Cảnh sát tại Bangladesh vừa loan tin về vụ bắt giữ hai nghi can trong vụ sát hại tuần trước nhắm vào một blogger thế tục bộc trực, người thứ tư bị tấn công trong năm nay.
Một viên chức cảnh sát nói nhà chức trách không chắc chắn liệu hai thanh niên này có liên can trực tiếp với vụ giết hại ông Niladri Chatterjee, nhưng tin rằng họ có thể có thông tin về bốn người bị nghi là đã chém chết người viết blog tại nhà ông này hôm thứ Sáu tuần trước. Hai nghi can, Saad al Nahin và Masud Rana, được cho là thành viên của tổ chức Hồi giáo cực đoan Ansarullah Bangla Team bị cấm hoạt động.
Những vụ bắt giữ đã không góp phần bao nhiêu trong việc thỏa mãn những người chỉ trích từng than phiền về tiến độ chậm chạp của các cuộc điều tra và những phát biểu của các giới chức cấp cao trong ngành cảnh sát có thể châm ngòi cho những vụ tấn công khác.
Ông Imran H. Sarker, người đứng đầu Mạng lưới Blogger và Những người Tranh đấu trên mạng ở Bangladesh, nói với đài VOA: “Nhiều người đang đặt câu hỏi liện có bộ phận nào trong các cơ quan thi hành công lực hay chính phủ đang tiếp tay bằng cách nào đó cho các tội phạm đang giết hại các blogger hay không.”
Giới chức cấp cao nhất của cảnh sát bác bỏ những lời cáo buộc cho rằng các nhân viên cảnh sát có cảm tình với những kẻ tấn công hay cố tình kéo chậm các cuộc điều tra.
Tại một cuộc họp báo hồi đầu tuần này, tổng thanh tra cảnh sát A K M Shahidul Hoque, nói:
“Chúng tôi lên án tất cả những vụ sát hại này. Chúng tôi cam kết truy lùng những kẻ giết người và đưa bọn chúng ra trước công lý. Các cuộc điều tra về tất cả các vụ đang được xúc tiến tốt đẹp.”
Cách đây gần một thập niên, một cộng đồng nhỏ gồm đa số những người Bangladesh viết trên mạng bắt đầu trình bày lập luận chống lại đạo Hồi và các tôn giáo khác trên mạng. Tự xưng là “blogger vô thần”, họ cũng nêu nghi vấn về các khái niệm chính trị truyền thống trong bài viết của họ.
Mặc dầu các blogger trở thành nổi tiếng trong giới thế tục ở Bangladesh, các bài viết của họ đã gây phẫn nộ trong cộng đồng Hồi giáo lớn hơn.
Năm 2013, Hefajat-e-Islam, một tập hợp các nhóm Hồi giáo, đã lập ra một danh sách 84 blogger vô thần và trình danh sách lên chính phủ đòi bắt giữ họ và đưa ra xét xử dựa vào các luật lệ báng bổ tôn giáo vì những bài viết bị cáo buộc là mạ lỵ đạo Hồi.
Trong vòng vài tuần lễ vào lúc cơ quan Hồi giáo này còn tổ chức những vụ biểu tình ồ ạt kêu gọi hành quyết những tên vô thần trên mạng, các blogger bắt đầu phải đối mặt với những vụ tấn công thù hận.
Sau khi blogger Rajeeb Haider bị chém chết vào tháng 2 năm 2013, phần lớn các blogger đã đi trốn tránh, vì lo sợ cho tính mạng.
Tại Bangladesh, trong hai năm rưỡi vừa qua, năm blogger vô thần và năm nhà hoạt động thế tục ủng hộ họ đã bị giết trong những vụ tấn công bằng mã tấu gần như giống hệt nhau sau khi bị các tay sát nhân nhận diện và theo dõi.
Sau khi blogger Mỹ gốc Bangladesh và là nhà văn Avijit Roy, người sáng lập trang blog vô thần nổi tiếng Mukto Mona (tiếng Bengali có nghĩa là Tâm trí Tự do) bị giết vào tháng 2, một nhóm có tên là “#Ansar Bangla 7” nhắn tin qua Twitter rằng ông ta bị giết vì “tội ác chống lại đạo Hồi.”
Sau đó, trong một băng video phổ biến trên mạng, al-Qaeda và Tiểu lục địa Ấn Độ, một chi nhánh của al-Qaeda, nói các tay hoạt vụ của họ đã chém Roy đến chết, theo Tập đoàn Tình báo SITE, chuyên theo dõi các hoạt động khủng bố trên mạng.
