Những câu hỏi và một đôi mắt….

  • Nguyễn Tiến
Có một dòng chữ lạ xuất hiện trong đầu tôi, hỏi tôi: “Lâu giờ ông có viết gì không?” Tôi trả lời: “Tôi không viết gì được nữa!” Dòng chữ khiêu khích tôi: “Thế thì có bao giờ ông buồn khi cảm xúc ông đã cạn không?” Tôi trả lời không do dự, nhưng có hơi bực bội: “Tôi không còn thiết tha với đời sống này nữa!” Nhưng dòng chữ vẫn lì lợm, bắt tôi phải trả lời vì sao mà tôi bế tắc! Thật tình là tôi không biết hàng chữ này sao tự dưng muốn đi vào đời tôi, bắt tôi phải nói lý do.

Nó đến từ đâu, tôi không biết. Đến bằng cách nào tôi không hay. Nhưng tôi có thể hình dung ra khuôn mặt của nó. Một khuôn mặt có ánh mắt nhìn như xuyên qua lồng ngực tôi, nhìn thấu trái tim tôi, đi thẳng vào đầu tôi.

Tôi hoang mang khi dòng chữ tiếp tục khiêu khích: “Tôi sẽ len lõi vào trong từng ngõ ngách của trái tim ông để tìm hiểu vì sao mà ông, một người từng tha thiết với đời sống này, từng hăm hở viết, từng xem viết là cuộc đời của mình mà giờ đây sau bao nhiêu năm cầm bút bỗng không còn viết gì được!”

Tôi bắt đầu nghi ngờ nguồn gốc của những dòng chữ này. Có thể nó phát xuất từ một người làm nghề giải phẩu tâm linh chăng? Nhưng làm gì có một ngành nghề như thế! Tôi bắt đầu tra vấn tôi. Những giao thoa của suy tư thuận chiều sẽ tạo thành luồng điện kết nối rồi sinh ra những dòng chữ chăng? Tôi lục tìm những kiến thức về toán học, về hình học, về lý, về hoá...ngay cả những môn học trừu tượng mà tôi đã từng theo đuổi từ thời sinh viên. Tôi muốn mở tung cánh cửa tri thức của tôi, nhưng tôi như đi vào ngõ cụt của lòng kiêu hãnh!

Tôi thách đố: “Ừ, thì cứ tìm hiểu đi. Cứ len lõi theo từng mạch máu của tôi đi, biết đâu bạn sẽ tìm ra mạch nào nghẽn, mạch nào không? Tôi thách bạn đó, thử đi rồi cho tôi biết! Thử đi thử đi, thử ngay lập tức đi. Nhưng coi chừng quá muộn. Khi mạch của tôi đã cứng thì bạn đừng hòng chạy lòng vòng, ngay cả ở những mạch lớn bạn cũng không thể lọt vào, nói chi đến những mạch li ti chằng chịt mà bạn đòi vào lục lạo trong từng ngõ ngách của trái tim tôi như bạn nói! Thử đi, thử đi rồi cho tôi biết. Tôi chờ đây!”

Những dòng chữ bắt đầu chạy như chạy marathon trong đầu tôi. Nó xuất hiện không ngừng nghĩ. Nó muốn áp đảo tinh thần tôi chăng? Nó xỉ vả tôi đủ điều. Tên của những cuốn sách tôi đã viết hơn nửa thế kỷ bỗng hiện lên từng hàng rõ ràng, đủ thể loại. Truyện ngắn có, tuỳ bút có, truyện vừa có, thơ cũng có…Nó hỏi tôi nguyên do nào tôi viết bài này? Thời điểm nào tôi viết bài kia? Ẩn chứa nào tôi bỏ vào trong ấy? Nó quay tôi như con vụ. Nó làm tôi chóng mặt. Tôi chưa kịp trả lời, nó đã bỏ tôi nằm chết lặng và ra đi không nói với tôi lời nào, mặc tôi với cái đầu muốn nổ tung.

