Có duyên gặp gỡ tại trường đại học trong khi cùng theo học ngành Multimedia Design (Thiết kế Đa phương tiện), nữ đạo diễn trẻ Bùi An và người bạn của cô, Vũ Quang, một gương mặt đạo diễn hình ảnh trẻ, đã cùng nhau tạo ra nhiều sản phẩm video chỉ đơn giản với niềm đam mê làm phim. “Mặc dù mới chỉ ngoài 20 tuổi nhưng những bộ phim của cô ấy rất có hồn và sâu sắc” là những điều mà doanh nhân xã hội người Mỹ gốc Việt Lanvy Nguyễn nói về những bộ phim tài liệu của An khi nữ doanh nhân này có dịp cộng tác với nhóm làm phim Yolo Pictures.
Your browser doesn’t support HTML5
“Cách đây hai năm thì có một cuộc thi được mở ra tên là YxineFF của anh Phan Xi Ne mà vừa rồi anh vừa làm bộ phim Em Là Bà Nội Của Anh, đó là lần đầu tiên tụi em tham gia vào một liên hoan phim,” nữ đạo diễn trẻ Bùi An đã cho biết như vậy khi nhớ lại một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình làm phim mà cô và các bạn của mình đã trải qua từ hồi còn là sinh viên.
Sản phẩm mà An và người bạn Vũ Quang mang đi dự thi lúc đó chỉ có độ dài 3 phút nhưng là một thất bại mà chính An đã miêu tả là “bây giờ nhìn lại không hiểu tại sao mình lại làm như vậy nữa, nhìn nó ngớ ngẩn lắm.” Tuy không thành công tại liên hoan phim đầu tiên nhưng hai bạn trẻ An và Quang đã học được nhiều bài học về làm phim và sau đó đã đưa ra một quyết định:
"Cùng lúc đó một bộ phim khác của tụi em gửi đi, làm trong lúc đi học, thì may mắn được giải. Lúc bộ phim đó được giải thì tụi em quyết định sau khi thực tập xong sẽ mở công ty riêng," An nói.
Mới thành lập hơn một năm nhưng Yolo Pictures của hai bạn trẻ Bùi An, Vũ Quang và ba thành viên khác đã cho ra đời hàng loạt những video phim tài liệu ngắn đầu tiên của Việt Nam theo phong cách quốc tế về những nghệ nhân và quy trình sản xuất những sản phẩm thủ công Việt Nam. Những thước phim này nằm trong hai dự án The Artisan và Made in Vietnam. Giải thích lý do chọn làm phim tài liệu, một mảng phim vốn không mấy thu hút giới trẻ, An cho biết:
“Hồi đi học thì phim tài liệu là điểm yếu của nhóm em. Em nghĩ là nếu bây giờ mình không khắc phục được điểm yếu của mình thì sẽ không phát huy được điểm mạnh của mình luôn. Tại vì tụi em đường dài muốn làm phim điện ảnh nên bây giờ có chỗ nào hỏng phải sửa chỗ đó nên giờ tụi em quyết định phải bắt đầu từ cái mà tụi em yếu kém nhất. Lúc đó em mới để ý thì ở Việt Nam chưa ai làm đề tài này hết trong khi nước ngoài thì làm rất nhiều. Tụi em mới bắt đầu đi tìm.”
Việc tìm kiếm các nghệ nhân ở Sài Gòn đã không mấy dễ dàng. Sau khi tìm được những nhân vật phù hợp, An và nhóm làm phim đã phải đối mặt với khó khăn tiếp theo là không biết phải xây dựng nhân vật như thế nào bởi lẽ những người nghệ nhân rất giản dị và mặt khác, làm phim tài liệu vốn không có kịch bản. An chia sẻ:
“Hồi xưa khi đi học em có quan điểm về phim phải có gì đó dữ dội, gay cấn, trúc trắc. Nhưng khi bắt đầu làm phim tài liệu về những người nghệ nhân thì gặp vấn đề là họ rất giản dị. Ví dụ khi mình hỏi về nỗi lo của họ, họ cũng không bộc bạch hay bày tỏ nhiều. Giống như họ sống trong một thế giới yên lặng của họ và không muốn bất cứ cảm xúc nào quá mạnh để khuấy động thế giới đó của họ. Nên em quyết định là nhân vật của mình như nào thì mình sẽ kể như ấy. Em không muốn tạo ra khó khăn khúc mắc trong câu chuyện của họ nếu họ không muốn chia sẻ điều đó. Mặc dù họ có nhiều khó khăn nhưng vẫn êm đềm và em chọn cái cách tải câu chuyện đó lên một cách trầm lắng giống như không gian xung quanh họ vậy.”
