Sáu ca nhiễm biến thể Omicron của COVID-19 đã được phát hiện ở Scotland. Chính phủ Scotland cho biết hôm 29/11 rằng họ vẫn chưa biết các ca này bị nhiễm từ đâu, nhưng một số ca có thể là do lây lan cộng đồng chứ không phải do đi lại.
Hai ca nhiễm Omicron cũng được phát hiện ở Canada hôm 28/11. Bộ trưởng Y tế Ontario Christine Elliott cho biết hai người ở Ottawa đã đến Nigeria, vốn không nằm ở nam châu Phi, nơi xuất hiện biến thể virus.
Các quan chức y tế Hà Lan hôm 28/11 cho biết 13 người đã đến Hà Lan gần đây trên các chuyến bay từ Nam Phi đã xét nghiệm dương tính với biến thể Omicron.
Các hành khách này nằm trong nhóm 61 người xét nghiệm dương tính với COVID-19 sau khi họ đến Amsterdam hôm 26/11. Thông tin này được đưa ra ngay sau khi Úc cho biết hai ca nhiễm biến thể đã được phát hiện ở những hành khách vừa đến Sydney.
Israel và Morocco đã đóng cửa biên giới đối với tất cả du khách nước ngoài hôm 28/11 và Nhật Bản đã công bố lệnh cấm du khách có hiệu lực kể từ ngày 30/11, sau khi có tin về biến thể COVID-19 mới được phát hiện ở nam châu Phi. Các nước khác đã giới hạn lệnh cấm đi lại chỉ đối với du khách từ khu vực nam châu Phi.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói nước ông ‘thất vọng sâu sắc’ về các lệnh cấm đi lại. “Những lệnh cấm này là hoàn toàn không thể biện minh và phân biệt đối xử không công bằng đối với đất nước chúng tôi và các nước bạn chúng tôi ở nam châu Phi,” ông nói. “Việc cấm đi lại này không dựa trên khoa học cũng như sẽ không có tác dụng ngăn chặn sự lây lan của biến thể này. Điều duy nhất lệnh cấm đi lại làm được là gây thiệt hại thêm cho kinh tế của các quốc gia bị ảnh hưởng và làm suy yếu khả năng các nước ứng phó và phục hồi sau đại dịch”.
Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi thận trọng trong lúc các nước nhanh chóng đóng cửa biên giới.
“Hiện vẫn chưa rõ liệu Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn hay không so với các biến thể khác, gồm cả Delta,” WHO cho biết trong một tuyên bố hôm 28/11. "Số người xét nghiệm dương tính đã tăng lên ở một số nơi ở Nam Phi bị ảnh hưởng bởi biến thể này, nhưng các nghiên cứu dịch tễ đang được tiến hành để tìm hiểu xem liệu đó có phải là do Omicron hay không hay là do các yếu tố khác. Hiện tại không có thông tin nào cho thấy các triệu chứng của Omicron khác với triệu chứng của các biến thể khác”.
Lo ngại về biến thể này đã khiến nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Canada, Brazil và một số quốc gia Liên minh châu Âu, hạn chế hoặc cấm đi lại từ các nước nam Phi.
Mỹ chuẩn bị
Các ca nghi mắc cũng đã xuất hiện ở một số nước châu Âu khác. “Điều không thể tránh khỏi là nó sẽ có ở Mỹ,” nhà dịch tễ học hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci nói trên chương trình ‘This Week’ của kênh ABC-TV. “Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có sẵn sàng đối phó nó không?” ông Fauci nói.
Ông Fauci và các thành viên trong Nhóm ứng phó COVID-19 của Nhà Trắng đã thông báo cho Tổng thống Mỹ Joe Biden về những diễn biến mới nhất liên quan đến Omicron vào ngày 28/11, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố.
“Bác sĩ Fauci đã thông báo với Tổng thống Biden rằng mặc dù sẽ mất khoảng hai tuần nữa để có thông tin dứt khoát hơn về khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng và các đặc điểm khác của biến thể, ông vẫn tin rằng các loại vaccine hiện có có khả năng đem đến mức độ bảo vệ nào đó trước các ca COVID nặng,” tuyên bố cho biết.
Nhà Trắng cho biết ông Biden sẽ ra thông báo cập nhật hôm 29/11 về phản ứng của Mỹ trước biến thể Omicron.
Hành động nhanh chóng của một số nước trong việc phong tỏa biên giới đối với Nam Phi đã khiến một số quan chức và nhà khoa học nước này nói rằng họ cảm thấy như đang bị ‘trừng phạt’ vì đã minh bạch báo cáo về biến thể.
Các nhà khoa học đã cảnh báo sự bất bình đẳng của vaccine có khả năng dẫn đến đột biến của virus corona. Trong khi hàng triệu người ở châu Phi chưa được tiêm ngay cả mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, một số nước phương Tây đã chích mũi tăng cường cho người dân của họ.