Rồi nó trở lại. Lần này nó mổ xẻ tôi bằng những dòng chữ như những lưỡi dao, sắc, nhọn, bén. Nó hù doạ tôi là động mạch đi vào tim tôi đóng đầy bụi trần gian, cần phải mổ cho thông. Nó la toáng lên những cơ bắp của tim tôi đã cứng bởi những điều thị phi, cần phải làm mềm. Nó cho tôi biết những mạch nhỏ li ti khắp nơi trong cơ thể tôi đã đứt khúc bởi những lo toan trần thế, cần phải nối lại. Nó tìm đủ lý do để bắt tôi phải ký vào tờ giấy cam đoan nếu lỡ tôi có mệnh hệ nào trong khi mổ thì tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Tôi giùng giằng và những dòng chữ biến mất cùng trang giấy.

Mấy ngày sau những dòng chữ lại xuất hiện trở lại, bằng một giọng khó ưa: “Vậy thì ông hãy kể cho tôi nghe đi, trong thời chiến ông làm gì?” “Làm người!” tôi khiêu khích trả lời. “Làm người, làm người cũng khó lắm đó, nhưng mà ông làm người gì? Làm người lính? Làm người chăn bò? Làm người dạy học? Làm người thường dân? Làm người buôn bán? hay làm người nắm quyền sinh sát người khác trong tay?”…Giọng điệu của nó làm người tôi nóng lên. Máu tôi bất ngờ luân lưu như dòng nước lũ, hai bàn tay tôi nắm lại thành những cú đấm, rồi mở ra. Bỗng dưng tôi thấy những dòng chữ lả tả rơi trong lặng thinh. Từng chữ, từng chữ chỉ còn là những con chữ vô nghĩa, rời rạc, nằm ngổn ngang cô đơn trong đầu tôi.

Tôi không thể ngủ được dù mắt nhắm nghiền. Những dòng chữ tự động ráp nối lại với nhau, méo mó nguệch ngoạc. Thắc mắc này chưa trả lời xong, thắc mắc kia lại đến. Và chắc nó sợ tôi không đọc được nên những chữ cái bắt đầu lớn dần, lớn dần thành chữ in sắp ngay hàng thẳng lối: “Ông làm người viết, ông làm người viết, ông nhớ chưa? Ông làm người viết. Người viết, ông nhớ chưa?” À! Thì ra là thế! tôi lầm bầm trong họng. Vậy mà tôi có nhớ gì đâu. Tôi làm người viết. Tôi đã từng viết, viết khi tôi chập chững vào đời. Tôi từng làm người viết, viết khi tôi tuyệt vọng, viết khi tôi hạnh phúc. Tôi từng làm người viết, viết khi tôi muốn cả thế giới vũ trụ này thức tĩnh dưới ngòi viết của tôi. Tôi từng làm người viết, viết những điều dối trá của cuộc đời này, viết những điều đã làm trái tim tôi tan nát. Tôi bất ngờ nhớ về một thời, thời mới lớn của tôi và tôi la lớn nhưng cuống họng tôi khô khốc, chữ nghĩa tôi trôi tuột. “Tôi đã lớn lên trong chiến tranh. Tôi đã từng nằm bên bờ vực của sống và chết. Tôi đã từng chìm trong ý thức hệ. Tôi đã điên cuồng với tình yêu chữ nghĩa. Tôi đã đi giữa tiếng súng và khói đạn. Tôi đã nằm dưới hố sâu, ngập trong đất cát…Tôi đã có lúc ngừng thở…Và tôi cũng đã có lúc sống như con thiêu thân trong những đêm thức trắng. Rượu chè và khói thuốc. Và âm thanh. Tôi đã chết khi mắt vẫn mở trừng nhìn vào đời sống…”

Mấy ngày đêm tôi như u mê ám chướng. Người tôi mệt lã, rũ rượi. Hai mắt tôi nặng nề mở không ra, thế mà dòng chữ vẫn tấn công tôi tứ phiá. “Ông không trốn tôi được đâu! Bây giờ tôi muốn hỏi ông vì sao ông luôn tạo ra những nhân vật quá phức tạp? Những nhân vật luôn chìm đắm trong sự mâu thuẫn. Những nhân vật có khi lại quá dã man và đôi khi lại quá nồng nàn!” “Thì bạn chẳng bảo với tôi là bạn sẽ mổ tim tôi ra để ngang dọc trong những mạch máu của tôi mà khai thác, mà tìm hiểu sao? Làm đi. Không làm nổi phải không? Có phải vì mạch tôi đã cứng? Trái tim tôi đã khô?”

