Các giới chức Liên Hiệp Quốc cho biết hàng mấy chục năm tự cô lập đã gây hệ quả là Bắc Triều Tiên không hiểu biết gì về một số hóa chất nguy hiểm nhất, và điều đó tác hại nặng nề đến người dân nước này.
Ông Craig Boljkovac, điều hành chương trình hóa chất và chất thải thuộc Viện Huấn Luyện và Nghiên Cứu Liên Hiệp Quốc, nói:
“Về những vấn đề liên quan tới môi trường hiện tồn tại ở Bắc Triều Tiên, tôi cần phải nói ngay, tôi nghĩ chúng nghiêm trọng hơn nhiều so với nhiều nước khác trên thế giới. “
Một đội ngũ các Đặc sứ Liên Hiệp Quốc do ông Boljkevac dẫn đầu đang có mặt tại Bình Nhưỡng trong tuần này, để giảng giải cho các giới chức tại đây về những loại hóa chất thế giới đã cấm dùng từ nhiều chục năm, và Bình Nhưỡng hoàn toàn không hay biết gì cho tới vài năm gần đây.
Liên Hiệp Quốc đặc biệt lo ngại về việc Bắc Triều Tiên sử dụng 2 loại hóa chất, gọi là DDT và PCB.
DDT là một hóa chất có thời được sử dụng rộng rãi để trừ sâu rầy . Binh sỹ Mỹ đã từng phun thuốc này trong nón sắt của họ để trừ chấy trong Thế Chiến Thứ 2.
Những tác dụng có hại cho sức khỏe đã khiến chất này đã bị cấm tại phần lớn các nước, nhưng Bắc Triều Tiên thì không.
Ông Boljkevac cho biết: “Cho nên hiện nay trên thế giới, DDT chỉ còn được phép sử dụng cho một việc, đó là diệt muỗi truyền bệnh sốt rét Nhưng Bắc Triều Tiên vẫn cứ giữ nguyên lề lối của 50 năm trước: họ sử dụng DDT cho tất cả mọi chuyện.
PCB là một chất làm nguội, một thời đã đóng vai trò rất quan trọng để giữ cho những mạch điện không trở nên quá nóng. Hiện nay các nước đã dùng những chất liệu thay thế khác an toàn hơn nhiều.
Nhưng Boljkevac cho biết đội ngũ của ông đã có những khám phá kinh hoàng tại Bắc Triều Tiên:
“Dường như hiện nay tại Bắc Triều Tiên có tới 40 ngàn tấn PCB. Và chỉ cần một vài phân tử lọt vào người là cũng có thể gây hại vĩnh viễn cho sức khỏe của bạn cũng như con cái bạn.”
Mãi tới năm 2005, Boljkevac và toán nhân viên của ông mới được phép thăm Bắc Triều Tiên. Ông đã sửng sốt vì sự thiếu sự hiểu biết thông thường tại đây về những hóa chất độc hại đó.
Ông Boljkevac nói phụ nữ đặc biệt bị các hóa chất độc gây tổn hại, vì những chất đó có thể tồn đọng trong những mô mỡ và sữa mẹ. Ông cũng nói những nguy hiểm do sử dụng hóa chất độc hại không giới hạn trong lãnh thổ Bắc Triều Tiên.
Ông Boljkevac cho biết: “Vấn nạn của Bắc Triều Tiên liên quan tới các hóa chất đó cũng là vấn đề của thế giới. Một khi chúng bị sử dụng và phát tán trong môi trường, chúng sẽ lan tỏa đi khắp thế giới. Người Bắc Triều Tiên không thể đi ra khỏi nước họ dễ dàng và thường xuyên, nhưng những hóa chất độc hại đó thì vẫn có thể, và chúng hàng ngày lan đi khắp nơi.
Ông Boljkevac cho biết chính quyền Bắc Triều Tiên đang hoàn toàn hợp tác với toán nhân viên của ông và họ được đi tới mọi nơi.
Ông nói công việc của ông được dễ dàng vì lý do không có một hóa chất nào mà ông tìm cách loại trừ dính dáng gì tới việc sản xuất vũ khí.
Mấy chục năm sau khi phần lớn các nước ký vào những hiệp định toàn cầu cấm dùng các hóa chất quá độc hại, Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục sử dụng rộng rãi những chất này, gây nguy hiểm cho chính dân chúng trong nước và người dân các nước khác. Chính sách tự cô lập hóa của miền Bắc đã làm dân chúng tại đó bao nhiêu năm không hiểu gì về những hiểm họa họ phải đối mặt. Như tường trình của Thông tín viên Kurt Achin từ Seoul, Liên Hiệp Quốc đang cố gắng tìm một phương cách giải quyết vấn đề này.