Các nước láng giềng cảnh báo Triều Tiên về việc thử nghiệm hạt nhân

Dân Hàn Quốc theo dõi vụ phóng hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên trên truyền hình tại một nhà ga ở Seoul, ngày 13/4/2012

Nam Triều Tiên và Trung Quốc đang cảnh báo Bắc Triều Tiên về các hậu quả nếu nước này xúc tiến cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.
  • Hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên

  • Bắc Triều Tiên bắt đầu các nỗ lực nghiên cứu hạt nhân vào thập niên 1960, khi nhận được một lò phản ứng cỡ nhỏ của Liên bang Xô Viết cũ, và bắt đầu chương trình vũ khí hạt nhân vào thập niên 1980.


  • Sau đây là trình tự theo thời gian về các diễn biến đáng kể nhất trong lịch sử vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.


  • 1985: Tham gia Hiệp ước Cấm phổ biến hạt nhân (NPT) sau khi phát hiện một lò phản ứng tái chế biến hạt nhân ở Yongbyon.


  • 1994: Ký Khung Thỏa thuận với Hoa Kỳ, theo đó đồng ý ngưng chương trình hạt nhân và nhận các nhà máy năng lượng hạt nhân nước nhẹ.


  • 2002: Tái khởi động các sinh hoạt tại Yongbyon và trục xuất các thanh sát viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA sau khi bị đối đầu về một chương trình bí mật tinh chế uranium.


  • 2003: Cùng với 5 nước khác ở Bắc Kinh tham dự 3 vòng đàm phán 6 bên về chương trình vũ khí hạt nhân của họ.


  • 2005: Ký một thông cáo chung tái khẳng định Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa và đồng ý từ bỏ mọi chương trình hạt nhân hiện hữu.


  • 2006: Loan báo thử nghiệm thành công một thiết bị nổ hạt nhân.


  • 2007: Đóng cửa cơ sở hạt nhân ở Yonbyon và cho phép thanh sát viên IAEA trở lại.


  • 2009: Phóng phi đạn tầm xa qua không phận Biển Nhật Bản, bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khuyến cáo.


  • 2009: Rút ra khỏi các cuộc Đàm phán 6 bên và vài tuần sau loan báo thực hiện cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ nhì.


  • 2012: Đồng ý với lệnh cấm thử nghiệm hạt nhân và đình chỉ hoạt động tinh chế uranium ở Yongbyon, và ngưng phóng các phi đạn tầm xa.


  • 2012: Loan báo kế hoạch phóng một vệ tinh thời tiết trong một hành động bị giới chỉ trích coi là một cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo trá hình.

Ngày càng có nhiều lời phỏng đoán rằng Bắc Triều Tiên sẽ tìm cách thực hiện một cuộc thử nghiệm hạt nhân nữa, có lẽ trong vòng 1 hay 2 tuần lễ sắp tới.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên Cho Byung-je cảnh báo rằng bất kỳ một hành động nào như thế sẽ vi phạm các biện pháp chế tài quốc tế và làm cho đất nước nghèo khó này trở nên cô lập hơn.

Ông Cho nói theo hiểu biết của chính phủ Nam Triều Tiên thì không có dấu hiệu nào Bắc Triều Tiên sắp tiến hành một cuộc thử nghiệm như thế.

Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên, ông Kim Min-suk cũng đồng ý như vậy.

Ông Kim giải thích rằng quân đội Nam Triều Tiên không thấy dấu hiệu cụ thể nào rằng một cuộc thử nghiệm lần thứ ba sắp diễn ra. Ông nói khó mà tiên đoán được điều gì sẽ xảy ra, nhưng các lực lượng phối hợp của Nam Triều Tiên và Hoa kỳ đang chú ý theo dõi và sử dụng mọi tài lực để thu thập thêm chi tiết.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải tuyên bố Bắc Kinh sẽ phản đối mọi hành động có thể gây mất ổn định trong khu vực.

Phát biểu với các phóng viên hôm qua, ông Thôi nói không có bên nào – rõ ràng là muốn đề cập đến Bắc Triều Tiên – nên có hành động có thể làm tăng thêm căng thẳng. Ông nói duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và vùng đông bắc châu Á là trách nhiệm chung của tất cả các bên, chứ không phải của riêng Trung Quốc.

Một tờ báo Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh cực lực chống đối việc Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân và sẽ không có khả năng che chở cho Bắc Triều Tiên trước các hậu quả ngoại giao nếu như nước này xúc tiến thêm một cuộc thử nghiệm.

Lời cảnh báo được đưa ra trong một bài xã luận trên tờ Global Times của đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc.

Cơ quan tình báo Nam Triều Tiên cho hay không thể xác nhận một bản tin của hãng tin Nhật Kyodo nói rằng lực lượng Nga đã ở trong tình trạng báo động trước một cuộc thử nghiệm hạt nhân mà Bắc Triều Tiên sắp tiến hành trong vòng 1 tuần.

Bản tin trích lời một giới chức an ninh không nêu danh tính trong khu vực hàng hải Viễn Đông Thái bình dương của Nga.

Trong tháng này, Nam Triều Tiên đã cung cấp cho VOA và các cơ quan thông tin khác các hình ảnh thám thính bằng vệ tinh cho thấy có vết đào mới tại một địa điểm mà Bắc Triều Tiên đã tìm cách thực hiện 2 vụ thử nghiệm hạt nhân trước đây.

Các dấu vết của những chất phóng xạ đã được phát hiện trong bầu khí quyển sau cuộc thử nghiệm năm 2006. Nhưng đã không phát hiện được gì sau vụ cho nổ cơ cụ hạt nhân dưới lòng đất mà Bắc Triều Tiên đã nói vào năm 2009. Cả hai sự kiện này diễn ra sau các vụ phóng thử phi đạn tầm xa thất bại ở Bắc Triều Tiên.

Một hỏa tiễn nhiều tầng tương tự đã được phóng đi từ một cơ sở mới ở Bắc Triều Tiên vào ngày 13 tháng này. Hỏa tiễn đã nổ trên không phận Hoàng Hải 2 phút sau khi cất cánh.

Trong mấy tuần vừa qua, Bình Nhưỡng đã lớn tiếng hơn trong lập luận hiếu chiến nhắm vào Seoul. Bắc Triều Tiên đã dọa có hành động quân sự nhanh chóng nhắm vào chính phủ Nam Triều Tiên. Bình Nhưỡng nói tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak phải bị trừng phạt về những nhận định bất kính về miền Bắc kể từ sau cái chết hồi tháng 12 của lãnh tụ Kim Jong Il.

Các chuyên gia không đồng ý với nhau về mức độ nghiêm trọng của các lời đe dọa đó. Một số cho rằng chúng nhắm mục tiêu chủ yếu vào dân chúng trong nước để tăng thêm tính chính đáng cho tân lãnh tụ Kim Jong Un. Một số khác lưu ý rằng những lời cảnh báo tương tự đã được đưa ra trước các cuộc tấn công quân sự vào miền Nam.

Trong khi Bắc Triều Tiên có trọng pháo có khả năng tấn công thủ đô Nam Triều Tiên rất đông dân cư, thì Nam Triều Tiên và nước đồng minh Hoa Kỳ có vũ khí – kể cả máy bay thả bom và chiến đấu cơ – có khả năng tấn công vào bất cứ nơi nào ở miền Bắc với lực lượng quân sự hùng hậu.