“Ôi! Cánh đồng chữ nghĩa của tôi đã cạn khô rồi, cạn khô từ ngày ấy. Từ cái ngày tôi đã tự tay đốt hết những nhân vật của tôi! Liệu bạn có bắt những nhân vật tro bụi của tôi nhốt vào trong một cái hủ rồi bạn làm phù phép cho nó trở lại nguyên vẹn như xưa? Liệu bạn có làm được không?” Hình như tôi đang van xin! Hình như….

Bạn ạ, ngày ấy đã nhận chìm tôi xuống tận cùng địa ngục. Ngày ấy đã làm tôi lên cơn sốt như người lính lên cơn sốt rét rừng bởi những con muỗi mang mầm móng bệnh hoạn. Chúng chích tới đâu người tôi tím bầm tới đó. Bàn tay phải tôi sưng vù, tím ngắt nên tôi cầm viết bằng tay trái. Tôi không thể làm gì khác hơn là làm người viết dù tôi đã trải qua bao nhiêu nghề. Cái đầu của tôi đã bốc khói cùng với những điều ma mị. Thế là tôi nghiêng đôi vai hướng về lề trái để bụi rác trần gian đọng lại ở phiá trái ngực tôi!

“Vậy thì cả đời ông làm người viết, nhưng tôi muốn biết ông có bao giờ làm người viết mướn chưa? Làm người viết mướn đó ông biết không? Là viết những điều mà người khác muốn ông viết đó, ông hiểu tôi hỏi gì không?” Dòng chữ lần này tra vấn tôi với giọng điệu ngông nghênh và kẻ cả.

Nó nghĩ tôi u mê nên giải thích lòng vòng hay nó chơi đòn tra vấn hú tim như tôi đã từng bị tra vấn. Đại loại là nó áp đảo tinh thần cho đến khi những sợi thần kinh của người bị tra vấn rối bời như cuộn chỉ. Nhưng lần này nó đã thua cuộc.

Tôi cố tình khiêu khích nó: “Tôi làm người viết. Người viết. Nhưng tôi đã không làm người viết mướn. Tôi đã viết với lòng trung thực, tôi đã viết bằng trái tim. Bạn muốn khai thác ở tôi điều gì? Bạn định trêu tức tôi đấy hả? Bạn lầm rồi. Họ đã từng bỏ tù thân xác tôi nhưng họ không thể bỏ tù tư tưởng tôi. Dù thế, tôi đã lơ lững giữa thực và mộng. Chân tôi đã hỏng khỏi mặt đất và cái đầu tôi thì chúi nhủi cắm sâu trong lòng đất để tai tôi không còn nghe những điều phi lý, mắt tôi không còn nhìn thấy những nhiễu nhương của thời cuộc, mũi không còn ngửi mùi bi thương và miệng không còn nói lên những lời giả dối….Tôi đã như thế đó, bạn đã bằng lòng chưa? Bạn tưởng là tôi không biết dã tâm của bạn? Bạn tưởng thế à! Bạn đang chích vào tôi những mũi thuốc mê muội để bôi xoá trí nhớ của tôi nhưng kim của bạn đã gãy và những giọt thuốc mê nhỏ xuống trên những vũng lầy hoang phế đang đổi thịt, thay da…”

Dòng chữ lại tiếp tục tra vấn tôi. Lần này nó nổi giận mắng nhiếc tôi. “Vậy thì thưa ông, ông đã làm gì, đã viết gì? Làm báo, viết văn. Còn như làm người thì làm người giữ ngôi vườn chữ nghĩa, làm người nổi loạn…À, tôi nhìn thấy ông rồi… ông nổi loạn trong rụt rè, ông nồng nàn trong bồn nước lạnh…ông mù, ông câm, ông điếc…trong một xã hội đầy biến động, một xã hội sắc màu xám xịt, một xã hội mà lòng nhân ái đã ruổng nát, một xã hội mà tiền bạc và chức sắc là quyền lực ngự trị trên tất cả! Vậy thì thưa ông! Ông đã viết được những gì?”

