Hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên thất bại ngay sau khi được phóng đi

Vụ phóng mới nhất đánh dấu lần thứ ba Bắc Triều Tiên thất bại trong vụ thử cái mà nước này gọi là vệ tinh

Bắc Triều Tiên thừa nhận vụ phóng rocket nhiều tầng mà nước này thực hiện sớm hôm nay đã không thể vào được quỹ đạo. Vụ phóng dường như gặp trục trặc ngay sau khi rocket được phóng đi, theo bài tường thuật từ Seoul của thông tín viên đài VOA Steve Herman.
  • Hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên

  • Bắc Triều Tiên bắt đầu các nỗ lực nghiên cứu hạt nhân vào thập niên 1960, khi nhận được một lò phản ứng cỡ nhỏ của Liên bang Xô Viết cũ, và bắt đầu chương trình vũ khí hạt nhân vào thập niên 1980.


  • Sau đây là trình tự theo thời gian về các diễn biến đáng kể nhất trong lịch sử vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.


  • 1985: Tham gia Hiệp ước Cấm phổ biến hạt nhân (NPT) sau khi phát hiện một lò phản ứng tái chế biến hạt nhân ở Yongbyon.


  • 1994: Ký Khung Thỏa thuận với Hoa Kỳ, theo đó đồng ý ngưng chương trình hạt nhân và nhận các nhà máy năng lượng hạt nhân nước nhẹ.


  • 2002: Tái khởi động các sinh hoạt tại Yongbyon và trục xuất các thanh sát viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA sau khi bị đối đầu về một chương trình bí mật tinh chế uranium.


  • 2003: Cùng với 5 nước khác ở Bắc Kinh tham dự 3 vòng đàm phán 6 bên về chương trình vũ khí hạt nhân của họ.


  • 2005: Ký một thông cáo chung tái khẳng định Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa và đồng ý từ bỏ mọi chương trình hạt nhân hiện hữu.


  • 2006: Loan báo thử nghiệm thành công một thiết bị nổ hạt nhân.


  • 2007: Đóng cửa cơ sở hạt nhân ở Yonbyon và cho phép thanh sát viên IAEA trở lại.


  • 2009: Phóng phi đạn tầm xa qua không phận Biển Nhật Bản, bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khuyến cáo.


  • 2009: Rút ra khỏi các cuộc Đàm phán 6 bên và vài tuần sau loan báo thực hiện cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ nhì.


  • 2012: Đồng ý với lệnh cấm thử nghiệm hạt nhân và đình chỉ hoạt động tinh chế uranium ở Yongbyon, và ngưng phóng các phi đạn tầm xa.


  • 2012: Loan báo kế hoạch phóng một vệ tinh thời tiết trong một hành động bị giới chỉ trích coi là một cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo trá hình.

Cắt ngang chương trình thường lệ 4 giờ đồng hồ sau vụ phóng mà Bắc Triều Tiên không truyền hình, một xướng ngôn viên trên đài truyền hình Bắc Triều Tiên thông báo vệ tinh quan sát trái đất Kwangmyongsong-3 đã không vào được quỹ đạo và các chuyên gia khoa học đang điều tra nguyên do thất bại.

Các giới chức ở Seoul, Tokyo và Washington nói rằng hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên đúng là được phóng đi từ bệ phóng, nhưng đã không bay được bao xa.

Các giới chức quân sự Mỹ gọi đó là một phi đạn Taepo Dong-2. Họ cho biết nó đã được vệ tinh theo dõi trên đường bay phía nam, nơi tầng đầu của hỏa tiễn rơi xuống Hoàng Hải. Cơ quan Chỉ huy Phòng vệ Hàng không Bắc Mỹ cho biết hai tầng kia đã không tiếp tục bay được, và không hề gây ra bất kỳ mối đe dọa nào.

Phát biểu với các phóng viên tại bộ quốc phòng, thiếu tướng quân đội Nam Triều Tiên Shin Won-sik nói phi đạn bắt đầu rơi trở lại trái đất ở độ cao 151 km, vỡ thành 20 mảnh và rơi một cách vô hại xuống Hoàng Hải, cách bờ khoảng 100 tới 150 km.

Vị tướng lãnh này nói vụ phóng rõ ràng đã vi phạm các nghị quyết 1718 và 1874 của Liên Hiệp Quốc, và đó là một vụ thử nghiệm phi đạn tầm xa giả dạng một vụ phóng vệ tinh. Ông nói thêm rằng đây là một sự khiêu khích nặng nề và là một mối đe dọa quân sự nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế và nước Cộng hòa Triều Tiên.

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cùng với các lực lượng quân sự Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ trong khu vực đã triển khai các khẩu đội chống phi đạn trên bộ và trên biển để bắn hạ bất kỳ vật thể nào nếu nó bay qua lãnh thổ Nhật Bản hoặc Nam Triều Tiên.

Giới hữu trách tại quần đảo Okinawa ở miền nam, gần với đường bay dự kiến, đã kích hoạt các loa phóng thành công cộng ngay sau vụ phóng.

Người dân được thông báo rằng không có gì đáng ngại về vụ phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên.

Những người bán báo của Nhật Bản phân phát các phụ bản báo.

Một người bán dạo đọc to tiêu đề bài báo rằng vụ phóng của Bắc Triều Tiên đã thất bại.

Vụ việc đã buộc giới hữu trách phải tiến hành các cuộc họp an ninh khẩn cấp ở cả Seoul và Tokyo.

Hội đồng Bảo an LHQ sẽ thêm vấn đề Bắc Triều Tiên vào nghị trình thảo luận trong phiên họp đã được định trước ngày hôm nay.

Nhóm G8 gồm Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Đức, Pháp, Italy và Canada kêu gọi Liên Hiệp Quốc đưa ra phản ứng thích hợp để đáp lại hành động của Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Nam Triều Tiên Kim Sung-hwan mạnh mẽ lên án việc miền Bắc vẫn cố tình thực hiện vụ phóng.

Ông Kim nói rằng ông thực là đáng tiếc là Bắc Triều Tiên đã chi một nguồn tài chính khổng lồ để phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn trong khi người dân nước này phải chịu cảnh cực khổ.

Nhật Bản cũng bày tỏ quan điểm tương tự, và nói thêm rằng nước này cân nhắc thêm các biện pháp chế tài tài chính mới đối với Bắc Triều Tiên.

Vụ phóng mới nhất đánh dấu lần thứ ba Bắc Triều Tiên thất bại trong vụ thử cái mà nước này gọi là vệ tinh.

Ngày càng có nhiều tin đồn trong cộng đồng tình báo rằng Bắc Triều Tiên sẽ sớm tiến hành một vụ thử nghiệm hạt nhân thứ ba. Các vụ thử nghiệm các thiết bị hạt nhân như vậy trước đây từng được thực hiện tiếp theo hai vụ phóng phi đạn nhiều tầng.