Sau khi ông Chatterjee bị chém chết tuần trước, các cơ quan truyền thông đã nhận được một email trong đó một nhóm gọi là Ansar-al-Islam nhận trách nhiệm về vụ giết người.
Cảnh sát Bangladesh tin rằng nhóm Hồi giáo cứng rắn ở địa phương có tên là Ansarullah Bangla Team, còn gọi tắt là ABT, đã bị chính quyền cấm hoạt động hồi tháng 5, đang sử dụng các tên gọi khác nhau như Ansar Bangla 7 và Ansar-al-Islam và đứng sau những vụ giết tất cả các blogger. ABT nhận là thủ phạm vụ giết ba trong số bốn blogger đã bị giết ở Bangladesh trong năm nay.
Trong vụ giết ông Roy, cảnh sát đã bắt giữ một nghi can mà theo các nhân viên điều tra, có thể là chủ mưu vụ tấn công nhắm vào blogger sử dụng mạng xã hội này. Hai trong số ba người đã giết blogger Washiqur Rahman hồi tháng 3 đã bị những người chứng kiến bắt được tại hiện trường tội ác.
Song các thành viên trong gia đình đã lấy làm lạ là ngay cả khi các nghi can trong những vụ giết người đã được xác nhận, cảnh sát vẫn chật vật đi tìm và bắt giữ họ. Cựu giáo sư đại học Ajoy Roy, thân phụ của blogger Avijit Roy đã bị sát hại, kể rằng cảnh sát đã bảo ông rằng họ đã nhận diện được hai trong ba thủ phạm giết con ông, cách đây hơn ba tháng.
Ông Roy nói với đài VOA:
“Nhưng họ đã không thể nào bắt được bất kỳ tên nào. Thực là vô lý. Tôi không nghĩ rằng phải mất đến hơn một tuần để bắt được chúng, nếu đã nhận diện ra chúng.”
Roy và nhiều người chỉ trích khác nói họ tin là có thể có các cảm tình viên trong lực lượng cảnh sát đã ngăn cản các cuộc điều tra để bảo vệ cho những tay sát nhân.
Hồi tháng 5, ba tháng trước khi bị giết, ông Chatterjee đã than phiền với cảnh sát rằng những người khả nghi đã theo dõi ông tại những nơi công cộng và ông rất lo sợ cho tính mạng của mình. Nhưng cảnh sát đã không coi trọng lời than phiền của ông, ông nói trong bài đăng trên Facebook.
Cảnh sát trưởng Bangladesh, AKM Shahidul Haque, nói trong buổi họp báo của ông tuần này rằng nếu các cảnh sát viên thực sự từ chối không giúp ông Chatterjee, thì là họ làm sai. Nhưng ông cũng nói các bloggers có thể bị bỏ tù nếu những bài viết xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của người khác.
Ông Haque nói, “Nếu ai đó cảm thấy là có bất cứ bài viết nào xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của mình, thì họ phải yêu cầu lên tòa án. Chúng tôi sẽ dành sự hợp tác tốt nhất của chúng tôi và bắt giữ người viết. Chúng tôi sẽ mưu tìm biện pháp pháp lý chống lại người viết để trừng phạt… tôi cũng yêu cầu những người có suy nghĩ tự do chớ nên vượt quá giới hạn.”
Luật pháp Bangladesh mang tính cách thế tục và dựa vào bộ Công luật của Anh. Nhưng việc diễn dịch đạo Hồi quá khích đã thắng thế trong những năm gần đây, làm lu mờ những biện pháp bảo vệ pháp lý cho quyền tự do phát biểu khi có liên quan đến các vấn đề tôn giáo và các vấn đề nhạy cảm khác.
Blogger tranh đấu Imran H. Sarker, người đứng đầu Mạng lưới Blogger và Tranh đấu trên Mạng ở Bangladesh, nói rằng những nhận định của cảnh sát trưởng sẽ khuyến khích thêm những vụ giết người.
“Ông ấy không nói những kẻ sát nhân vượt quá giới hạn. Ông cũng không ngăn cản các hoạt động của bọn chúng. Nhận định của ông cho rằng các blogger vượt qua giới hạn có tác dụng ủng hộ những kẻ giết người. Người ta không trông đợi một nhận định như thế khích lệ những kẻ sát nhân từ phía người đứng đầu luật pháp và trật tự của một quốc gia,” ông Sarkar nói.