‘Nhờ’ dịch corona, người dân Việt Nam có tôm, cua giá rẻ?

Cua Cà Mau là một đặc sản nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ, Việt Nam

Cua Cà Mau là một đặc sản nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ, Việt Nam

Kể từ Tết Nguyên đán đến nay, dịch bệnh do virus corona chủng mới (Covid-19) hoành hành ở Trung Quốc đã khiến nhiều hộ nông dân nuôi tôm hùm, cua ở Việt Nam điêu đứng vì không thể xuất khẩu được và phải nhờ đến thị trường trong nước giải cứu.

Tuy nhiên, một nông dân nuôi cua ở Cà Mau nói với VOA rằng ông không trông mong nhiều vào thị trường nội địa mà chỉ mong sao dịch bệnh ở Trung Quốc chóng qua để ông có thể xuất khẩu tiếp tục vào thị trường này.

Trong lúc này, báo chí trong nước đưa tin người tiêu dùng ở các thành phố lớn của Việt Nam đang đổ xô đến các siêu thị để mua tôm hùm với giá rẻ hơn nhiều so với ngày thường trong khi các tài khoản bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội đang rao bán tôm hùm Khánh Hòa hay cua Cà Mau với giá rẻ.

Tôm hùm Khánh Hòa hay cua Cà Mau là những sản phẩm thủy hải sản nổi tiếng của Việt Nam lâu nay rất được thị trường Trung Quốc ưa chuộng nhưng lại không được tiêu thụ nhiều ở thị trường trong nước vì giá đắt đỏ.

‘Đành phải bán rẻ’

Trao đổi với VOA, ông Đỗ Hảo, một nông dân nuôi cua ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, cho biết từ đầu khi dịch bệnh bùng phát đến nay, tình hình tiêu thụ cua ở địa phương ông đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

“Lâu nay chúng tôi chủ yếu xuất cua ra thị trường nước ngoài, nay phải bán rẻ cho thị trường nội địa,” ông than thở và cho biết lượng xuất khẩu ra nước ngoài mà chủ yếu là thị trường Trung Quốc chiếm đến 90% sản lượng cua của ông.

Những khi xuất khẩu được thì giá cua nội địa ‘đu theo giá xuất khẩu’ nên có giá rất cao và nhờ đó, người nông dân mới có thu nhập cao, ông cho biết.

Theo lời ông Hảo thì một kg cua gạch xuất khẩu được thương lái thu mua với giá 500.000 đồng trong khi bán ra thị trường trong nước chỉ có giá 200.000 đồng, tức là chưa tới một nửa giá thu mua cho xuất khẩu.

“Một khi không xuất khẩu được thì chúng tôi phải bán theo giá nội địa,” ông nói và cho biết khi cua đủ lớn đến kỳ thu hoạch thì không thể tích trữ được mà phải đem ra thị trường tiêu thụ.

Ông thừa nhận rằng giá bán 200.000 đồng một kg cua gạch ở thị trường trong nước ‘không đến nỗi lỗ’ đối với người nông dân nhưng ‘mức lời rất ít’ – không đủ để trang trải cho những rủi ro trong nghề nuôi cua.

“Giá xuất qua thị trường Trung Quốc có lúc giảm, lúc tăng nhưng lúc nào cũng cao hơn giá thị trường trong nước,” ông nói và cho biết lúc cao điểm khi gần đến Tết Nguyên đán, giá cua gạch xuất sang Trung Quốc thường lên tới 650.000 đồng một kg.

Theo lời ông thì những lúc thị trường Trung Quốc bình thường, thương lái đến thu mua cua Cà Mau ‘rất đông’ và họ ‘lúc nào cũng thu mua hết của bà con nông dân’.

“Lúc không có dịch thì mỗi ngày có đến 4, 5 thương lái đến thay nhau cân cho hết cua chất cho đầy xe. Nông dân tụi tui có cuộc sống rất ổn định,” ông nói. “Nhưng chỉ 1, 2 ngày sau khi có dịch thì chỉ còn 1 thương lái xuống mua mà có mối hàng sẵn họ mới dám xuống cân cua.”

‘Quyết định đúng đắn’

Khi được hỏi tại sao không tập trung tiêu thụ thị trường trong nước vốn cũng có nhu cầu lớn đối với cua Cà Mau, ông Hảo phân trần: “Người nông dân nuôi cua làm việc rất vất vả. Họ làm ra thành phẩm nên cần có thu nhập cao. Nếu bán cho thị trường trong nước có chăng là bán giá rẻ nên người nông dân không thiết tha lắm.”

Theo lời ông Hảo thì thị trường trong nước không thể mua bằng với thị trường Trung Quốc là 500.000-600.000 đồng một kg cua, mà nếu có bán được với giá đó thì tất cả các mặt hàng tiêu dùng khác trong nước cũng tăng giá lên theo, khiến cho mức sống của người dân, trong đó có nông dân nuôi cua, sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

“Chúng tôi chỉ mong sao Trung Quốc hết dịch để chúng tôi xuất khẩu được, cua có giá trở lại,” ông nói với VOA và cho biết ở địa phương ông có nông dân đã lỗ đến 100 triệu đồng vì dịch bệnh so với cùng thời điểm năm ngoái.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi việc hạn chế giao thương với Trung Quốc trong thời điểm dịch bệnh, ông Hảo cho rằng đó là ‘quyết định đúng đắn’ của chính phủ Việt Nam.

“Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân. Hàng hóa không tiêu thụ được thì người nông dân khổ nhưng dù sao thì cái khổ đó vẫn có thể chịu được. Nông dân nuôi cua dù không có lời nhiều nhưng vẫn tiêu thụ được trong nước. Còn cái khổ dịch bệnh thì người dân sẽ chết,” ông giải thích và nói rằng dù bị ảnh hưởng tiêu cực nhưng ông vẫn ‘cắn răng chịu đựng thiệt hại’ của việc đóng cửa khẩu với Trung Quốc.

‘Tôm hùm giá rẻ’

Trong khi đó, cũng do tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, tôm hùm Khánh Hòa đang được các doanh nghiệp trong nước ‘giải cứu’ và đổ về các siêu thị ở Việt Nam với mức giá được cho là ‘rẻ khác thường’: chỉ còn 500.000 đồng một kg so với mức giá từ 1 đến 2 triệu đồng một kg thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, các báo trong nước đưa tin.

Các chuỗi cửa hàng thực phẩm và chuỗi siêu thị bán lẻ cũng đã kết nối với các doanh nghiệp thu mua tôm hùm ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa để giải cứu tôm hùm – giúp người nông dân tiêu thụ được tôm hùm ở thị trường nội địa.

Mức giá rẻ bất ngờ này đã khiến sức tiêu thụ tôm hùm trong nước ‘tăng vọt’, theo tường thuật của nhiều tờ báo trong nước và nhiều siêu thị không đủ tôm hùm để bán cho người dân.

Báo mạng VnExpress cho biết tôm hùm giờ đây đã trở thành một trong những mặt hàng bán chạy nhất ở các siêu thị.

Tờ báo này dẫn lời một nhân viên ở siêu thị Vinmart Thảo Điền cho biết ‘chỉ trong vòng 10 phút, siêu thị đã bán hết một tạ tôm hùm’. Một người chủ cửa hàng Đảo Hải Sản ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng được báo mạng này dẫn lời nói rằng doanh số tôm hùm của họ trong vòng một tuần nay đã ‘tăng hơn 10 lần so với trước đó’.