Nếu như An gặp khó khăn về mặt xây dựng kịch bản thì Quang lại đối mặt với thử thách về mặt kỹ thuật và hình ảnh. Quang nói:
“Riêng với vấn đề quay phim tài liệu thì mình sẽ không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong quá trình quay của mình. Có thể lúc đó mình không có sắp xếp, đem đèn, đủ ánh sáng, có cảnh theo mình muốn. Với lại thời tiết khác nhau nên màu sắc cũng khác nhau. Như series Artisans và Made in Vietnam thì nhóm phải đi ra Huế chứ không phải ở Sài Gòn để quay. Trước khi đi cũng không biết mình sẽ quay cái gì hết. Thường thường trong trường học có storyboard dàn xếp kịch bản nhưng cái này thì đụng cái gì thấy bắt mắt rồi kê máy lên mà quay thôi.”
“Kê máy lên mà quay thôi,” nghe tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế không phải như vậy, bởi một lẽ:
“Cái phim tài liệu The Artisan, mình phải quay chủ yếu là góc cận tại vì môi trường xung quanh của người nghệ nhân không có đẹp long lanh như nước ngoài, phải nói là tù túng, nó không có đẹp như mình nghĩ," An và Quang cho biết.
An nói tiếp: "Họ thường thường chỉ ngồi đâu làm đó. Nên tụi em phải chọn đa số góc cận vì muốn đặc tả cảm giác của vật liệu, sự va chạm giữa bàn tay người nghệ nhân tới vật liệu đó để tạo ra hình hài họ mong muốn. Tụi em muốn nhấn vô cái hồn của người nghệ nhân họ thổi vào. Thứ hai là tụi em muốn tạo cho những người nghệ nhân đó tạo ra một thế giới thật là đẹp để họ cảm thấy tự hào. Ví dụ như lúc em phỏng vấn anh nghệ nhân chạm mộc thì có một cái bức tường vô hình giữa em và anh vì anh cứ nói là anh không biết nói gì hết, anh không đi học nên không biết diễn tả bản thân sao. Thành ra em rất muốn họ nhìn thấy là thế giới của họ thật ra là đẹp như vậy đó và em muốn họ cảm thấy tự hào vì điều đó.”
Dù gặp nhiều thách thức, khó khăn, và vất vả nhưng những điều này không làm An, Quang và những thành viên khác của Yolo Pictures cảm thấy nhụt chí. An cho biết cô sẽ vẫn tiếp tục duy trì series về các nghệ nhân và các sản phẩm thủ công của Việt Nam này:
“Em nghĩ là sẽ vẫn tiếp tục duy trì series này, không phải vì lượt xem hay khán giả vì sau này nếu em làm những cái khác như MV (music video-video âm nhạc) thì chắc chắn sẽ có khán giả thôi. Còn khi làm series này thì em thứ nhất làm cho những người nghệ nhân. Em rất thích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Em muốn nhìn thấy nó được lưu truyền tiếp. Em muốn series này như một nguồn tư liệu video để người ta có thể truy xuất và biết Việt Nam có kho báu quý giá như vậy. Như giờ nói là em làm từ thiện chẳng hạn thì em không cảm thấy nó hữu ích như khi làm series này. Một khi em xác định được là mình muốn làm gì để đóng góp rồi thì mình sẽ tiếp tục duy trì nó. Còn những cái như MV, phim ngắn, giải trí nói chung, thì em sẽ vẫn làm thôi tại vì làm nó cũng vui nhưng em không quan trọng lắm là người xem sẽ xem gì. Vì trong cuộc đời em sẽ làm rất nhiều thứ, sẽ có rất nhiều đối tượng khán giả khác nhau, sẽ có những thứ giới trẻ không quan tâm, và có những thứ mà chỉ có những người thực sự hiểu rõ giá trị của nó thì mới cảm thấy trân trọng.”
Tuy đối tượng khán giả đa dạng và sẽ không bao giờ có thể có một phong cách làm hài lòng tất cả nhưng, như lời nữ đạo diễn trẻ Bùi An nói, “tụi em làm gì cũng làm 100% hết vì mình không có cơ hội thứ hai, bởi vì mình chỉ sống một lần thôi.” Và đó cũng chính là thông điệp mà nhóm phim Yolo Pictures gửi gắm trong tên gọi Yolo, từ viết tắt của câu You Only Live Once.