Nhóm Tư vấn Nội địa của Liên hiệp châu Âu (DAG EU) vừa bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” về Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và việc tiếp tục đàn áp xã hội dân sự ở đất nước Đông Nam Á, đồng thời nhóm này kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) nên thực hiện các biện pháp cần thiết để Việt Nam thực hiện đúng các cam kết.
Nhóm DAG EU được thành lập trên sở của Hiệp định Tự do Thương mại giữa Liên hiệp Châu Âu và Việt Nam (EVFTA), cụ thể là theo Chương 10 về Thương mại và Phát triển bền vững (TSD) của hiệp định.
Nhóm DAG có vai trò tư vấn cho các bên tham gia các hiệp định thương mại, trên cơ sở thông tin nhóm thu được từ các thành viên hoặc tổ chức đối tác ở các quốc gia liên quan, nhằm giúp cải thiện việc thực hiện các hiệp định.
“DAG EU vô cùng quan ngại khi biết rằng có một chỉ thị mật về an ninh quốc gia do các lãnh đạo cấp cao của nước này ban hành, mang tên Chỉ thị 24”, thông cáo của DAG EU viết sau cuộc họp của nhóm này với các đại diện doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức phi chính phủ tại Brussels, Bỉ.
“Chỉ thị này thiết lập chính sách ngăn chặn việc hình thành các tổ chức chính trị độc lập, kiểm soát quyền tự do ngôn luận và kiểm soát việc phổ biến các thông tin chỉ trích đảng cầm quyền, phủ nhận quyền tự do hội họp, tăng cường giám sát công dân và kiểm soát các công đoàn độc lập của công nhân”, tuyên bố của DAG EU hôm 6/6 nhận định.
Với lý do trên, nhóm này cho rằng Chỉ thị 24 đi ngược lại cam kết về Thương mại và Phát triển bền vững như đã nêu trong hiệp định EVFTA, bao gồm cả việc thực hiện các công ước của ILO, và đặc biệt là lời hứa của Việt Nam về việc phê chuẩn Công ước ILO số 87 về tự do lập hội và bảo vệ quyền tổ chức.
Hồi tháng 5, như VOA đã đưa tin, tổ chức The 88 Project (Dự án 88) - một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở ở bang Ilinois, Mỹ, chuyên vận động nhân quyền cho Việt Nam - công bố rằng chỉ thị mật số 24 của Bộ Chính trị đã bị rò rỉ. Đây là chỉ thị ra hướng dẫn cho các cơ quan có thẩm quyền về “đảm bảo an ninh quốc gia” trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Nội dung chỉ thị gây ra những ý kiến khác nhau trong giới quan sát về khả năng Đảng Cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp các cá nhân, tổ chức có hoạt động được cho là gây nguy hiểm cho sự toàn trị của đảng này.
Phản hồi câu hỏi VOA về báo cáo của các nhóm nhân quyền quốc tế lên án Chỉ thị 24, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng đó là những thông tin “có mục đích xấu nhằm tách Việt Nam ra khỏi cộng đồng quốc tế”.
“Chúng tôi phản đối những thông tin sai lệch, bịa đặt có mục đích xấu nhằm vào Việt Nam. Đây là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, âm mưu phá hoại sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và tách Việt Nam ra khỏi cộng đồng quốc tế”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho VOA biết qua email.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay khi VOA đề nghị bộ bình luận về tuyên bố của nhóm DAG EU.
Ngoài việc lên án chỉ thị trên của Việt Nam, DAG EU còn nhắc lại mối “quan ngại sâu sắc” của họ trước tình trạng đàn áp đang diễn ra đối với xã hội dân sự và các vụ bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền.
Nhóm này nêu tên các nhà hoạt động xã hội dân sự bị bắt, gần nhất là trường hợp bắt giữ hai nhà cải cách công đoàn và quyền người lao động là ông Nguyễn Văn Bình và ông Vũ Minh Tiến. Hai ông được xem là những người đang thúc đẩy các nỗ lực đưa luật về lao động của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
“Chúng tôi đã liên tục thúc giục Ủy ban châu Âu (EC) nêu lên những quan ngại này ở mức cao nhất và đẩy mạnh hoạt động giám sát đối với Việt Nam. Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi này và kêu gọi EC thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo EVFTA được thực thi đúng đắn”, nhóm DAG EU đưa ra khuyến nghị.