Hôm 5/6, nữ hoàng Anh Elizabeth cùng với các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có ông Donald Trump và bà Angela Merkel, tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm cuộc đổ bộ Normandy, còn gọi là D-Day.
Sự kiện này vinh danh các cựu chiến binh của cuộc đổ bộ bằng đường biển lớn nhất trong lịch sử đã giúp chấm dứt Thế chiến II.
Nữ hoàng Anh, Thái tử Charles, các tổng thống và thủ tướng các nước đã đứng lên vỗ tay hoan hô các cựu chiến binh mang áo khoác nặng trĩu huy chương, khi họ đứng trên một sân khấu khổng lồ bên cạnh đội lính danh dự sau khi bộ phim về cuộc đổ bộ Normandy được trình chiếu.
“Thế hệ thời chiến - thế hệ của tôi - rất kiên cường, và tôi rất vui được có mặt cùng quý vị ở Portsmouth hôm nay”, nữ hoàng 93 tuổi trong trang phục màu hồng tươi phát biểu.
“Chủ nghĩa anh hùng, lòng dũng cảm và sự hy sinh của những người đã ngã xuống sẽ không bao giờ bị lãng quên. Với sự khiêm nhường và niềm vui, thay mặt cho cả đất nước - thực sự là toàn bộ thế giới tự do - tôi xin nói với tất cả quý vị: Xin cảm ơn”.
Cùng tham dự các hoạt động kỷ niệm tại Portsmouth với Thủ tướng Theresa May là Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và phu nhân, trong ngày cuối cùng của chuyến thăm cấp nhà nước tới Anh.
Ông Trump đọc lời cầu nguyện mà ông Franklin D. Roosevelt đã đọc năm 1944: “Kẻ địch rất mạnh. Chúng có thể đẩy lùi lực lượng của chúng ta nhưng chúng ta sẽ liên tục quay trở lại; và chúng ta biết rằng nhờ ân sủng của Ngài, và với sự công bình của sự nghiệp của chúng ta, những con em của chúng ta sẽ chiến thắng”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Úc Scott Morrison, Thủ tướng Đức Merkel, các nhà lãnh đạo và nhân vật cấp cao của 10 quốc gia khác cũng tham dự.
Vào sáng sớm ngày 6/6/1944, hơn 150.000 quân đồng minh đã rời Portsmouth và khu vực xung quanh để bắt đầu cuộc tấn công từ trên không, trên biển và trên bộ vào Normandy, với kết quả cuối cùng là giải phóng Tây Âu khỏi chế độ Đức Quốc xã.
Vào thời điểm diễn ra cuộc đổ bộ Normandy, các lực lượng Liên Xô đã chiến đấu với Đức ở phía đông trong gần 3 năm. Người đứng đầu điện Kremlin, Josef Stalin, ngay từ tháng 8/1942 đã thúc giục Thủ tướng Anh Winston Churchill mở mặt trận thứ hai.
Cuộc đổ bộ, có mã hiệu là Chiến dịch Chúa tể (Operation Overlord), do tướng Dwight D. Eisenhower của Hoa Kỳ chỉ huy. Đến nay, nó vẫn là cuộc tấn công đổ bộ lớn nhất trong lịch sử, huy động gần 7.000 tàu lớn và tàu đổ bộ dọc theo đoạn bờ biển nước Pháp dài 80 km.
Hàng ngàn người đã thiệt mạng ở cả hai phía. Trong các nghĩa trang trên khắp miền bắc nước Pháp là nhiều hàng thập giá màu trắng nối nhau, vinh danh những người đã khuất. Chỉ cần đọc mã hiệu của các khu vực đổ bộ - Utah, Omaha, Gold, Juno và Sword - cũng có thể làm các cựu chiến binh rơi nước mắt.
Các hoạt động kỷ niệm có phần biểu diễn kéo dài một tiếng kể lại các sự kiện thời chiến và các máy bay quân sự thời trước bay qua. Sau đó, các nhà lãnh đạo thế giới đã gặp gỡ các cựu chiến binh tham gia cuộc đổ bộ.