Trung Quốc: Virus corona có thể tồn tại trong không khí nửa tiếng

Hạ viện Tây Ban Nha tại Madrid, trống rỗng vì virus corona (ảnh chụp ngày 10/3/2020)

Hạ viện Tây Ban Nha tại Madrid, trống rỗng vì virus corona (ảnh chụp ngày 10/3/2020)

Virus corona gây bệnh COVID-19 có thể sống dai dẳng trong không khí ít nhất 30 phút và di chuyển đến 4 mét rưỡi-xa hơn là”khoảng cách an toàn” do nhà cầm quyền y tế trên toàn thế giới khuyến cáo, theo một cuộc nghiên cứu của một toán dịch tễ học của chính phủ Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện là virus có thể tồn tại nhiều ngày trên những bề mặt nơi những giọt nhỏ li ti từ hệ thống hô hấp người bệnh rơi xuống, nâng cao nguy cơ lây nhiễm nếu một người nào đó tình cờ chạm vào và sau đó xoa mặt và tay.

Chiều dài của thời gian virus tồn tại trên bề mặt tuỳ thuộc vào những yếu tố như nhiệt độ và loại bề mặt, chẳng hạn như ở khoảng 37 độ C, virus có thể sống từ hai đến 3 ngày trên kính, vải, kim loại, nhựa hay giấy.

Những khám phá này, từ một nhóm các nhà nghiên cứu chính thức thuộc tỉnh Hồ Nam điều tra về những ca lây nhiễm, thách thức khuyến nghị của nhà cầm quyền y tế trên toàn thế giới là mọi người nên giữ “một khoảng cách an toàn” từ một đến hai mét.

“Có thể xác nhận được rằng một môi trường khép kín với máy điều hoà không khí, khoảng cách lây nhiễm virus corona chủng mới sẽ vượt quá khoảng cách an toàn thường được công nhận” các nhà nghiên cứu viết trong một bài báo được Tạp chí Practical Preventive Medicine đăng tải vào ngày 6/3.

Bài báo cũng nhấn mạnh đến nguy cơ virus có thể vẫn lơ lửng trong không khí ngay cả khi người bệnh đã rời khỏi xe buýt.

Các nhà khoa học cảnh báo là virus corona có thể sống hơn 5 ngày trong phân người hay dịch thủy của thân thể.

Các nhà khoa học nói là cuộc nghiên cứu chứng tỏ tầm quan trọng của việc rửa tay và mang khẩu trang tại những nơi công cộng vì virus có thể sống dai dẳng trong không khí liên hệ đến những phân tử nhỏ li ti do ho hay hắt hơi bắn ra.

“Khuyến cáo của chúng tôi là luôn luôn mang khẩu trang (khi đi xe buýt),” các nhà nghiên cứu nói thêm.

Cuộc nghiên cứu căn cứ vào một vụ bùng phát địa phương ngày 22/1 trong mùa du hành cao điểm Tết Âm lịch. Một hành khách, được gọi là “A” lên một xe khách đường dài đầy người và ngồi hàng ghế thứ hai ở phía sau.

Hàng khách này đã ngã bệnh tại thời điểm đó nhưng trước khi Trung Quốc công bố virus corona bùng phát là một cuộc khủng hoảng quốc gia, do đó “A” không mang khẩu trang, cũng như những hành khác khác và tài xế của chiếc xe buýt 48 chỗ ngồi.

Trung Quốc yêu cầu phải có máy ảnh truyền hình lắp đặt trên các xe buýt đường dài, cung cấp những đoạn phim quý giá cho các nhà nghiên cứu dựng lại việc lây lan của virus trên xe buýt mà các cửa sổ đều đóng.

Ông Hu Shixiong, tác giả đứng đầu cuộc nghiên cứu, làm việc cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hồ Nam, nói máy thu hình an ninh cho thấy bệnh nhân “A” không giao tiếp với những người khác suốt trong cuộc hành trình kéo dài 4 giờ.

Tuy nhiên vào lúc xe buýt ngừng ở thành phố kế tiếp, virus đã lây sang 7 hành khách khác.

Những người này bao gồm không những những người ngồi tương đối gần với “bệnh nhân Zero”, nhưng cũng lây sang một cặp nạn nhân ngồi cách xa 6 hàng ghế-tức cách xa khoảng 4,5 mét.

Tất cả những người này sau đó xét nhiệm dương tính, trong đó có một hành khách không có triệu chứng lâm bệnh.

Sau khi những hành khách này rời khỏi xe, một nhóm khác lên xe buýt sau đó khoảng 30 phút. Một hành khách ngồi hàng đầu phía bên kia cũng bị lây nhiễm.

Ông Hu nói bệnh nhân không mang khẩu trang, dễ hít aerosol, hay những phân tử nhỏ li ti, do những hành khách bị lây nhiễm thuộc nhóm trước thở ra.

Aerosol là những phân tử nhẹ tạo thành từ những giọt li ti của dịch thủy từ con người.

Sau khi rời khỏi xe buýt, người mang bệnh đầu tiên lên một xe mini-buýt và đi khoảng 1 giờ. Virus lây sang hai hành khách khác, một người ngồi cách bệnh nhân “A” 4,5 mét.

Vào lúc cuộc nghiên cứu kết thúc vào giữa tháng 2, bệnh nhân “A” đã lây sang ít nhất 13 người.

Nhiều người thường tin rằng việc lây lan COVID-19 trong không khí bị hạn chế vì những hạt nhỏ do bệnh nhân tạo ra sẽ nhanh chóng chìm xuống đất.

Tin tưởng này đã khiến nhà cầm quyền y tế Trung Quốc khuyến cáo là mọi người nên đứng cách nhau một mét tại nơi công cộng và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đề nghị một khoảng cách an toàn vào khoảng 1,8 mét.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện là không có người nào trong số hành khách mang khẩu trang bị lây nhiễm.

Do đó họ ủng hộ quyết định yêu cầu người dân mang khẩu trang tại những nơi công cộng.

Các nhà nghiên cứu cũng đề nghị cải thiện vệ sinh tại những nơi vận chuyển công cộng và điều chỉnh máy điều hòa không khí để gia tăng tối đa khối lượng không khí trong lành.

Họ cũng nói bên trong những nơi này nên được dọn sạch và khử trùng một hay hai lần một ngày, đặc biệt sau khi hành khách đến nơi.

Một bác sĩ tại Bắc Kinh có liên hệ đến việc chẩn đoán và chữa trị các bệnh nhân COVID-19 nói cuộc nghiên cứu vẫn còn những câu hỏi chưa trả lời.

Chẳng hạn như hành khách ngồi sát cạnh bệnh nhân không bị lây nhiễm dù họ cũng bị phơi nhiễm aerosol ở mức độ cao.

Ông nói “hiểu biết của chúng ta về sự lây lan của virus vẫn còn hạn chế.”

(Nguồn Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hồ Nam, Trung quốc/Tạp chí Practical Preventive Medicine)