“Đừng làm tôi xấu hổ nữa. Đừng làm tôi xấu hổ nữa!” Dòng chữ thoáng chốc vụt biến mất, bỏ lại tôi với nỗi cô đơn!

Giờ đây sau hơn 30 năm, kể từ ngày ấy, tôi đã sống một đời vất vưởng. Tôi đã chẳng làm được gì. Tôi lang thang đó đây, bên dòng sông định mệnh, dưới những chân cầu chứa chấp những kẻ vô gia cư. Thỉnh thoảng tôi gặp những người đứng bên lề xã hội, những người nghiện rượu, ghiền ma tuý, những cô gái điếm, những kẻ ăn xin….Họ sống như thể họ đã chết…Và tôi nhìn thấy tôi trong họ. Tôi cũng đã sống bên lề xã hội nhỏ bé của tôi. Tôi cũng vô gia cư trong cánh đồng chữ nghĩa mà một thời tôi đã ngụp lặn hít thở trong nó. Ngày xưa ở một con đường, những tối, những chiều tôi mệt nhoài với những con chữ, nhưng là nỗi mệt nhoài dễ chịu và ấm áp. Còn giờ đây, tôi mệt nhoài cũng với một con đường đi về sớm hôm, với những con chữ, nhưng là nỗi mệt nhoài đau đớn và lạnh buốt tim gan. Tôi không còn đủ hơi để hít vào bất cứ một hạt bụi nào, dù đó là hạt bụi bé nhỏ nhất mà vô tình tôi gặp đâu đó trong cõi mịt mùng! Buồng phổi tôi đã ruổng và trái tim tôi đã khô.”

Và giòng sông tuổi nhỏ của tôi chỉ còn là hoài niệm. Tôi đã đến thế giới này đơn độc và giờ đây tôi vẫn đang đơn độc một cõi đi về! Liệu bạn đã bằng lòng với những gì tôi đã tâm tình cùng bạn. Vậy thì hãy đừng mổ xẻ trái tim tôi. Xin đừng làm đau thân xác tôi. Xin đừng nạo, khoét, đục bỏ những khối u đang hình thành trong tôi. Dù gì thì nó cũng là một phần máu thịt của tôi! Và tôi muốn thu mình lại trong góc đời tôi. Tôi đã kiệt sức rồi! Tôi đã rã rời trong cơn hồng thủy chữ nghĩa rồi! Liệu bạn, những dòng chữ, một lần nữa có vực nổi tôi dậy và làm trái tim tôi hồi sinh.”

Mồ hôi vả ra như tắm, ướt đẫm chiếc gối. Người đàn ông giật mình, ngồi dậy, nhìn quanh nhìn quất. Ở góc kia là cái bàn mà xưa kia ông thường ngồi viết. Ở góc nọ là cái kệ gỗ chứa những sách báo mà ông yêu thương như những đứa con của ông. Ông sờ vào trái tim. Nhịp đập nhân đôi. Ông thở phào. Vói tay bật ngọn đèn. Ánh sáng bùng lên. Ông tỉnh ra.

Ông đi lần đến chiếc bàn mà ông đã bỏ quên trong nhiều năm tháng. Ông kéo ghế, ngồi xuống. Ông bật chiếc máy vi tính. Ông đánh mật mã. Ông mở trang chữ. Ông bắt đầu gõ bàn phím. Những dòng chữ hiện ra……

Nghe tiếng động từ phía sau, ông quay đầu nhìn lại.
Một đôi mắt ướt đang nhìn ông. Đôi mắt từ một nơi rất xa!

Những cơn giông đầu hôm đã ngừng. Ngoài kia. Trời mát lạnh.

Nguyễn Kim Tiến
Tháng 9, 2012

* Blog 'Nguyễn Xuân Hoàng và Bạn hữu' là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.