về chương trình hạt nhân của Iran và mục tiêu toàn diện là bảo vệ quy chế cấm phổ biến. Ông Bader cũng cho biết thêm là hai vị nguyên thủ quốc gia đã đồng ý chỉ thị cho các phái đoàn của Liên Hiệp Quốc hợp tác với khối P-5 Cộng 1 về một nghị quyết chế tài mới của Hội đồng Bảo an.

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho các phóng viên hay sau cuộc họp rằng Trung Quốc hy vọng vấn đề Iran có thể được giải quyết qua đối thoại và thương nghị.

Đối với những mối quan ngại về sự an toàn của kho vũ khí hạt nhân của Pakistan, một thông cáo của Tòa Bạch Ốc sau cuộc họp hôm chủ nhật với Thủ tướng Yusuf Raza Gilani nói rằng nhà lãnh đạo Pakistan đã đưa ra lời bảo đảm rằng nước ông “coi vấn đề an ninh hạt nhân là nghiêm trọng và đã áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn thích ứng”.

Tổng thống Obama có thêm hai cuộc họp song phương dự kiến diễn ra hôm nay – một với Thủ tướng Đức Angela Merkel và một với Thủ tướng Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ.

Về địa điểm của Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân kỳ tới, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Robert Gibbs cho biết sẽ có thông báo ngày hôm nay vào lúc bế mạc hội nghị ở Washington.